Iran học được gì từ đòn tập kích ồ ạt vào Israel?

Iran học được gì từ đòn tập kích ồ ạt vào Israel?

18/04/2024 14:02 GMT+7

Israel đã ngăn chặn cuộc tấn công tên lửa trả đũa của Iran, nhưng các chuyên gia cho rằng Iran có thể tận dụng thất bại này để học hỏi và lên kế hoạch tấn công hiệu quả hơn.

Các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington nhận định trong một báo cáo ngày 14.4 rằng “Cuộc tấn công có thể đã giúp Iran xác định được điểm mạnh và điểm yếu tương đối của hệ thống phòng không Israel”.

Các nhà phân tích của ISW lập luận rằng “người Iran sẽ rút ra bài học từ cuộc tấn công này và nỗ lực cải thiện khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Israel theo thời gian như người Nga đã làm trong các loạt cuộc tấn công lặp đi lặp lại ở Ukraine”.

Vào ngày 13.4 (giờ địa phương), Iran đã phóng khoảng 150 tên lửa và 170 máy bay không người lái (UAV) vào Israel để đáp trả cuộc tấn công của Israel vào tòa nhà lãnh sự quán Iran ở Syria hồi đầu tháng này khiến một số quan chức thiệt mạng, làm leo thang căng thẳng đã kéo dài nhiều năm qua.

Phần lớn số tên lửa và UAV của Iran đã bị Israel và các đồng minh Mỹ, Anh và Jordan đánh chặn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cuộc tấn công này có thể mang lại cho Iran bài học về đòn tấn công lớn tiếp theo.

Dù nhiều tên lửa và UAV đã bị đánh chặn, vẫn có một số ít tên lửa Iran đã xuyên thủng được hệ thống phòng không của Israel.

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi có bài phát biểu trong lễ duyệt binh mừng ngày truyền thống quân đội ở Tehran, ngày 17.4.2024

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi có bài phát biểu trong lễ duyệt binh mừng ngày truyền thống quân đội ở Tehran, ngày 17.4.2024

REUTERS

Trong tương lai, nếu Iran rút ra bài học từ màn ăn miếng trả miếng này, những vũ khí trên “có thể gây thương vong đáng kể” cho Israel và phá hoại các cơ sở hạ tầng như cảng và năng lượng.

ISW nhận xét: “Các cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã chứng minh rằng chỉ cần một số lượng nhỏ các cuộc tấn công chính xác nhằm vào các nút quan trọng về năng lượng hoặc cơ sở hạ tầng khác cũng có thể gây ra những tác động không cân xứng. Israel và các đồng minh không nên cảm thấy tự mãn vì đã ngăn chặn thành công đợt tấn công vừa qua”.

Theo các nhà phân tích của ISW, chiến lược của Iran phần nào đó tương tự như chiến thuật Nga đã dùng ở Ukraine.

Chiến hạm Mỹ đánh chặn tên lửa Iran bằng vũ khí chưa từng sử dụng

Trong cuộc tấn công, UAV và tên lửa hành trình của Iran được phóng đi trước nhằm tấn công hệ thống phòng không của Israel cùng lúc với tên lửa đạn đạo.

Báo cáo của ISW viết: “Người Nga đã nhiều lần sử dụng cách tiếp cận như vậy để chống lại Ukraine. Mục đích là để các tên lửa hành trình và máy bay không người lái chậm hơn đánh lạc hướng và áp đảo hệ thống phòng không để cho phép các tên lửa đạn đạo, vốn khó bắn hạ hơn nhiều, có thể tiếp cận mục tiêu”.

Các chuyên gia cho rằng Iran có thể truyền đạt lại cho Nga những phát hiện của mình từ cuộc tấn công cho Nga, và qua đó giúp Nga tìm ra cách đối phó tốt hơn những hệ thống phòng thủ mà NATO và Mỹ đã cung cấp cho Ukraine.

Tuy nhiên, ISW cho rằng nếu cuộc xung đột giữa Iran và Israel trở nên nghiêm trọng hơn nữa thì Tehran và Moscow khó lòng duy trì mức độ hỗ trợ như trước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.