Iran triệu đại biện lâm thời Nga sau tuyên bố chung Nga - Ả Rập

25/12/2023 11:29 GMT+7

Iran đã trao công hàm cho Nga để phản đối việc Moscow và các nước Ả Rập ra tuyên bố chung, trong đó thách thức tuyên bố chủ quyền của Tehran đối với 3 đảo tranh chấp ở vịnh Ba Tư.

Theo truyền thông nhà nước Iran, nước này đã triệu tập đại biện lâm thời của Nga tại Tehran. Động thái mới diễn ra sau khi Moscow và các nước Ả Rập ra tuyên bố chung hồi đầu tuần này, trong đó thách thức tuyên bố chủ quyền của Iran đối với các đảo tranh chấp ở vịnh Ba Tư.

Hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran cho biết đặc phái viên Nga đã được triệu tập hôm 23.12, và trao một công hàm tới Moscow.

Công hàm nêu rõ Tehran phản đối tuyên bố của Diễn đàn Hợp tác Ả Rập - Nga lần thứ 6 được đưa ra tại Ma Rốc, với nội dung kêu gọi một giải pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp giữa Iran và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

Iran triệu đại biện lâm thời Nga sau tuyên bố chung Nga - Ả Rập- Ảnh 1.

Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian phát biểu tại Li Băng ngày 13.10

REUTERS

Trước đó vào hôm 23.12, Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian đã nói với người đồng cấp Nga qua điện thoại rằng "tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn của các quốc gia là một trong những nguyên tắc cơ bản trong mối quan hệ giữa các quốc gia", theo IRNA.

Đây là lần thứ hai trong năm nay Iran triệu tập người đứng đầu phái bộ ngoại giao Nga để phản đối những bình luận về quần đảo tranh chấp.

Iran khoe tên lửa hành trình mới sau khi bị Mỹ tố phóng UAV vào tàu chở hóa chất gần Ấn Độ

Năm 2022, Iran cũng đã triệu tập đặc phái viên Trung Quốc về tuyên bố chung tương tự với các quốc gia Ả Rập.

Iran nắm quyền kiểm soát 3 hòn đảo Abu Musa, Greater Tunb và Lesser Tunb sau khi lực lượng Anh rút lui vào năm 1971. Tehran coi đây là một phần lãnh thổ "không thể tách rời". Trong khi đó, UAE cũng tuyên bố chủ quyền đối với các đảo này và từ lâu đã thúc đẩy một giải pháp thương lượng.

3 hòn đảo nói trên có vị trí chiến lược trên eo biển Hormuz, tuyến đường thủy quan trọng mà khoảng 1/5 nguồn cung dầu của thế giới được vận chuyển qua.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.