(TNO) Ông nghệ sĩ mở nắp hộp đàn, lấy cây vi ô lông xen ra, ngồi xuống đó, nhắm mắt lại. Tiếng nhạc réo rắt bắt đầu cất lên. Quanh ông là ngổn ngang những mảnh cháy đen sì của vụ đánh bom vừa mới xảy ra.
Ở nơi này, nhiều người vừa bỏ mạng - Ảnh chụp từ màn hình YouTube
|
Một người, hai người, ba người và nhiều người dừng lại - có cả cảnh sát, binh lính, người đi đường, tài xế taxi và bạn bè, người thân của những nạn nhân vừa mất mạng trong vụ đánh bom mới ngày hôm trước. Họ im lặng lắng nghe, mặc cho tiếng xe cộ ồn ã xung quanh. Khi tiếng nhạc quốc ca vang lên, mọi người khe khẽ hát theo. Từ trong khóe mắt của nhiều người, những giọt nước mắt lăn dài.
Ở giữa đám đông, ông nghệ sĩ đứng tuổi vẫn nhắm mắt say sưa kéo đàn. Ông chính là Karim Wasfi, người chỉ huy dàn nhạc giao hưởng của nhà hát quốc gia Iraq.
Mỗi khi xảy ra đánh bom, Wasfi lại đến, thường là ngay ngày hôm sau, dùng tiếng đàn để gởi đi một thông điệp: người Iraq vẫn rất cần được thưởng thức cái đẹp dẫu phải chịu đựng hết cuộc đánh bom này đến cuộc đánh bom khác.
Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, chỉ trong tháng trước, ít nhất 319 thường dân đã thiệt mạng vì khủng bố, vì bạo lực, vì xung đột chỉ riêng ở tỉnh Baghdad.
"Tôi mong cái đẹp chạm được đến mọi người ở chính xác nơi mà họ vừa phải chứng kiến điều bạo tàn, xấu xa - nơi mà người ta vừa mất đi mạng sống, nơi người ta đang vật lộn để sống, để sinh tồn ", Wasfi nói trong một cuộc phỏng vấn với báo Washington Post.
Wasfi lúc đang chỉ huy dàn nhạc giao hưởng quốc gia Iraq - Ảnh: Reuters
|
Và thế là các cuộc biểu diễn trên đường phố của nghệ sĩ chỉ huy dàn nhạc giao hưởng tạo ra một hiệu ứng rất đặc biệt ở thành phố đánh bom xảy ra như cơm bữa này.
Đã là "cơm bữa", người ta ráng mà phải tồn tại chung với nó.
Khi những vệt máu loang trên đường vẫn còn chưa kịp được lau sạch, khi những phần thi thể có khi còn chưa kịp được lấy đi hết, người ta đã phải hối hả lắp lại những ô kính cửa hiệu đã bị vỡ vụn để tiếp tục quay lại cuộc sống thường nhật một cách nhanh nhất có thể. Con người ta vẫn phải sống, vẫn phải kiếm cái ăn, vẫn phải vật lộn để sinh tồn. Nhưng làm sao họ có thể sống bình thường khi vừa phải tận mắt chứng kiến những thi thể bị bom xé rách bươm?
Với hầu hết người dân Baghdad, vật lộn để qua ngày đã là quá khó khăn. Riêng Wasfi thì bảo ông muốn chạm đến mọi người "ở một đẳng cấp cao hơn".
Lần đầu tiên Wasfi chọn địa điểm bị đánh bom làm "sân khấu" là khi đánh bom xảy ra sát nhà ông, tại quận Mansour của Baghdad. Buổi tối hôm đó, cả khu phố bị xé toạc bởi một quả bom khủng khiếp. Và như thường lệ, người ta buộc phải đếm. 10 người mất mạng cả thảy.
|
Buổi chiều hôm đó, ông quay lại điểm đánh bom để lại trỗi lên tiếng nhạc giữa những ngọn nến đau thương và những bông hoa tang tóc tưởng niệm 10 người đã vĩnh viễn ra đi trong phút chốc.
Wasfi lo ngại giữa bom đạn, súng ống, người ta chỉ tập trung hết sức lực để cố mà tồn tại, không còn một tí tâm trí nào cho nghệ thuật, cho cái đẹp. Đó là lý do khiến ông mở hộp đàn ra giữa đống hoang tàn.
Tin tức về nghệ sĩ mang tiếng đàn đến giữa bom đạn lan ra rất nhanh. Một đoạn video ghi cảnh Wasfi chơi đàn ở quận Karrada - địa điểm đánh bom gần nhà ông như nói trên - nhanh chóng vượt qua con số 47.000 lượt xem trên YouTube.
Một trong những người đầu tiên chia sẻ hình ảnh Wasfi đem tiếng đàn "đọ" với bạo lực là Ammar al-Shahbander, một người bạn của Wasfi. Người đàn ông đó 41 tuổi, là giám đốc của Viện tường thuật chiến tranh và hòa bình Iraq.
Vài ngày sau khi Wasfi được bạn đưa hình ảnh lên mạng, ông lại chơi nhạc ở một địa điểm đánh bom khác. Đó là nơi Shahbander vừa bị hất tung lên không trung bởi một quả bom cài trong xe hơi. Shahbander không bao giờ còn có thể tường thuật về chiến tranh hay hòa bình nữa. Cùng với 15 nạn nhân khác, ông đã mất mạng.
Giữa bạo lực, chiến tranh, người dân Iraq vẫn cần thưởng thức cái đẹp - đó là thông điệp của Wasfi - Ảnh: Reuters
|
Cả Wasfi và Shahbander đều thuộc nhóm những trí thức Iraq đã trở về đất nước sau cuộc can thiệp quân sự của Mỹ vào đất nước này hồi năm 2003, hy vọng sẽ chung tay xây dựng cộng đồng báo chí và nghệ sĩ ở mảnh đất tan hoang vì chiến tranh này.
"Lẽ ra tôi đã có thể rời xa đất nước này như nhiều trí thức khác muốn tìm kiếm một công việc nhiều tiền và một cuộc sống yên ổn. Nhưng tại sao chúng tôi chọn ở lại? Để chúng tôi có thể truyền bá cái đẹp. Chúng tôi muốn xây dựng, không phải phá hủy", Wasfi nói.
Không phải ai cũng đồng tình với nghệ sĩ Wasfi. Một số cư dân mạng cho rằng ông lợi dụng sự đau thương để đánh bóng bản thân. Nhưng nhìn chung, mọi người biết ơn ông.
Hussein Mohammed, một sinh viên 21 tuổi đứng xem Wasfi biểu diễn, thốt lên: "Thật tuyệt vời, dẫu cũng thật đau đớn. Tôi không biết có đất nước nào đã phải chịu đựng những điều mà chúng tôi đã trải qua hay không, nhưng dẫu thế nào đi chăng nữa, chúng tôi cũng phải ráng mà sống. Đây là bằng chứng cho thấy chúng tôi mong mỏi được sống".
Bình luận (0)