Trong thư gửi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Thủ tướng Iraq Mohamed Shia al-Sudani đã mô tả những gì ông cho là "diễn biến tích cực và thành tựu" do các chính phủ Iraq đã đạt được, theo AFP ngày 10.5.
Ông al-Sudani nói Phái bộ Hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc dành cho Iraq (UNAMI), tồn tại từ năm 2003, đã vượt qua "nhiều thách thức lớn", và kết luận rằng hiện không còn cơ sở để tiếp tục duy trì phái bộ này ở Iraq.
Từ đó, ông al-Sudani kêu gọi Liên Hiệp Quốc kết thúc hoạt động của phái bộ tại Iraq vào 31.12.2025. Ông cho rằng UNAMI trong thời gian này chỉ nên tập trung vào các vấn đề liên quan đến "cải cách kinh tế, cung cấp dịch vụ, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và các lĩnh vực phát triển khác".
UNAMI được thành lập vào năm 2003 theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, thể theo yêu cầu của chính phủ Iraq, được mở rộng 4 năm sau đó, và được xem xét lại mỗi năm. UNAMI tư vấn cho chính phủ Iraq về đối thoại và hòa giải chính trị, cũng như hỗ trợ bầu cử và cải cách lĩnh vực an ninh.
Màn xé hiến chương kịch tính của Đại sứ Israel tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc
Dự kiến, trong tuần tới, Hội đồng Bảo an sẽ thảo luận về việc gia hạn UNAMI vì nhiệm vụ hiện tại sẽ chấm dứt vào cuối tháng này. Trong lần gia hạn UNAMI gần đây nhất vào tháng 5.2023, Hội đồng Bảo an đã yêu cầu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc tiến hành một cuộc đánh giá chiến lược, do nhà ngoại giao Đức Volker Perthes giám sát.
Trong một báo cáo được đưa ra vào tháng 3, ông Perthes báo hiệu có thể chấm dứt UNAMI, kết luận rằng "khoảng thời gian hai năm được chính phủ (Iraq) xác định cho việc kết thúc sứ mệnh đó có thể là khung thời gian đủ để đạt được tiến bộ hơn nữa".
Ông Perthes còn kết luận rằng khoảng thời gian hai năm sẽ cung cấp đủ thời gian để trấn an những người Iraq không muốn kết thúc UNAMI rằng quá trình chuyển đổi "sẽ không dẫn đến sự đảo ngược các lợi ích dân chủ hoặc đe dọa hòa bình và an ninh", theo AFP.
Bình luận (0)