(TNO) Một năm sau khi tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) trỗi dậy, gười dân Iraq phải bỏ nhà cửa chạy loạn và không thoát khỏi nỗi ám ảnh khi cho rằng IS còn đáng sợ hơn bệnh ung thư.
IS khiến hàng triệu người Iraq phải lánh nạn - Ảnh: Reuters
|
Tháng 6.2014, tổ chức cực đoan IS, vốn là một nhánh của mạng lưới khủng bố al-Qaeda, trỗi dậy mạnh mẽ và bắt đầu chiếm nhiều phần lãnh thổ ở Iraq và Syria. Sau một năm, tổ chức cực đoan này khiến người dân Iraq, Syria và dư luận hãi hùng với những đoạn video hành quyết người vô tội. Hàng triệu người ở những khu vực bị IS chiếm đóng phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Đài CNN (Mỹ) ngày 9.6 đăng tải bài viết với những chia sẻ đầy tuyệt vọng của những người Iraq tị nạn vì sự bành trướng của IS.
Ông Louay Hikmat Shawkat, 60 tuổi, từng sống ở thành phố Mosul, miền bắc Iraq, đã phải bỏ lại nhà cửa, chạy trốn khỏi thành phố. Ông nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ có thể quay về nhà. Khi phóng viên CNN hỏi ông về cơ hội đó, ông nhất mực khẳng định mình chỉ có một phần trăm, thậm chí một phần triệu cơ hội để trở về.
“IS là một căn bệnh và không thể nào chữa được. Ung thư còn chữa được, bệnh lao cũng chữa được, hầu hết mọi căn bệnh đều có thể chữa được, nhưng IS thì không”, ông nói.
Cô Linda Jannan là một người tị nạn khác cũng từ thành phố Mosul. Mới ngoài 30 tuổi nhưng Linda Jannan chia sẻ rằng tương lai của cô, gia đình và ba đứa con của cô coi như đã chấm hết, theo CNN.
Tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo vẫn không ngừng lớn mạnh - Ảnh: Reuters
|
Hãng tin Aljazeera (Qatar) ngày 9.6 cũng ghi lại câu chuyện của những người Iraq tị nạn vì IS cùng những nỗi lo sợ của họ trước cái chết.
Ông Abu Ahmed, 63 tuổi, là một trong số hàng nghìn người Hồi giáo dòng Sunni đã phải rời bỏ quê nhà ở tỉnh Kirkuk, sang tị nạn ở thành phố khác khi IS tràn vào một năm về trước. Ngôi nhà của ông giờ đã biến thành tòa án Hồi giáo của IS.
Ông Abu Ahmed kể rằng, khi còn ở nhà, các tay súng IS xông vào đòi ông phải nộp 500 USD mỗi tháng, nếu không sẽ giết ông. Sau đó, vì sợ hãi, ông và cả gia đình phải bỏ chạy.
“Nếu bạn không nghe theo chúng, chúng sẽ giết bạn ngay. Vì vậy, để bảo vệ tính mạng của mình, hãy nói với chúng là bạn sẽ theo chúng”, Aljazeera dẫn lời ông Abu Ahmed.
Bên cạnh nỗi sợ hãi, nhiều người dân Iraq còn mất niềm tin và bất mãn với chính phủ. Họ cho rằng Iraq chẳng còn chút tương lai nào nữa.
Ông Hasan Mahmoud Sofi từng là chỉ huy nhóm dân quân Sahwa (từng giúp quân Mỹ và chính phủ Iraq chống nhóm khủng bố al-Qaeda ở Iraq) cũng đã chạy nạn sau khi IS chiếm giữ nhiều vùng ở miền bắc Iraq. Ông Sofi tỏ ra thất vọng khi nói chính phủ không cung cấp bất cứ thứ gì cho nhóm Sahwa để chống IS.
Ông Sofi nói: “Chúng tôi nhiều lần đề nghị chính phủ Iraq cung cấp vũ khí, nhưng họ chẳng bao giờ hồi đáp”, mặc dù theo ông, khu vực Hawija mà Sahwa hoạt động là nơi có thể ngăn chặn IS.
Một năm trôi qua, IS vẫn không ngừng lớn mạnh mặc cho các chiến dịch không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu tiến hành trong nhiều tháng trời. Số người thiệt mạng không ngừng tăng và hàng triệu người mất nhà cửa, mất cả niềm tin. Mối lo ngại an ninh ngày càng tăng kéo theo vô vàn nỗi lo khác về nhân sinh đối với người dân Iraq.
Bình luận (0)