Để xây dựng vùng đệm quân sự như vậy, Israel sẽ phải chiếm được một diện tích lãnh thổ đáng kể ở Dải Gaza, vùng đất nhỏ bé mà lực lượng Hamas đã nắm quyền kiểm soát từ năm 2017. Các chuyên gia cũng như các đồng minh nước ngoài của Israel vốn phản đối việc này, theo AFP.
Giáo sư Adi Ben Nun tại Đại học Do Thái ở Jerusalem đã tiến hành phân tích hình ảnh vệ tinh về Dải Gaza. Ông cho biết kể từ khi chiến sự bùng nổ vào ngày 7.10.2023, quân đội Israel đã nhắm mục tiêu vào các công trình ở Gaza trong vòng 1 km tính từ biên giới giữa lãnh thổ này và Israel.
Đau đáu tìm câu trả lời cho số phận bé gái mắc kẹt giữa xung đột ở Gaza
Theo vị chuyên gia, hơn 30% số nhà cửa ở khu vực đó đã bị hư hại hoặc bị phá hủy trong xung đột.
Tháng trước đã ghi nhận ngày đẫm máu nhất đối với quân đội Israel kể từ khi họ phát động chiến dịch tấn công trên bộ ở Gaza vào cuối tháng 10.2023, đồng thời hé lộ một phần các chiến thuật được Israel sử dụng để "dọn dẹp" khu vực biên giới.
Vào thời điểm đó, Tham mưu trưởng quân đội Israel Herzi Halevi cho biết 21 quân nhân dự bị đã thiệt mạng "trong một hoạt động phòng thủ ở khu vực ngăn cách cộng đồng Israel với Gaza" nhằm giúp cư dân "trở về an toàn". Quân đội Israel tiết lộ họ đã đặt chất nổ để làm nổ tung các tòa nhà khi chúng bị Hamas bắn vào.
Các chuyên gia nói việc di dời cư dân Gaza kể cả ở khu vực biên giới có thể vi phạm luật chiến tranh.
"Chúng tôi đang thấy ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy Israel dường như đang khiến phần lớn Gaza trở thành nơi không thể cư trú được", AFP dẫn lời bà Nadia Hardman, chuyên gia về quyền của người tị nạn tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW).
"Một ví dụ rất rõ ràng về chuyện đó có thể là vùng đệm - điều này có thể cấu thành tội ác chiến tranh", bà cho biết.
Chính phủ Israel chưa từng công khai thừa nhận kế hoạch thiết lập vùng đệm quân sự ở Gaza kể từ khi chiến sự nổ ra và quân đội Israel cũng từ chối bình luận về tường thuật của AFP.
Israel "không có quyền"
Chuyên gia Cecilie Hellestveit tại Học viện Luật Quốc tế Na Uy cảnh báo về "viễn cảnh thanh lọc sắc tộc, chuyển giao hoặc thiếu tái thiết, để cuối cùng người Palestine buộc phải rời khỏi khu vực hoàn toàn".
Việc giám sát các hành động của Israel ở Gaza có thể sẽ được tăng cường sau khi Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đưa ra phán quyết vào tháng trước yêu cầu Israel ngăn chặn bất kỳ hành động diệt chủng nào.
Trẻ em Gaza 'chết dần chết mòn' vì thiếu thuốc men
Mỹ, đồng minh và cũng là nhà cung cấp viện trợ quân sự hàng đầu của Israel, đã nhiều lần tuyên bố rằng biên giới Gaza không được phép thay đổi và việc thiết lập vùng đệm sẽ vi phạm nguyên tắc đó.
"Khi nói đến tình trạng lâu dài của Gaza... chúng tôi vẫn rõ ràng về việc không lấn chiếm biên giới lãnh thổ này", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken từng nói.
Các chuyên gia nhân quyền cho biết Israel có thể sử dụng một phần lãnh thổ của mình để tạo ra vùng đệm an ninh.
"Nếu chính phủ Israel muốn có một vùng đệm, họ có mọi quyền để tạo ra một vùng đệm ở Israel rộng lớn hơn nhiều, nhưng họ không có quyền chiếm đất ở Gaza", chuyên gia nhân quyền Ken Roth, giáo sư tại Đại học Princeton (Mỹ), cho biết trên mạng xã hội.
Năm 2005, Israel đã đơn phương rút quân và người định cư khỏi Gaza, chấm dứt sự hiện diện bắt đầu từ năm 1967 nhưng vẫn duy trì quyền kiểm soát gần như hoàn toàn đối với biên giới của lãnh thổ Palestine. Một khu vực cấm đi lại hẹp có chiều rộng khác nhau được duy trì dọc theo toàn bộ chiều dài biên giới Israel - Gaza.
Ai Cập thiết lập một vùng đệm trên lãnh thổ của nước này ở khu vực giáp với Gaza.
Theo chuyên gia Hellestveit, mặc dù Israel đã quyết định không thiết lập vùng đệm vào đầu những năm 2000, ý tưởng này đã được hồi sinh hai thập niên sau đó.
"Với cuộc chiến đang diễn ra và việc tái chiếm Gaza, kế hoạch từ lần Israel kiểm soát Gaza về mặt quân sự gần đây nhất đã được xem xét trở lại", bà cho hay.
Bình luận (0)