Israel không kích Li Băng, khẩu chiến với Thổ Nhĩ Kỳ

30/07/2024 05:00 GMT+7

Liên tiếp nhiều diễn biến mới sau khi Israel tố lực lượng Hezbollah ở Li Băng tấn công chết người, trong khi căng thẳng Israel - Thổ Nhĩ Kỳ leo thang.

Đài Lebanon 24 ngày 29.7 đưa tin ít nhất 2 người thiệt mạng và một số người bị thương trong các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của Israel nhằm vào 2 thị trấn Mays al-Jabal và Chaqra ở miền nam Li Băng. Cuộc tấn công diễn ra trong bối cảnh Israel tố lực lượng Hezbollah ở Li Băng phóng rốc két vào một sân bóng ở cao nguyên Golan khiến ít nhất 12 thanh thiếu niên thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Dù Hezbollah bác bỏ cáo buộc, Israel tuyên bố sẽ đáp trả.

Israel tố Hezbollah tấn công tên lửa, tuyên bố sẽ đáp trả

"Vài ngày chiến đấu"

Các chuyến bay tại sân bay quốc tế Beirut-Rafic Hariri, sân bay duy nhất của Li Băng, đã hủy hoặc hoãn giữa lo ngại Israel trả đũa Hezbollah. Theo Reuters, Hãng hàng không Lufthansa (Đức) ngày 29.7 ngừng 5 tuyến bay đến và đi từ Beirut của các hãng con gồm Swiss International Air Lines, Eurowings và Lufthansa đến hết ngày 30.7, "với sự thận trọng cao độ". Dữ liệu trên trang theo dõi bay Flightradar24 cho thấy nhiều hãng khác hủy các chuyến bay hạ cánh xuống Beirut trong ngày 29.7.

Israel không kích Li Băng, khẩu chiến với Thổ Nhĩ Kỳ- Ảnh 1.

Một ngôi làng vùng biên giới ở Li Băng bị Israel không kích ngày 28.7

AFP

Trong cuộc họp kéo dài 4 giờ ngày 28.7, nội các an ninh Israel ủy quyền cho Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant quyết định quy mô, thời gian phản ứng với vụ tấn công trên. Giới chức Israel ngày 29.7 cho hay nước này đang chuẩn bị cho khả năng "vài ngày chiến đấu" nhằm khiến Hezbollah tổn thất, nhưng không muốn chiến tranh toàn diện trong khu vực. Trong khi đó, Mỹ đang thảo luận chặt chẽ với Israel và Li Băng nhằm tìm giải pháp ngoại giao. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Washington không muốn xung đột leo thang thêm, khi mà quân đội Israel và Hezbollah tấn công qua lại gần như mỗi ngày.

Một quốc gia NATO cảnh báo Israel

Khẩu chiến Israel - Thổ Nhĩ Kỳ

Liên quan mâu thuẫn Israel - Palestine, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan mới đây cho biết nước này có thể đưa quân vào Israel để ngăn Israel đối xử với người Palestine như hiện nay. Ông nói động thái có thể tương tự như Thổ Nhĩ Kỳ từng điều người đến các điểm nóng trước đây như Nagorno - Karabakh hay Libya, nhưng chưa nêu rõ cách thức và thời điểm triển khai, theo Reuters.

Phát biểu lập tức dẫn đến phản ứng gay gắt, khi Ngoại trưởng Israel Israel Katz chỉ trích ông Erdogan "theo đường lối của (cựu Tổng thống Iraq) Saddam Hussein". "Ông ấy nên nhớ những gì xảy ra ở đó và kết thúc ra sao", ông Katz cảnh báo. Lãnh đạo đối lập Israel Yair Lapid cáo buộc ông Erdogan là "mối nguy hiểm cho Trung Đông", đồng thời kêu gọi thế giới cực lực lên án lời đe dọa của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Hãng thông tấn Anadolu, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ra thông cáo nói rằng "cũng giống như những tên phát xít diệt chủng đã phải chịu trách nhiệm, những kẻ tìm cách tiêu diệt người Palestine cũng sẽ phải chịu trách nhiệm".

Tranh cãi diễn ra giữa bối cảnh Israel tiếp tục tập kích tại nhiều nơi ở Gaza. Theo Đài Al Jazeera, Israel điều các xuồng tấn công nã đạn vào phía bắc TP.Gaza và điều xe tăng thọc sâu hơn vào khu vực Sheikh Nasser tại TP.Khan Younis ở phía nam. Trước đó, Israel không kích các trại tị nạn Bureij và Nuseirat khiến ít nhất 3 người thiệt mạng và một số người bị thương, sau khi ra lệnh sơ tán tại các khu vực này. Theo Cơ quan LHQ về người tị nạn Palestine (UNRWA), hiện 86% diện tích Dải Gaza bị Israel đặt trong diện sơ tán.

Lo ngại xung đột lan rộng

Đài Al Jazeera ngày 29.7 đưa tin ngoại trưởng các nước Bộ tứ (Quad) gồm Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Úc ra thông cáo chung sau cuộc họp của tại Tokyo (Nhật), "khẳng định tính cấp thiết của việc đảm bảo thả tất cả con tin bị Hamas bắt giữ và nhấn mạnh thỏa thuận thả con tin sẽ mang lại lệnh ngừng bắn ngay lập tức, kéo dài ở Gaza". Thông cáo nhấn mạnh nhu cầu ngăn xung đột leo thang và lan rộng trong khu vực. Các bên cam kết về một nhà nước Palestine "có chủ quyền, khả thi và độc lập" trong giải pháp hai nhà nước đối với xung đột Israel - Palestine. "Bất kỳ hành động đơn phương nào làm suy yếu triển vọng của giải pháp hai nhà nước, bao gồm cả việc Israel mở rộng các khu định cư và chủ nghĩa cực đoan bạo lực ở mọi phía, phải chấm dứt", theo thông cáo.

Về phía Anh, Thủ tướng Keir Starmer khi gặp Tổng thống Israel Isaac Herzog bên lề Thế vận hội tại Pháp đã nhấn mạnh rằng cần có "những biện pháp tức thời" hướng đến ngừng bắn ở Gaza.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.