Israel không kích dồn dập ?
Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria hôm qua (10.12) thông báo họ đã ghi nhận hơn 300 cuộc không kích của Israel kể từ khi lực lượng đối lập do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad vào cuối tuần trước, theo AFP. Các nguồn tin an ninh cho rằng các cuộc không kích dữ dội của Israel vẫn tiếp tục nhắm vào những cơ sở quân sự và căn cứ không quân ở khắp Syria trong đêm 9.12 và rạng sáng 10.12, phá hủy hàng chục trực thăng, máy bay chiến đấu, cũng như tài sản thuộc lực lượng bảo vệ tổng thống ở trong và xung quanh thủ đô Damascus.
Israel không kích Syria, phủ nhận tiến quân ngoài vùng đệm
Ngoài ra, một nguồn tin an ninh Syria hôm qua cáo buộc binh sĩ Israel đã tiến đến TP.Qatana, thuộc miền nam Syria và cách Damascus khoảng 25 km, sau khi Israel chiếm giữ vùng đệm được LHQ tuần tra. Vùng đệm này chia cắt Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát với Syria. Tuy nhiên, quân đội Israel đã bác bỏ cáo buộc tiến quân vào Qatana, theo Reuters.
Israel đã tuyên bố sẽ không tham gia cuộc xung đột ở Syria và lập luận việc chiếm giữ vùng đệm nói trên là một động thái phòng thủ. Trong khi đó, Iran, Ai Cập, Qatar và Ả Rập Xê Út đã lên án việc Israel chiếm giữ vùng đệm. Phía Ả Rập Xê Út cho rằng động thái này sẽ "phá hỏng cơ hội khôi phục an ninh của Syria", theo Reuters.
Phe đối lập xúc tiến lập chính phủ
Sau khi chính quyền al-Assad bị lật đổ, Thủ tướng Syria Mohammad Ghazi al-Jalali hôm 9.12 đồng ý trao quyền lực cho Chính phủ Cứu tế, một chính quyền do phe đối lập lãnh đạo và có trụ sở tại vùng lãnh thổ ở tây bắc Syria. Reuters dẫn một số nguồn tin tiết lộ ông al-Jalali đã gặp thủ lĩnh HTS Ahmed al-Sharaa, còn được gọi là Abu Mohammed al-Julani, để thảo luận về chính phủ chuyển tiếp. Ông al-Jalali cho hay có thể mất nhiều ngày để thực hiện việc chuyển giao quyền lực. Chính phủ chuyển tiếp sẽ do lãnh đạo Chính phủ Cứu tế là ông Mohamed al-Bashir đứng đầu, theo Mạng truyền hình Al Jazeera.
Trước tình hình như trên, các chính phủ trong khu vực cũng như ở phương Tây đang cố gắng tạo ra những mối liên kết mới với HTS, nhóm đã bị Mỹ, Liên minh châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ chỉ định là một tổ chức khủng bố. Trong đó, các nhà ngoại giao Qatar đã nói chuyện với đại diện của HTS hôm 9.12, theo Reuters dẫn một nguồn thạo tin.
Tương lai bất định cho Syria sau khi quân đối lập lật đổ Tổng thống al-Assad
Ngoài ra, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller ngày 9.12 cho hay Washington đang tìm cách tiếp cận những nhóm quân sự đối lập đã lật đổ chính quyền al-Assad cũng như các đối tác trong khu vực để giúp khởi động ngoại giao không chính thức. Khi được hỏi liệu Mỹ có muốn hợp tác với thủ lĩnh HTS Ahmed al-Sharaa hay không, ông Miller từ chối trả lời nhưng cũng không loại trừ khả năng này, theo Reuters.
Nhiều nước châu Âu dừng xem xét xin tị nạn của người Syria
Nhiều nước châu Âu hôm 9.12 thông báo tạm dừng xem xét đơn xin tị nạn của người Syria cho đến khi có thông báo mới, theo Reuters.
Trong đó, Bộ Nội vụ Đức thông báo sẽ không xử lý các đơn xin tị nạn cho đến khi có thông tin rõ ràng hơn về các diễn biến chính trị ở Syria. Đức hiện là nơi sinh sống của gần một triệu người Syria và đây là cộng đồng người Syria lớn nhất ở châu Âu.
Các quốc gia châu Âu khác như Anh, Bỉ, Pháp, Hà Lan, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy cũng tuyên bố tạm dừng xem xét các đơn xin tị nạn của người Syria.
Bình luận (0)