Iran hôm qua tổ chức lễ tang cho thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh, sau khi ông bị ám sát tại TP.Tehran. Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã chủ trì buổi cầu nguyện, trước khi thi hài ông Haniyeh được đưa đi chôn cất tại Qatar.
Tấn công trực tiếp ?
Báo The New York Times đưa tin ông Khamenei trong cuộc họp khẩn của Hội đồng An ninh quốc gia Iran đã ra lệnh "tấn công trực tiếp" Israel, nhấn mạnh Tehran sẽ trả thù do lãnh đạo Hamas thiệt mạng trên đất Iran. Israel chưa lên tiếng về cái chết của ông Haniyeh, dù Hamas, Iran và nhiều bên cho rằng Tel Aviv thực hiện cuộc tấn công. Iran có thể phát động cuộc tấn công đáp trả với nhiều mục đích, vừa là hành động răn đe, vừa tránh để hình ảnh của Tehran suy giảm trên trường quốc tế, khi vụ sát hại thủ lĩnh Hamas xảy ra ngay tại thủ đô nước này và chỉ vài giờ sau khi tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian nhậm chức.
Hội đồng Bảo an họp khẩn sau các vụ ám sát làm tăng nhiệt xung đột Trung Đông
Israel xác nhận đã tổ chức cuộc tấn công khác vào thủ đô Beirut của Li Băng ngày 30.7, làm thiệt mạng chỉ huy cấp cao của lực lượng Hezbollah là Fuad Shukr. Giới quan sát cho rằng đây là mồi lửa lớn Tel Aviv tạo ra và Hezbollah có thể tiến hành đáp trả quyết liệt hơn. Nếu xung đột tại Trung Đông leo thang thành cuộc chiến toàn diện và Iran, Hezbollah cùng lực lượng Hamas ở Gaza liên hợp tổ chức các đợt tập kích, Israel có thể bị đẩy vào thế "gọng kìm" khi phải cùng lúc đối đầu nhiều kẻ thù. Việc Iran thực hiện đợt tấn công Israel hồi tháng 4 cũng được nhiều chuyên gia đánh giá là cách Tehran "kiểm tra" năng lực phòng thủ của Tel Aviv. Theo Foreign Policy ngày 31.7, những phong trào thân Iran tại Iraq và Syria, hay Houthi tại Yemen cũng có thể tham gia vào liên minh chống Israel.
Israel có thể dựa vào kinh nghiệm từng đối đầu cùng lúc nhiều đội quân, như trong chiến tranh 6 ngày chống lại liên minh Ả Rập (năm 1967), nhưng bối cảnh chính trị và quân sự đã khác so với cách đây hơn nửa thế kỷ.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 31.7 tuyên bố vụ tấn công chỉ huy Hezbollah ở Beirut đã "giáng đòn chí mạng vào tất cả kẻ thù" của Israel. Ông cũng cảnh báo sẽ buộc những bên có hành động hung hăng nhằm vào Israel phải trả giá đắt, ngoài ra nêu rằng những ngày tiếp theo sẽ đầy thách thức, và đất nước ông đã chuẩn bị cho mọi kịch bản.
HĐBA họp khẩn
Trong khi đó, HĐBA LHQ ngày 31.7 đã triệu tập cuộc họp khẩn về tình hình Trung Đông, thúc đẩy các bên chọn con đường ngoại giao, nhằm tránh xảy ra cuộc xung đột lan rộng ở khu vực. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres tin rằng vụ tấn công tại Tehran là hành động leo thang nguy hiểm, nhấn mạnh các bên cần làm việc cùng nhau, vì chỉ đơn phương kiềm chế là không đủ trong thời điểm cực kỳ nhạy cảm này.
Một số quốc gia, bao gồm Nga và Trung Quốc, lên án vụ ám sát ông Haniyeh. Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Phó Thông cho rằng việc không thể đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza là nguyên nhân khiến tình hình khu vực trở nên nghiêm trọng hơn. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov cảnh báo vụ ám sát là không thể chấp nhận và có thể khiến xung đột lan rộng, theo RIA.
Đại sứ Iran tại LHQ Saeed Iravani coi đây là hành động khủng bố, cáo buộc vụ ám sát không thể xảy ra nếu không có sự cho phép và hỗ trợ tình báo từ Mỹ. Mỹ phủ nhận liên quan, đồng thời Phó đại sứ Mỹ tại LHQ Robert Wood kêu gọi HĐBA buộc Iran chịu trách nhiệm vì đã hỗ trợ các nhóm tại khu vực. Trong khi đó, Phó đại diện thường trực Israel tại LHQ Jonathan Miller cáo buộc Iran thông qua các lực lượng ủy nhiệm như Hezbollah, Hamas và Houthi để tấn công Israel từ mọi hướng.
Israel tiêu diệt chỉ huy Hamas
Quân đội Israel hôm qua tuyên bố đã tiêu diệt chỉ huy Hamas Mohammed Deif trong một vụ tập kích tại TP.Khan Younis ở Gaza ngày 13.7. Theo Reuters, ông Deif là một trong những người đứng sau kế hoạch tấn công Israel ngày 7.10.2023, đồng thời phụ trách phát triển hệ thống đường hầm và chế tạo bom. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant nói tiêu diệt ông Mohammed Deif là cột mốc quan trọng trong mục tiêu đánh bại hoàn toàn Hamas. Hamas chưa bình luận.
Bình luận (0)