Các quan chức Israel cho biết nước này sẽ tăng cường các cuộc không kích vào các kho vũ khí tiên tiến của Syria và duy trì sự hiện diện "hạn chế" trên bộ của quân đội nhằm ngăn chặn mọi mối đe dọa có thể xuất hiện sau khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ.
Theo Reuters, Israel đang theo dõi tình hình biến động ở Syria với tâm trạng vừa hy vọng vừa lo ngại khi tính toán hậu quả của một trong những thay đổi chiến lược quan trọng nhất ở Trung Đông trong nhiều năm qua.
Israel dồn dập phá hủy vũ khí, điều quân vào Syria, Mỹ không phản đối
Israel coi sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Assad, một đồng minh quan trọng của Iran và nhóm Hezbollah tại Li Băng, là một tín hiệu tích cực, nhưng cũng bày tỏ lo ngại về diễn biến tình hình tiếp theo.
"Chúng tôi hiện thực hiện mọi hành động cần thiết để cố gắng đảm bảo an ninh của đất nước liên quan tình hình mới ở Syria", Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu tối 9.12.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Katz cho biết quân đội sẽ phá hủy các vũ khí chiến lược hạng nặng trên khắp Syria, bao gồm tên lửa đất đối không, hệ thống phòng không, tên lửa đất đối đất, tên lửa hành trình, tên lửa tầm xa và tên lửa phòng thủ bờ biển.
Một quan chức cấp cao của Israel cho biết các cuộc không kích sẽ tiếp tục trong những ngày tới. Trong khi đó, Ngoại trưởng Israel Gideon Saar cho biết Israel không có ý định can thiệp vào công việc nội bộ của Syria và chỉ quan tâm đến việc bảo vệ công dân của mình. "Đó là lý do vì sao Israel tấn công các hệ thống vũ khí chiến lược, chẳng hạn như các kho vũ khí hóa học còn sót lại hoặc tên lửa và tên lửa tầm xa để chúng không rơi vào tay những kẻ cực đoan", theo ông Saar.
Israel cũng đang tìm cách ngăn chặn mọi mối đe dọa trong tương lai từ nước láng giềng. Hồi tháng 10, lực lượng Israel đã rà phá bom mìn và thiết lập các rào chắn mới trên biên giới giữa Cao nguyên Golan và một dải phi quân sự giáp biên giới Syria. Quân đội hôm 8.12 cho biết họ đã điều động lực lượng bộ binh vào khu phi quân sự, một vùng đệm rộng 400 km2 được tạo ra theo Thỏa thuận phân tách lực lượng năm 1974 và được Lực lượng Quan sát viên Liên Hiệp Quốc tại Cao nguyên Golan (UNDOF) giám sát.
Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 9.12 cảnh báo rằng nhiều quốc gia sẽ cố gắng lợi dụng giai đoạn này để tái lập năng lực ở Syria, đồng thời khẳng định Mỹ sẽ không để điều đó xảy ra.
Những đội quân nước ngoài nào đang có mặt ở Syria và tại sao lại ở đó?
Ông Blinken cho biết Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ nhân viên của mình khỏi mọi mối đe dọa. Ngoại trưởng Mỹ Blinken cũng cho hay người dân Syria phải lựa chọn tương lai của chính mình.
Cũng trong ngày 9.12, Ý, Đức và Áo đã tạm dừng xử lý mọi đơn xin tị nạn của công dân Syria cho đến khi có thông báo rõ ràng hơn về diễn biến chính trị ở đất nước Trung Đông này.
Bình luận (0)