Câu chuyện của nhà thám hiểm huyền thoại từ rớt lớp 6 đến trở thành bác sĩ

04/03/2023 10:52 GMT+7

Rời bục giảng ở trường y cách đây gần 4 thập niên, nhưng bác sĩ Jean-Louis Étienne vẫn miệt mài đóng góp cho ngành giáo dục của Pháp bằng những bài học sống động, từ chính cuộc đời của ông: từng không đủ điểm để vào lớp 6, trở thành bác sĩ nội trú về ngoại khoa, và nhà thám hiểm lừng danh.

Người "nuôi dưỡng giấc mơ" của rất nhiều thanh thiếu niên

Có mặt tại TP.HCM từ cuối tháng 2 để kiểm tra những công đoạn cuối trước khi con tàu Persévérance đưa du khách tham quan Việt Nam từ nam ra bắc vào giữa tháng 3 bằng đường sông và đường biển, bác sĩ Étienne vẫn dành một ngày để gặp gỡ các học sinh của Trường Quốc tế Pháp Marguerite Duras, sau đó gặp các chuyên gia, khoa học gia cùng báo giới tại Tổng Lãnh sự quán Pháp.

Jean-Louis Étienne, con đường từ rớt lớp 6, thành bác sĩ đến nhà thám hiểm huyền thoại - Ảnh 1.

Tại hội thảo ở Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM, bác sĩ Jean-Louis Étienne đã giải thích về những tác động của biến đổi khí hậu lên các vùng cực của Trái đất

LAN CHI

Những ai may mắn có mặt ở  2 hội thảo nói trên đều tỏ ra đặc biệt hào hứng khi được gặp mặt ông, vì như bà Emmanuelle Pavillon - Grosser, Tổng Lãnh sự Pháp tại TP.HCM, chia sẻ ở phần khai mạc, những cuộc phiêu lưu của ông đã "nuôi dưỡng giấc mơ" của rất nhiều thanh thiếu niên ở quốc gia hình lục lăng này.

Sinh năm 1946, bác sĩ Étienne được xem là một trong những nhà thám hiểm huyền thoại của Pháp, khi là người đầu tiên một mình đi bộ trong 63 ngày để đến Bắc Cực (1986); là đồng trưởng nhóm thám hiểm quốc tế thực hiện hành trình xuyên Nam Cực dài nhất - 6.300 km - trong 7 tháng cùng với đàn chó kéo xe (1989-1990); là người đầu tiên một mình bay qua Bắc Băng Dương bằng khinh khí cầu (2010)… Đó là chưa kể hàng loạt chuyến đi đến những vùng có địa hình, khí hậu nổi tiếng là khắc nghiệt và khó khăn để phục vụ nghiên cứu khoa học.

Cuộc đời là của chính các bạn. Và nếu có một nguồn sáng nho nhỏ cho bản thân mình thì hãy trân trọng và giữ gìn. Đó có thể là một giấc mơ, một điều hằng mong mỏi, nhưng đều rất đáng quý.

Bác sĩ, nhà thám hiểm Jean-Louis Etienne

Từ học nghề trở thành sinh viên y khoa

Nếu chỉ biết về những cuộc phiêu lưu như những thước phim sống động của bác sĩ Etienne, sẽ khó tưởng tượng được rằng ông từng có một khởi đầu vô cùng khó khăn trên đường học hành.

Trong một hội thảo cách đây 6 năm tại ESSEC - trường về thương mại hàng đầu châu Âu, và nổi tiếng là một trong những trường thi tuyển khó bậc nhất ở Pháp, ông mở đầu phần trình bày của mình: "Tôi không thi rớt vào ESSEC, mà thi rớt vào… lớp 6". Làm thế nào một cậu học sinh từng không đủ điểm để vào lớp 6, phải chuyển sang học nghề, lại có thể trở thành sinh viên y khoa, rồi bác sĩ nội trú về ngoại khoa, và nhà thám hiểm lừng danh?

Trả lời thắc mắc của Thanh Niên, ông kể: "Khi thấy tôi không theo nổi chương trình học bình thường, ba mẹ đã đăng ký cho tôi học ở Trường trung học Kỹ thuật Mazamet, là trường nghề. Vì trường xa nhà nên tôi học nội trú. Tôi nghĩ rằng việc học nghề đã mang lại rất nhiều lợi ích cho mình, trước tiên, vì tôi được làm việc tay chân. Từ nhỏ, tôi vẫn luôn thích làm việc với hai bàn tay của mình, thích làm mộc… Và chính nhờ được dạy những điều mình thích, dần dần tôi đã cảm thấy hứng thú với việc học".

Cũng chính ở trường nghề, cậu thiếu niên Étienne đã "khám phá" môn toán, và ngày càng học tốt nên được các thầy cô hướng sang học để thi bằng tú tài kỹ thuật. Sau khi có cả bằng thợ tiện và bằng tú tài, cậu đã vào được trường y.

Jean-Louis Étienne, con đường từ rớt lớp 6, thành bác sĩ đến nhà thám hiểm huyền thoại - Ảnh 3.

Bác sĩ Étienne trao đổi với Tổng Lãnh sự Pháp tại TP.HCM Emmanuelle Pavillon - Grosser (ngoài cùng bên trái)

LAN CHI

Bác sĩ Étienne giải thích thêm với người viết, một trong những nguyên nhân chính khiến ông vô cùng vất vả trong việc học khi ở tiểu học chính vì bị mắc chứng khó đọc (dyslexie). Những người bị dạng rối loạn này có trí tuệ bình thường nhưng gặp rất nhiều khó khăn về đọc, cần được điều trị bởi chuyên viên ngôn ngữ trị liệu. Vào thời điểm cách đây hơn 6 thập niên, rất hiếm người đánh giá đúng vấn đề, nên những trẻ nhỏ không may bị rối loạn đọc sẽ dễ bị hiểu nhầm thành không có đủ khả năng học tập.

Tuy vậy, bác sĩ Étienne chưa bao giờ tiếc nuối về giai đoạn học ở trường nghề. Ông tâm sự: "Tôi muốn nói với các phụ huynh, nhất là gia đình nào sắp có con tốt nghiệp cấp 2, bạn biết là con có năng lực, nhưng chuyện học lại không tốt lắm, đừng e ngại cho con vào trường nghề, nếu phù hợp. Học nghề là một ngã rẽ có thể giúp lấy lại sự tự tin. Bởi vì khi học nghề, học sinh sẽ không bị đánh giá bằng những môn học mà đôi khi các em cảm thấy không hứng thú. Đào tạo nghề sẽ mở đường cho các bạn trẻ đến với thực tiễn cuộc sống. Khi đã lấy lại sự tự tin và nếu mong muốn, học sinh trường nghề vẫn có thể quay trở lại với môi trường học hành 'truyền thống', như trường hợp của tôi".

Ông nhấn mạnh, nếu các bạn trẻ cảm thấy mình thật sự thích làm điều gì đó, thì "thật đáng quý", và đừng mất tự tin khi có người đánh giá rằng "làm thế chả được lợi ích gì": "Cuộc đời là của chính các bạn. Và nếu có một nguồn sáng nho nhỏ cho bản thân mình thì hãy trân trọng và giữ gìn. Đó có thể là một giấc mơ, một điều hằng mong mỏi, nhưng đều rất đáng quý. Và cũng cần phải biết rằng con đường để thực hiện những điều mình mong muốn không hề dễ dàng. Thành công là trái ngọt của thời gian, công sức và sự kiên trì. Hãy cưỡng lại cám dỗ bỏ cuộc, buông xuôi. Đây chính là cách để chúng ta tiến bộ và thật sự hiểu được năng lực của mình", ông nhắn nhủ với các bạn trẻ.

Jean-Louis Étienne, con đường từ rớt lớp 6, thành bác sĩ đến nhà thám hiểm huyền thoại - Ảnh 4.

Một mình đi bộ đến Bắc Cực năm 1986

SEPTIÈME CONTINENT

Hai "từ khóa": vượt qua giới hạn và kiên trì

Để nói về "không bỏ cuộc", có lẽ hiếm có ai phù hợp hơn bác sĩ Étienne. Sự thành công của ông trong mỗi chặng của hành trình cuộc đời đều nhờ không bỏ cuộc, với hai "từ khóa": vượt qua giới hạn và kiên trì.

Ở trường y, vốn "thích làm việc với hai bàn tay", ông lập tức có hứng thú với ngoại khoa, vì "có thể dùng đôi tay của mình để cứu chữa nhiều người". Ngay từ hè năm thứ nhất của đại học, suốt hai tháng, thay vì nghỉ hè, hằng ngày, ông xin phép một bác sĩ ngoại khoa, cũng là giảng viên của trường mình, cho vào phòng mổ chỉ để đứng xem: "Tuy chỉ đứng quan sát, nhưng tôi cảm thấy rất thích môi trường ở bệnh viện, ở phòng mổ. Vì chỉ mới là sinh viên chuẩn bị lên năm thứ hai, nên đương nhiên tôi chỉ được đứng xem, nhưng thỉnh thoảng, vị bác sĩ - giảng viên bảo tôi lại gần để nhìn cho rõ một ca hay. Và ngày nọ, có ca phẫu thuật bàn tay khẩn cấp mà đúng lúc vắng mặt một bác sĩ nội trú, ông gọi tôi lại, cho phép tôi tham gia hỗ trợ ca mổ. Đương nhiên tôi chỉ được phép hỗ trợ những việc vặt, nhưng đó là lần đầu tiên trong đời tôi thật sự được mặc trang phục, đeo găng, đeo khẩu trang như một thành viên của nhóm phẫu thuật và được 'chạm mười ngón tay' vào một ca mổ. Ngay từ những giây phút ấy, tôi đã nghĩ mình nhất định phải thành bác sĩ ngoại khoa", ông kể lại.

Không nản lòng khi điểm số tệ đến mức không thể vào lớp 6, chuyên tâm học nghề, nỗ lực để có bằng tú tài, vào được trường y, hai tháng ròng rã mỗi mùa hè vào phòng mổ chỉ để được đứng nhìn…, ông đã tốt nghiệp bác sĩ nội trú về ngoại khoa. Bác sĩ Étienne còn học và nghiên cứu thêm về dinh dưỡng, về y học thể thao, về khả năng thích nghi của cơ thể con người ở những điều kiện khắc nghiệt…

Và thực hiện ước mơ về các chuyến phiêu lưu

Khi ông đã ổn định với công việc của một bác sĩ và giảng viên ở trường y, ước mơ từ thuở nhỏ vẫn chưa bao giờ tắt.

Jean-Louis Étienne, con đường từ rớt lớp 6, thành bác sĩ đến nhà thám hiểm huyền thoại - Ảnh 5.

Bác sĩ Étienne và nhóm thám hiểm quốc tế đi xuyên Nam cực cùng chó kéo xe năm 1989 - 1990

SEPTIÈME CONTINENT

Ông nhớ lại: "Từ lúc còn là một cậu bé, tôi đã mơ về các chuyến phiêu lưu, khám phá. Tôi sinh trưởng ở miền nông thôn nên rất thích sống giữa thiên nhiên. Khi còn là một sinh viên nội trú về ngoại khoa, tôi đã từng nghĩ một ngày nào đó, mình có thể thành bác sĩ cho các đoàn thám hiểm…".

Nghĩ là làm, ông thu xếp công việc để tham gia vào nhiều đoàn thám hiểm với vai trò là bác sĩ của đoàn, thực hiện những chuyến đi đến Himalaya, Greenland, Patagonia… Đặc biệt, ông cũng là bác sĩ trong chuyến hải trình vòng quanh thế giới vào năm 1977-1978 với nhà hàng hải nổi tiếng người Pháp Éric Tabarly. Ngày càng yêu thích các chuyến phiêu lưu nên ông muốn mình không chỉ tham gia với vai trò bác sĩ, mà sẽ là một nhà thám hiểm thực thụ và thực hiện những chuyến đi của riêng mình. Bác sĩ Étienne kể với người viết: "Năm 1986, 40 tuổi, tôi quyết định sẽ tự mình thực hiện một chuyến thám hiểm, và đó là Bắc Cực. Đây là chuyến đi đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong tôi. Dù vô cùng khó khăn nhưng tôi đã trụ vững, và đã thành công sau 63 ngày. Tôi đã bền chí và cưỡng lại được cám dỗ bỏ cuộc. Việc đến được Bắc Cực là một sự tưởng thưởng tuyệt vời trong đời tôi, và tôi tự nhủ: Đây sẽ là những trang tiếp theo của cuộc đời mình".

Jean-Louis Étienne, con đường từ rớt lớp 6, thành bác sĩ đến nhà thám hiểm huyền thoại - Ảnh 6.

Nam Băng Dương là vùng biển động mạnh nên tàu phải cắm rất sâu

SEPTIÈME CONTINENT

Jean-Louis Étienne, con đường từ rớt lớp 6, thành bác sĩ đến nhà thám hiểm huyền thoại - Ảnh 7.

Polar Pod có chiều cao 100 m, được thiết kế để nổi thẳng đứng, với 80 m dưới mặt biển

SEPTIÈME CONTINENT

Chuyến đi bộ một mình đến Bắc Cực năm ấy là dịp để bác sĩ Étienne tự đẩy giới hạn lên cao, để khám phá bản thân: "Khi đối mặt với khó khăn, bạn sẽ có khả năng thích nghi, bền bỉ và kiên trì mà bạn không biết rằng bản thân mình làm được như thế". Trên đường đến Bắc Cực, điều kiện vô cùng khắc nghiệt, có những ngày, khi vào lều nghỉ ngơi, ông đo được nhiệt độ là -52 độ C. Một thân một mình, không ít lần ông đã muốn bỏ cuộc, nhưng rồi tự nhủ, hãy thử xem, làm sao để trụ lại, làm sao để tiếp tục, làm sao để tiến tới…

Mỗi ngày trên hành trình đến Bắc Cực là một cuộc thử thách cực độ. Từng chút một, bác sĩ Étienne ngày càng am hiểu hơn về vùng băng giá này, về những nguy hiểm luôn chực chờ - như khi đi qua những lớp băng mỏng có thể vỡ bất cứ lúc nào. Và cũng từng chút một, ông ngày càng tự tin hơn, sau 63 ngày thì đã chinh phục được mục tiêu của mình.

Từ Bắc Cực đến Nam Cực, những chuyến thám hiểm của bác sĩ Étienne ngoài việc thỏa mãn giấc mơ thuở nhỏ, còn để đóng góp cho khoa học và giáo dục. Tuy thường xuyên xa nhà để phiêu lưu ở những vùng cực, nhưng mỗi khi quay về Pháp, dù bận rộn, ông vẫn dành thời gian để gặp gỡ các nhà khoa học, các bạn sinh viên, học sinh. Ông kể với họ những điều mắt thấy, tai nghe, như những chương học sống động ngoại khóa.

Từ thời còn chưa có internet, phim ảnh của các chuyến đi đã được ông chọn lọc và chuyển lại để Bộ Giáo dục Pháp, và các thầy cô giáo dùng minh họa thêm cho bài học. Theo bác sĩ Étienne, các cuộc thám hiểm chính là những cầu nối thú vị giữa khoa học với trường học. Nhà thám hiểm có thể kể về những điều họ đã chứng kiến ở những miền "cùng trời cuối đất" mà hiếm người có dịp đặt chân tới. Với nhiều người Pháp, bác sĩ Étienne không chỉ là một thầy thuốc, nhà thám hiểm, nhà khoa học, mà còn là một nhà giáo dục. Hiện hàng chục ngôi trường, từ tiểu học đến cấp 3, ở nước này đang mang tên ông.

Jean-Louis Étienne, con đường từ rớt lớp 6, thành bác sĩ đến nhà thám hiểm huyền thoại - Ảnh 8.

Tàu Persévérance (Kiên Định) được hãng Piriou đóng tại xưởng trên đường Huỳnh Tấn Phát, Nhà Bè, TP.HCM

SEPTIÈME CONTINENT

Giải mã Nam Băng Dương với sự hỗ trợ của chiếc tàu đóng tại Việt Nam

Là "khách quen" của những vùng cực, từ hai thập niên trước, qua các chuyến thám hiểm và chương trình nghiên cứu khoa học của mình, bác sĩ Étienne đã bắt đầu cảnh báo về tình trạng Trái đất nóng dần lên, khi vẫn còn chưa có nhiều người nhắc đến biến đổi khí hậu. Khi tình trạng này ngày càng rõ nét thì ông cũng góp tiếng nói mạnh mẽ hơn, qua những điều mắt thấy tai nghe. Chẳng hạn, ông nhấn mạnh trong hội thảo ở Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM: "Nếu so sánh với khu vực mà chúng tôi đã đi qua trong chuyến thám hiểm năm 1989-1990 thì có một đoạn ở vùng rìa Nam Cực đã biến mất, tương đương với 600 km của cuộc hành trình".

Để tiếng nói của mình thêm thuyết phục, ở tuổi 77, ông lại chuẩn bị cho một chuyến thám hiểm "chưa từng có" tại Nam Băng Dương. Vùng biển này là nơi hấp thụ 50% lượng khí CO2 do các hoạt động của con người thải ra.

Jean-Louis Étienne, con đường từ rớt lớp 6, thành bác sĩ đến nhà thám hiểm huyền thoại - Ảnh 9.

Hình ảnh mô phỏng tàu Persévérance tiếp tế cho Polar Pod

SEPTIÈME CONTINENT

Sau nhiều năm ấp ủ, dự kiến, từ năm 2025 đến 2028, bác sĩ Étienne và các cộng sự sẽ khám phá Nam Băng Dương với Polar Pod. Đây là thiết bị đặc biệt, hiện được các chuyên gia Pháp nghiên cứu hoàn thiện và thử nghiệm với mô hình trước khi chính thức được chế tạo ở xưởng đóng tàu. Chương trình thám hiểm Polar Pod, với sự điều phối chính của Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS), sẽ có sự tham gia của các chuyên gia đến từ 43 viện, trường thuộc 12 quốc gia. Trên tàu luôn có một nhóm 8 người gồm 3 thủy thủ, 4 nhà khoa học, 1 người phụ trách hậu cần; hai tháng đổi ca một lần. Việc đưa đón thủy thủ đoàn và tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm sẽ do tàu Persévérance (nghĩa là "Kiên Định") thực hiện. Chiếc tàu buồm dài 42,64 m, rộng 11 m này do hãng Piriou của Pháp đóng tại xưởng trên đường Huỳnh Tấn Phát (Nhà Bè, TP.HCM) và được hạ thủy vào cuối tháng 11.2022.

Trong lúc chờ đợi tàu Polar Pod được đóng, từ giữa tháng 3 năm nay, bắt đầu từ Việt Nam, tàu Persévérance sẽ thực hiện những chuyến hải trình du lịch sinh thái để thu thêm nguồn quỹ cho hoạt động của dự án nghiên cứu Nam Băng Dương.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.