Jesse Peterson: Đừng vội phán xét người khác

22/10/2018 20:21 GMT+7

Jesse Peterson, quốc tịch Canada đã sống ở Việt Nam 8 năm. Anh rất rành tiếng Việt, nhưng nhiều người cho rằng anh không biết nên thản nhiên phán xét , nhận xét về anh như đúng rồi.

Jesse Peterson gửi đến mục Góc nhìn trẻ của Báo Thanh Niên bài viết về thói quen phán xét người khác của rất nhiều người mà anh từng gặp.
Sáng sớm, tôi mang theo cuốn sổ tay nhỏ, ra ngồi quán cà phê của hàng xóm gần nhà. Không gian ở đây rất thích hợp cho việc ngắm nhìn mọi người, suy ngẫm về họ và đoán xem họ là người như thế nào.

Khách uống cà phê ở đây chủ yếu là người Việt. Nghe nói có một anh người Nga hay ghé có điều anh ta không biết cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, nên không liên quan lắm về chủ đề tôi muốn nói và cuộc sống hằng ngày. Quán cà phê nhìn chung cũng không có gì đặc biệt, hơi giống quán vỉa hè nhưng đẹp hơn và vị cà phê cũng ngon hơn.
Sáng nay, có 6 anh chàng mặc đồ công nhân xây dựng ở đâu lại quán ngồi bên cạnh tôi. Họ để ý tôi khá nhiều. Tôi cứ cầm bút ghi chép và vờ như không biết họ đang nhìn mình. Họ xì xào nói với nhau: “Ông Mỹ có mắt xanh”; “Ổng xài tiền đô”; “Dạy học tiếng Anh nhiều tiền lắm đó”…
Tôi không phải người Mỹ, không xài tiền đô, không giàu, cũng không còn dạy học. Và họ không hề biết là tôi rất hiểu tiếng Việt. Trong thoáng chốc, tôi nghĩ đến dì của mình, người đàn bà có trái tim luôn gào thét: “Đừng bao giờ đánh giá một cuốn sách qua trang bìa của nó!”.
Tôi biết tâm dì ấy tốt, luôn muốn làm người khác hạnh phúc. Nhưng tôi chỉ muốn nói rằng thực sự mình có thể đánh giá một con người bằng ngoại hình của họ.
Nơi tôi thích ngồi nhất để quan sát con người ta là phố đi bộ Bùi Viện, TP.HCM. Ở đây có rất nhiều người, đến từ nhiều quốc gia khác nhau, ngồi ở đây tôi cảm tưởng như cả thế giới đang ở xung quanh mình. Tôi và nhóm bạn hay có trò đoán xem khách du lịch đến từ nước nào. Nếu tôi chơi với nhóm bạn Việt Nam thì tôi luôn thắng họ, vì tôi rất dễ đánh giá người đó từ Úc, người Mỹ, Canada, Anh hay Hà Lan… Bạn người Việt của tôi thì giỏi đoán người Đông Á hơn, Hàn Quốc, Nhật, Philippines… mà tôi cũng biết luôn.
Không phải khoe khoang nhưng khả năng phán xét của tôi khá chính xác. Phần lớn là vì tôi đã từng sống ở nhiều nước nên có nhiều thông tin hơn, biết được các mẫu hành vi, cử chỉ, ngôn ngữ cơ thể, kiểu quần áo, dấu trọng âm… hơn người khác. Với một chủ đề mà mình trải nghiệm, nghiên cứu thì xác suất đoán chính xác sẽ cao.
Về phán xét một người thông qua những chi tiết nhỏ, tiếng Anh có từ ‘cold reading’. Trong cuốn “Thám tử Sherlock Holmes” của tác giả Sir Arthur Conan Doyle, Sherlock Holmes có thể đoán nhanh một người thông qua những chi tiết từ phong cách quần áo, tóc của họ, xem họ có hút thuốc lá không, từ vựng họ hay xài thế nào.
Jesse Peterson trong một lần tới Long An, trong 8 năm ở Việt Nam, anh đặt chân tới nhiều tỉnh thành NVCC
Chỗ thứ ba mà tôi thích ngồi nghiên cứu nhân vật cho viết sách, khá lạ so với người Việt Nam, tôi đoán vậy, đó là trước màn hình máy vi tính. Trên internet, trong một cộng đồng trực tuyến có một trò chơi tên là Second Life.
Những người chơi Second Life không thích mọi người gọi nó là Game - trò chơi. Họ nhấn mạnh rằng đó là một thế giới ảo. Game hay thật? Rất nhiều người “sống” trong đó, hơn 500 người kiếm được 1.000 đô la/tháng chỉ bởi mua bán những món đồ ảo trong thế giới đó. Tôi thấy người “thế giới đó” rất lạ. Họ như một diễn viên chuyên nghiệp, tự thiết kế một nhân vật cho mình, thay đổi giọng nói và cách nói chuyện cho phù hợp hơn.
Jesse Peterson là người Canada, sống và làm việc tại Việt Nam được 8 năm. Hiện tác giả đang sống ở Q.7, TP.HCM, viết sách và viết bài cộng tác (bằng tiếng Việt). 
Có một anh chàng tên Ted, anh này có một kênh trên Youtube chuyên vào troll (trêu chọc) những cư dân Second life. Tôi thích anh này kinh khủng. Tôi không nhìn thấy người chơi vì họ dùng nhân vật ảo, nhưng tôi có thể đánh giá, phán xét và có thể biết rất nhiều thứ từ họ qua cách họ nói chuyện, họ có đang tức giận hay có phải game thủ chuyên nghiệp hay không.
Đối với tôi, đó là một cách mang tính cách mạng để nghiên cứu cộng đồng mạng trực tuyến. Đặc biệt là cái cách anh Ted trêu người ta, làm họ quên đi mất vai diễn của mình, giọng nói của họ trở về chính con người thật của họ và buột miệng chửi thề. Và bằng cách nào đó tôi có thể đoán họ đến từ đâu. Có một thời gian tôi bị nghiện nó.
Tuy nhiên, đánh giá người ta bằng chuyện “nghe nói” thì không đúng lắm đâu. Như buổi sáng tôi gặp sáu công nhân đó. “Tôi nghe người ta nói…” không bao giờ có so sánh bằng chính kinh nghiệm cá nhân. Và tôi cảm thấy nhiều người thiếu những kiến thức thực tế mà chỉ có thể dựa vào những câu chuyện từ người khác để phán xét một ai đó. Chẳng hạn như buổi sáng, một trong những anh công nhân đó đã từng đi Canada nhìn thấy tôi, chắc chắn những đánh giá của anh ta về tôi sẽ thực tế hơn.
Biết đâu, tôi sẽ được nghe những câu kiểu như: “Ê, nhìn ông này, giáo viên dạy tiếng Anh thường đi dạy ban ngày để tối đi chơi. Còn ông ta giờ này ngồi đây thì dạy ai? Hơn nữa, coi râu ria mấy tháng rồi chưa cạo, trung tâm nào mà chịu nhận người lôi thôi như thế? Ông ta còn gửi xe đạp nữa kìa, có nhiều tiền làm gì mà đi xe đạp. Chỉ có là nhà văn, thỉnh thoảng viết lách rồi ngồi uống cà phê chém gió thôi!”.
Mời bạn đọc cộng tác chuyên mục 'Góc nhìn trẻ'
Các bạn thân mến!
Ai cũng có một thời tuổi trẻ, cái tuổi ‘bẻ gãy sừng trâu’ với bao ước mơ, hoài bão. Tuổi trẻ là lứa tuổi tràn đầy sức sống để bạn có thể học tập, làm việc, cống hiến …, và cũng là lứa tuổi với bao trăn trở trước nhiều ngã rẽ của cuộc đời: học đại học, học nghề, khởi nghiệp…
Dù con đường bạn chọn gặp nhiều thuận lợi, thành công hay khó khăn, thất bại, thì những chia sẻ của bạn về những gì đã trải qua đều có giá trị của nó. Nó sẽ là hành trang, bài học quý giá cho nhiều bạn khác sẽ và đang bắt đầu bước vào tuổi thanh xuân.
Những trăn trở, chia sẻ của các bạn có thể gửi về chuyên mục Góc nhìn trẻ theo địa chỉ [email protected].
Các bài viết được đăng tải trên mục Giới trẻ/Góc nhìn trẻ của Thanh Niên Online sẽ được chi trả nhuận bút theo quy định của báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.