Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh đã có cuộc trao đổi với Thanh Niên về Thượng nghị sĩ John McCain - một người có nhiều duyên nợ với Việt Nam, và những đóng góp của ông trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước.
Thúc đẩy dỡ bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam
Thưa ông, với tư cách là người có nhiều trải nghiệm với Mỹ nói chung và ông John McCain nói riêng, ông có thể chia sẻ về những lần gặp gỡ với vị Thượng nghị sĩ rất có duyên với Việt Nam này?
Ông Phạm Quang Vinh: Khi sang nhận nhiệm vụ Đại sứ Việt Nam tại Mỹ vào cuối tháng 11.2014, một trong những nhà chính trị, nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên mà tôi gặp là John McCain. Ông rất quan tâm đến Việt Nam và nói rất nhiều về mong muốn đóng góp, tăng cường hơn nữa quan hệ Việt Nam - Mỹ, cả về song phương, đa phương và những vấn đề quốc tế, khu vực.
Trong song phương, ông John McCain mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ với Việt Nam cả về kinh tế, chính trị, an ninh - quốc phòng. Đặc biệt, ông rất rất coi trọng việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.
Ông cũng rất mong muốn Việt Nam có vai trò ngày càng tích cực hơn, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là vấn đề an ninh, an toàn hàng hải.
Ở góc độ con người và cá nhân, một góc phòng làm việc của ông ấy có rất nhiều kỷ vật về Việt Nam được lưu giữ. Một trong những bức ảnh ông để một góc rất trân trọng là ảnh ông ấy được cứu lên ở hồ Trúc Bạch, sau khi máy bay của ông bị bắn rơi.
Tôi có nhiều dịp gặp ông về sau nữa, ông đều bày tỏ rất thích những món ăn Việt Nam, rất thích đi thăm Việt Nam. Một trong những mong muốn của ông ấy là tàu mang tên dòng họ ông ấy - tàu USS John S. McCain được cập cảng Việt Nam. Năm 2016, khi tàu đến Việt Nam, ông đã ra tuyên bố bày tỏ rất vui mừng về sự kiện đó.
Nhiều người Việt biết đến John McCain như một người yêu mến và ủng hộ Việt Nam, có nhiều đóng góp trong thúc đẩy quan hệ 2 nước, nhưng không nhiều người biết rõ ông John McCain đã làm cụ thể những gì? Theo ông, đâu là những điểm nhấn chính trong đóng góp của ông John McCain với Việt Nam?
Có mấy điểm nhấn để nói lên cái duyên nợ của ông John McCain với quan hệ Việt Nam - Mỹ. Trước hết là việc dỡ bỏ cấm vận năm 1994 và bình thường hóa quan hệ hai nước năm 1995.
Khi John McCain thoát khỏi chiến tranh Việt Nam và thấy 2 đất nước phải vượt qua hận thù quá khứ, ông đã kết hợp với một người bạn, thậm chí một đối thủ của ông ở đảng Dân chủ là Thượng nghị sĩ John Kerry, xây dựng lên một phong trào những nhà chính trị ủng hộ và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.
Nếu chúng ta nhớ lại vào thời điểm trước khi bình thường hóa quan hệ, câu chuyện tìm kiếm người Mỹ mất tích và giải quyết hậu quả chiến tranh còn rất nặng nề giữa 2 nước.
Cùng với sự hợp tác rất nhân đạo và rất tốt đẹp của Việt Nam trong vấn đề này, ông John McCain đã nhân nó lên trong giới chính trị Mỹ và phối hợp với ông John Kerry thúc đẩy Tổng thống Bush (cha), sau đó là Tổng thống Clinton, đi đến quyết định mà ông đã từng nói là “quyết định khó khăn đối với bất cứ một tổng thống nào của Mỹ”.
Tôi vẫn nhớ cảnh Tổng thống Clinton ra công bố quyết định bình thường hóa quan hệ giữa 2 nước vào ngày 11.7.1995, thì đứng 2 bên là 2 trụ cột của quan hệ - John McCain và John Kerry.
Sau bình thường hóa, ông muốn thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Mỹ không chỉ gói gọn trong giải quyết hậu quả chiến tranh, mà mở ra hợp tác về kinh tế, chính trị, tiến tới hợp tác về an ninh - quốc phòng.
Ông là người rất mong muốn thúc đẩy và đã thúc đẩy từ rất sớm câu chuyện phải dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Tháng 5.2016, khi Tổng thống Obama công bố quyết định này trong chuyến thăm Việt Nam, ông đã rất hoan nghênh, gọi đó là quan hệ rất đúng đắn và sáng suốt trong quan hệ 2 nước.
|
Cũng phải nói thêm, tuy là Chủ tịch Ủy ban Quân vụ của Thượng viện Mỹ, nhưng ông lại cực kỳ quan tâm đến cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, và là một trong những người đi đầu trong việc xóa bỏ những rào cản thuế bất hợp lý của Mỹ đối với cá da trơn của Việt Nam.
Ông John McCain đã từng chiếu những clip người Việt Nam nuôi nấng cá da trơn như thế nào và nói đặt thuế cao vô lý đối với mặt hàng này có hại đối với cả người tiêu dùng Mỹ và cả những người nông dân Việt Nam đầu tắt mặt tối nuôi những con cá đó. Điều đó có ảnh hưởng rất lớn trong chính trị Mỹ, thúc đẩy việc tạo thuận lợi hơn cho các da trơn ở thị trường này.
Ông có lẽ là một trong những người hiếm hoi gặp hầu hết các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, bởi ông thăm Việt Nam rất nhiều lần và các đoàn cấp cao của Việt Nam sang Mỹ chắc chắn sẽ có gặp John McCain.
Ông có thể chia sẻ cụ thể thêm về nỗ lực và ảnh hưởng của John McCain đến việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam?
Với tư cách là nhà lãnh đạo chính trị lớn trong Quốc hội và nền chính trị Mỹ; cũng như với tư cách Chủ tịch Ủy ban Quân vụ của Thượng viện, ông nhiều lần tuyên bố đã đến lúc phải bỏ cấm vận. Điều này có tác động rất lớn.
Ông John McCain cũng phát biểu rất nhiều lần với tư cách cá nhân và với tư cách Chủ tịch Ủy ban Quân vụ về môi trường hòa bình ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á, trong đó có cả an ninh, an toàn hàng hải; nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của Việt Nam và ASEAN. Việc dỡ bỏ lệnh cấm sẽ giúp cho Mỹ có thể hỗ trợ các nước ở trong khu vực, trong đó có Việt Nam nâng cao năng lực để có thể đóng góp cho hòa bình, ổn định khu vực.
Về nguyên tắc, lệnh cấm vận vũ khí là một trở ngại, là dấu tích của thời kỳ bao vây cũ. Tôi đã từng nói điều này có ý nghĩa biểu tượng rất lớn trong quan hệ chính trị. Khi hai nước đã là đối tác toàn diện, mong muốn phát triển quan hệ ở cả bình diện song phương và khu vực, thì tàn dư cuối cùng này cũng nên gỡ bỏ.
Đặc biệt lắng nghe vai trò của Việt Nam trong ASEAN
Cá nhân ông và Thượng nghị sĩ John McCain có thường tham vấn ý kiến lẫn nhau về các vấn đề liên quan đến Việt Nam? Ông ấy quan tâm thúc đẩy điều gì nhất trong quan hệ giữa hai nước?
John McCain là một chính trị gia lớn và ông quan tâm đến những vấn đề vĩ mô. Ông ấy chia sẻ rất nhiều về an ninh, an toàn hàng hải.
Khi ông ấy đưa ra sáng kiến MSI (an ninh hàng hải ở khu vực Đông Nam Á), qua đó, Quốc hội Mỹ phê chuẩn chi một lượng ngân sách, tôi nhớ là khoảng hơn 400 triệu USD, để hỗ trợ các nước tăng cường năng lực hàng hải và an ninh hàng hải trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Ông ấy có lẽ chia sẻ với nhiều người, trong đó có tôi, về sáng kiến này, mong muốn các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước ASEAN, có thể thông qua sáng kiến để nâng cao năng lực.
Cá nhân tôi chia sẻ với ông ấy nhiều việc, trong đó một vấn đề ông ấy đặc biệt lắng nghe là vai trò của Việt Nam trong ASEAN, làm sao thúc đẩy được đồng thuận trong ASEAN và tăng cường hòa bình, ổn định trong khu vực.
Ông ấy quan ngại việc có lúc ASEAN không đạt được đồng thuận và tỏ ra vui mừng khi ASEAN có những tiếng nói về vấn đề hòa bình trong khu vực, như bán đảo Triều Tiên, hay Biển Đông, hay phát triển tiểu vùng Mê Kông.
Thượng nghị sĩ McCain rất coi trọng vai trò của Việt Nam ở khu vực.
|
Ông ấy có chia sẻ với ông lý do vì sao có thể bước qua khỏi ám ảnh quá khứ, việc hai nước từng là kẻ thù, việc ông ấy đã từng bị bắn rơi và cầm tù tại Việt Nam, để trở thành một người bạn lớn của chúng ta?
Ông ấy ít nói về thời mà ông ấy ở trong cái gọi là “Hilton Hà Nội”, nhưng rất hay mời mọi người xem bức ảnh lúc nào ông ấy cũng lưu giữ ở phòng làm việc, ghi lại cảnh ông ấy được vớt lên khỏi hồ Trúc Bạch.
Ông ấy nhìn đó như một kỷ niệm. Sau khi từ Việt Nam quay về, ông ấy mới tham gia chính trường và tạo ra một McCain hoạt động chính trị nhưng lại rất gắn bó với Việt Nam.
"Bây giờ lợi ích đan xen giữa Việt Nam - Mỹ khác trước rất nhiều"
Ông có cho rằng, nếu không có các cựu binh như John McCain, John Kerry bước qua những ám ảnh của cuộc chiến để thúc đẩy bình thường hóa quan hệ, thì sự thấu hiểu lẫn nhau giữa hai nước sẽ mất nhiều thời gian hơn không?
Đương nhiên vai trò của John McCain và John Kerry là rất lớn. Họ đã đi đầu và là trụ cột trong việc vận động những lực lượng chính trị khác nhau cả bên ngoài lẫn trong Quốc hội Mỹ để ủng hộ bình thường hóa và phát triển quan hệ.
Nhưng cùng với đó là Chuck Hagel, Pete Peterson... Rất nhiều người đã từng tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam và sau đó chính họ lại là những người rất gắn bó với Việt Nam và ủng hộ quan hệ Việt Nam - Mỹ. Nhiều người không làm chính trị thì lại làm các dự án nhân đạo.
Khi thế hệ cựu binh - những người bạn lớn có một quá khứ dữ dội cùng nhau, rất hiểu và gắn bó với Việt Nam như John McCain dần mất đi, thì liệu sự gắn kết giữa 2 nước có mất đi theo họ?
Nhìn lại chiều dài 23 năm qua, ít người hình dung được Việt Nam - Mỹ từ lúc còn là đối nghịch, là kẻ thù mà trở thành đối tác phát triển trên tất cả các bình diện như bây giờ.
Chúng ta có John McCain, có John Kerry, có Pete Peterson, có Chuck Hagel... Có một điều đặc biệt là họ gắn bó với Việt Nam không phải vì một cuộc chiến tranh, không phải chỉ vì một quá khứ đã có trong lịch sử. Họ là những người đã trực tiếp tham gia những phần khác nhau trong quan hệ với Việt Nam.
Có những người rất quan tâm đến kinh tế; có những người quan tâm đến bảo vệ môi trường, di sản Việt Nam mà họ đã được đi thăm và rất ngưỡng mộ; và có những người rất coi trọng vai trò của Việt Nam ở khu vực.
Mỗi một nghị sĩ ở Mỹ đều có khu vực cử tri của họ, rất nhiều trong đó có doanh nghiệp làm ăn với Việt Nam, có những thị trường chia sẻ hàng hóa với Việt Nam.
Ngoài chuyện chính trị ra thì sau các nghị sĩ là cử tri, đằng sau cử tri là công ăn việc làm, là lợi ích giao thương và buôn bán. Có những người muốn thúc đẩy nhập khẩu linh kiện ô tô vào Việt Nam. Có những người quan tâm tới VisaCard, Mastercard, hay Intel, Google... có thể làm ăn thuận lợi hơn. Có những người muốn các công ty dược phẩm có thể đầu tư ở đây cả bệnh viện cũng như hệ thống bảo hiểm...
Đối với John McCain, ông ấy rất thúc đẩy hoạt động của trường đại học của Bang Arizona với Việt Nam. Trong nhiều năm, trường đó đã có chương trình đào tạo kỹ sư bậc cao cho Việt Nam liên quan đến lĩnh vực khoa học tự nhiên, và chương trình đó đang ngày càng mở rộng. Đó là điều chúng ta phải nhân lên trong mối quan hệ hai nước.
Bản thân ông John McCain cũng rất muốn giới thiệu thêm thế hệ nghị sĩ trẻ của Mỹ để tạo ra thế hệ bạn bè gần gũi với Việt Nam hơn trong thế hệ sau này. Rất nhiều lần tham dự sự kiện liên quan đến Việt Nam, ông đều mời thêm vài nghị sĩ ở thế hệ sau như Thượng nghị sĩ Dan Sullivan, Thượng nghị sĩ Sheldon Whitehouse.
Quan hệ giữa hai nước đã mở ra, việc xây dựng thế hệ mới và mạng lưới bạn bè gắn bó với Việt Nam là rất quan trọng, nhưng bạn bè bây giờ không chỉ ở một vài chính trị gia. Hiện hai nước có lợi ích song trùng, đan xen trên nhiều lĩnh vực, trong đó có cả kinh tế.
Tôi nói ví dụ, năm 1995, kim ngạch 2 chiều là 450 triệu USD, thì đến bây giờ là hơn 50 tỉ USD, gấp hơn 100 lần. Con số này chứng tỏ những doanh nghiệp, người làm kinh doanh phải rất gắn bó với thị trường Việt Nam, và ngược lại. Chính những doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng là cầu nối thúc đẩy quan hệ.
Rất nhiều nhà hoạch định chính sách Mỹ cũng thấy rằng một Việt Nam đổi mới, một Việt Nam ngày càng có vai trò rất quan trọng ở khu vực là một nhân tố rất quan trọng trong ASEAN, thúc đẩy hòa bình, ổn định.
Tôi cho rằng, bây giờ lợi ích đan xen giữa Việt Nam - Mỹ khác trước rất nhiều; vai trò và vị trí của Việt Nam ở khu vực, trên trường quốc tế cũng khác rất nhiều. Hiện nay, chúng ta có điều kiện lớn hơn rất nhiều so với thời xưa, khi phải vượt qua cuộc chiến tranh để công nhận lẫn nhau và bình thường hóa quan hệ.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận (0)