John Whitmore, nhà nghiên cứu quan tâm đặc biệt về quá khứ của Đại Việt

22/04/2021 12:39 GMT+7

Những năm 1960, John Whitmore (1940-2020) chuyển qua nghiên cứu lịch sử Đông Nam Á tại Đại học Cornell (Mỹ). Đại Việt trong quá khứ được ông dành cho sự quan tâm đặc biệt, với nhiều công trình nghiên cứu có giá trị cao.

GS.John Whitmore bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 1968 tại Đại học Cornell với nhan đề Sự phát triển của chính quyền Lê thế kỷ 15. Whitmore tập trung vào sự phát triển của chính quyền nhà Lê, gồm các thay đổi về ý thức hệ mà lâu nay chúng ta hay gọi là cuộc cách mạng Tân Khổng giáo. Chính quyền nhà Lê thế kỷ 15 là nơi pha trộn giữa tư tưởng Tiền Khổng giáo, giai đoạn đại Đông Nam Á với Tân Khổng giáo. Whitmore cho rằng, trong nửa thế kỷ đầu cai trị của nhà Lê là cuộc tranh giành quyền lực giữa nhà vua, nhằm giành quyền kiểm soát toàn quốc, với các nhóm địa phương đang tìm cách khẳng định lợi ích của họ. Sức mạnh của nhà vua đã chống lại sức mạnh của lợi ích cá nhân…
Trong chuỗi suy tư về hệ tư tưởng giai đoạn lịch sử này, Whitmore đẩy bối cảnh nghiên cứu của mình về phía trước, nhằm phân tích sâu hơn về triều đại ngắn ngủi của Hồ Quý Ly, cuộc chiếm đóng của nhà Minh, sự ảnh hưởng của Nho giáo từ Trung Hoa, trước khi xảy ra cuộc cách mạng Tân Khổng giáo thời Lê Thánh Tông… Các vấn đề, diễn biến được ông trình bày có lớp lang và tường minh trong chuyên khảo Việt Nam, Hồ Quý Ly và nhà Minh (1371-1421).

Một số sách Whitmore đồng chủ biên

Ảnh: Yale University

Ông cũng tập trung nghiên cứu nhiều phương diện khác nữa của nước Đại Việt thế kỷ 16, tiếp tục phân tích và bóc tách các vấn đề xoay quanh nhiều yếu tố chính là chính trị - văn hóa - xã hội. Một tiểu luận quan trọng khác về thế kỷ 16 không thể không nhắc đến là Trung-Hưng và chính-thống trong thư bản Việt Nam thế kỷ 16 và về thế kỷ 16 được in trong cuốn sách Các tiểu luận về Việt Nam xưa. Qua tiểu luận này, Whitmore cố gắng tái dựng những nỗ lực chép sử Việt Nam liên quan đến thế kỷ 16. Như kỳ vọng của ông, cuốn sách là những thăm dò và khám phá giữa vô vàn tiếng nói, quá khứ của miền đất, được gọi là Việt Nam bây giờ, đã giúp cho các nhà Việt Nam học nhìn thấy vô vàn khả năng của con người nơi đây.

Tầm nhìn sâu rộng và liên tục về Việt Nam và khu vực

Với mối quan tâm sâu rộng ban đầu về lịch sử thể chế của triều Lê, về hệ tư tưởng Tân Khổng giáo và xã hội Đại Việt từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 16, trong nhiều năm ông đã công bố hơn 40 bài nghiên cứu khoa học liên quan đến các chủ đề chính trị, văn hóa, luật pháp, tổ chức xã hội, giáo dục, gia đình, thương mại, kinh tế, trí thức/nho sĩ, bản sắc, vai trò phụ nữ, bản đồ… của đất nước Việt Nam trải dài từ thế kỷ 11 cho đến vấn đề di dân người Việt tại Mỹ thời hiện đại.
Rất nhiều chủ đề nghiên cứu chuyên sâu của ông, đa phần từ năm 1200 đến năm 1600, có thể kể ra ở đây: Đông Nam Á: Các mô hình văn hóa và tôn giáo, Tôn giáo và nghi lễ tại triều đình Đại Việt, Văn hóa trí thức và sự hội nhập ở Đại Việt 1430-1840, Từ giáo dục kinh điển đến đạo Khổng tại Đại Việt, Ý thức về quá khứ của người Việt… Sẽ không quá lời nếu cho rằng một phần hiểu biết hiện nay của chúng ta, thuộc khung thời gian như trên, trong lịch sử Đại Việt đâu đó bắt nguồn từ các nghiên cứu liên tục và thuyết phục của Whitmore.
Whitmore còn là một trong những chuyên gia đầu tiên, và chủ chốt, đặt nền móng cho ngành Việt Nam học tại Mỹ. Một học giả lớn, có tư duy độc đáo và tầm nhìn khác biệt về lịch sử Việt Nam cổ đại, tiền thuộc địa. Một người có nhiều ảnh hưởng trong giới nghiên cứu Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.