Mới được cải tổ vào tháng 1.2024, Hội đồng Học viện Điện ảnh châu Âu (European Film Academy/EFA) đã đề cử nữ diễn viên Juliette Binoche người Pháp gốc Ba Lan làm chủ tịch. Đây là một vị trí danh dự, nắm giữ vai trò quyền lực mang tính biểu tượng cho cơ quan chuyên ngành có trụ sở tại Berlin (Đức), đồng thời đại diện cho các chuyên gia điện ảnh khắp châu Âu.
Juliette Binoche - vốn dĩ là thành viên tích cực của Học viện Điện ảnh châu Âu trong nhiều năm - xác nhận cô sẵn sàng đảm nhận chức vụ quan trọng này. Về mặt chính thức, vai trò này sẽ diễn ra kể từ ngày 1.5.2024 sau khi phần lớn trong số 4.600 thành viên của Viện Hàn lâm Điện ảnh châu Âu bỏ phiếu phê duyệt cho đến cuối tháng 4.2024.
Những phim bước ngoặt
Cột mốc mang tính bước ngoặt của Juliette Binoche (60 tuổi) là bộ phim Rendez-Vous (Điểm hẹn) của André Téchiné. Cô được chọn "thế vai" trong thời gian ngắn khi nữ diễn viên Sandrine Bonnaire phải từ bỏ bộ phim do xung đột lịch trình.
Rendez-Vous công chiếu lần đầu tại LHP Cannes 1985 và đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất. Bộ phim gây chấn động và Juliette Binoche nhanh chóng trở thành cái tên được yêu thích tại liên hoan phim này.
Bộ phim nói tiếng Anh đầu tiên của Juliette Binoche là The Unbearable Lightness of Being (Đời nhẹ khôn kham) của điện ảnh Mỹ, phát hành năm 1988 do Philip Kaufman đạo diễn kiêm biên kịch, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Milan Kundera (1929- 2023) - một nhà văn Pháp gốc Tiệp Khắc (cũ).
Cuối năm đó, Juliette Binoche bắt đầu bước vào dự án mới của điện ảnh Pháp gây tranh cãi nhiều năm sau. Đó là phim Les Amants du Pont-Neuf của đạo diễn Leos Carax. Bộ phim gặp nhiều vấn đề về kinh phí đầu tư, có lúc tưởng chừng phải hủy bỏ và cuối cùng đã hoàn thành sau 3 năm trầy trật phát triển, với sự đầu tư lẫn hỗ trợ ngoài kế hoạch ban đầu từ 3 nhà sản xuất và với nguồn vốn từ chính phủ Pháp. Khi phát hành vào năm 1991, Les Amants du Pont-Neuf đã thành công rực rỡ. Juliette Binoche giành được giải thưởng Điện ảnh châu Âu cũng như nhận đề cử César thứ 3 cho màn trình diễn táo bạo này.
Năm 1993, Juliette Binoche xuất hiện trong Three Colours: Blue của nhà làm phim kỳ tài Ba Lan Krzysztof Kieślowski, nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình. Phim công chiếu lần đầu tại LHP Venice 1993, mang về cho Juliette Binoche giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Lần đầu tiên cô chiến thắng tại giải César và một đề cử ở Quả cầu vàng với phim này.
Vai diễn tiếp theo của Juliette Binoche trong The English Patient (Bệnh nhân người Anh, phát hành năm 1996) đã củng cố vị thế của cô như một ngôi sao điện ảnh quốc tế. Bộ phim hợp tác đa quốc gia (Mỹ-Anh-Ý sản xuất), dựa trên tiểu thuyết của Michael Ondaatje người gốc Sri Lanka và do nhà làm phim người Anh gốc Ý Anthony Minghella đạo diễn, đã thành công vang dội trên toàn thế giới. Phim chiến thắng 9 giải Oscar (trong tổng số 12 đề cử nhận được), trong đó có giải Phim hay nhất và Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cho Juliette Binoche.
Juliette Binoche tái hợp tác cùng đạo diễn Michael Haneke với phim Caché ra mắt năm 2005. Bộ phim thành công ngay lập tức, mang về giải Đạo diễn xuất sắc nhất cho Michael Haneke tại LHP Cannes trong cùng năm.
Vào tháng 6.2009, Juliette Binoche tham gia Certified Copy do Abbas Kiarostami đạo diễn. Đây là phim hợp tác sản xuất đa quốc gia (bao gồm: Pháp-Ý-Bỉ-Iran), với ngôn ngữ thoại là tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Ý. Phim được chọn chính thức tranh giải Cành cọ vàng LHP Cannes 2010, tại đây Juliette Binoche đã giành chiến thắng Nữ chính xuất sắc nhất cho màn trình diễn của mình. Được giới phê bình quốc tế đánh giá cao, Certified Copy cũng được coi là một trong những bộ phim hay nhất của năm và thập kỷ.
Chiến thắng này của Juliette Binoche tại LHP Cannes 2010 đã chính thức khắc ghi tên tuổi Juliette Binoche vào lịch sử điện ảnh thế giới, khi cô trở thành nữ diễn viên đầu tiên giành được 3 "vương miện": Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại LHP Venice cho Three Colors: Blue; Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại LHP Berlin cho The English Patient; Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại LHP Cannes cho Certified Copy.
Những ngã ba đường trong sự nghiệp
Thành công tột bậc là thế, điều oái oăm đến trớ trêu là Juliette Binoche vẫn có những lúc như đang ở ngã ba đường trong sự nghiệp của mình.
Chẳng hạn, sau khi quay phim Les Amants du Pont-Neuf của đạo diễn Leos Carax với thời gian thực hiện dự án kéo dài 3 năm tại Pháp và ra mắt năm 1991, Juliette Binoche chuyển đến London (Anh quốc) để đóng phim Wuthering Heights (Đồi gió hú, ra mắt 1992) của đạo diễn Peter Kosminsky người Anh.
Wuthering Heights do Vương quốc Anh và Mỹ hợp tác sản xuất, nhận được đề cử Giải thưởng lớn của ban giám khảo tại LHP Tokyo năm 1992. Tuy nhiên Juliette Binoche gặp phản ứng dữ dội từ báo chí Anh quốc và khán giả đại chúng. Bởi lẽ với một bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm kinh điển cùng tên và duy nhất của nữ văn sĩ Emily Jane Brontë (1818- 1848), người Anh không mấy dễ chịu khi nhân vật "thuần Anh quốc" lại thuộc về một nữ diễn viên Pháp. Bị báo chí Anh chế nhạo, các bài đánh giá phim rất thấp, bản thân Juliette Binoche bị giễu cợt là có "giọng Franglais" (hay Frenglish - là một sự pha trộn tiếng Pháp trong tiếng Anh, với việc sử dụng quá nhiều từ tiếng Anh của những người nói tiếng Pháp). Điều này khiến cho Juliette Binoche và đạo diễn Peter Kosminsky đều tìm cách "tránh xa" bộ phim, thậm chí Juliette Binoche đã từ chối thực hiện bất kỳ quảng cáo nào cho bộ phim hoặc biên tập lại lời thoại sang tiếng Pháp.
Sau bộ phim The English Patient thành công quốc tế vào năm 1996, Juliette Binoche trở lại Pháp, tham gia dự án Lucie Aubrac của đạo diễn Pháp Claude Berri. Đây là bộ phim tiểu sử của Pháp, về thành viên Lực lượng kháng chiến Pháp trong Thế chiến thứ hai - nữ anh hùng Lucie Aubrac.
Đây là sự kiện gây chấn động giới điện ảnh Pháp vào thời gian ấy, khi Juliette Binoche bị loại khỏi bộ phim sau 6 tuần bấm máy, do những khác biệt với Claude Berri về tính xác thực trong kịch bản của nhà làm phim này. Juliette Binoche đã mô tả sự kiện như "một trận động đất" đối với cô.
Đó là vào đầu những năm 2000, Juliette Binoche từng phải vật lộn tâm trí để đảm bảo những vai diễn của mình không bị bó buộc vào tính cách bi thảm, u sầu mà cô mắc phải vào những năm 1990. Juliette Binoche từng thừa nhận, việc cha mẹ ly hôn và bỏ rơi cô vào năm 4 tuổi đã ảnh hưởng sâu sắc đến tâm hồn mong manh của người nữ diễn viên khi trưởng thành.
Bình luận (0)