Chủ tịch UBND các quận ở TP.HCM cũng 'nhức đầu' bởi người dân gọi điện phản ảnh 'không thể chịu đựng nổi vấn nạn karaoke xóm'. Nhiều nơi đã bố trí lực lượng chức năng nhắc nhở, xử phạt nghiêm.
Trả lời Thanh Niên, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu, cho biết trước tình trạng bùng nổ karaoke xóm, UBND TP.HCM đã nhiều lần chỉ đạo xử lý.
Video: Lệ Rơi còn chào thua karaoke xóm
Theo đó, Chủ tịch UBND 24 quận, huyện trên địa bàn thành phố chỉ đạo lãnh đạo phường, xã, thị trấn phải nhắc nhở, khi đã nhắc nhở rồi mà vẫn vi phạm, làm phiền người dân xung quanh thì tiến hành xử lý một cách triệt để.
“Điểm mặt” karaoke xóm tung hoành, quyết tâm hành động
Ông Lê Hoàng Hà, Chủ tịch UBND Q.Gò Vấp cho biết hiện nay quận đã yêu cầu các phường rà soát, tổng hợp những “địa chỉ” thường bùng nổ vấn nạn karaoke xóm. Trong cuộc họp giao ban về xây dựng đời sống văn hóa mới khu dân cư vào tuần tới, các phường sẽ báo cáo để có hướng xử lý trước mắt cũng như lâu dài. Từ đó, các phường, ngành văn hóa, công an của quận sẽ có ý kiến cụ thể về vấn đề này, là chúng ta cần phải bắt đầu chuyện xử lý, ngăn chặn làm sao cho có hiệu quả. Trước mắt quận xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động, nhắc nhở đồng loạt rồi sau đó tiến tới việc xử phạt nghiêm.
“Đối với những khu vực nóng hổi quá mà người dân phản ảnh nhiều sẽ được tập trung xử lý dứt điểm. Quận cũng muốn nghe lại các ngành để linh hoạt vận dụng quy định pháp luật, quy chế, quy ước trong khu dân cư đã ban hành, họp tổ dân phố để đặt vấn đề đó ra một cách thẳng thắn nhằm nâng cao ý thức của bà con trong khu dân cư”, ông Lê Hoàng Hà chia sẻ và khẳng định quận cũng sẽ phân công cho các khu phố, tổ dân phố lưu ý những nơi thường xuyên phát sinh karaoke xóm để có giải pháp phù hợp.
Theo ông Lê Hoàng Hà, cư dân ở ổn định, truyền thống lâu đời ở địa phương ít “bùng nổ” karaoke xóm. Ở Q.Gò Vấp, lượng người nhập cư đông. Tình trạng karaoke xóm hay phát sinh trong những trường hợp thuê nhà, thuê mặt bằng buôn bán, cuối giờ cuối buổi hoặc ban tối rảnh rỗi, vài ba anh em kéo ra ngồi trước cửa hàng, cửa nhà trọ làm vài chai bia xong thì mang loa thùng di động ra hát hò.
Câu chuyện karaoke xóm đang tràn lan lắm, quận buộc phải quyết tâm hành động, tiến hành xử lý để răn đe. Không phải thấy có hát là mình sáp vô xử phạt ngay một vài trường hợp rồi thôi, mà vấn đề này liên quan đến ý thức sinh hoạt trong cộng đồng dân cư nên phải mang tính tuyên truyền, vận động thường xuyên nữa
Ông Lê Hoàng Hà, Chủ tịch UBND Q.Gò Vấp
“Đó là một thực trạng khá phổ biến, cứ chiều tối là xuất hiện. Rồi chuyện liên hoan, tiệc tùng ở nhà dân trong khu dân cư, khi lo xong rồi cũng có tình trạng gom bàn lại để hát. Đó là một câu chuyện nữa”, ông Lê Hoàng Hà nói thêm một chuyện “khổ tâm”.
Ông Lê Hoàng Hà cho biết: “Câu chuyện này (karaoke xóm - PV) đang tràn lan lắm, quận buộc phải quyết tâm hành động, tiến hành xử lý để răn đe. Không phải thấy có hát là mình sáp vô xử phạt ngay một vài trường hợp rồi thôi, mà vấn đề này liên quan đến ý thức sinh hoạt trong cộng đồng dân cư nên phải mang tính tuyên truyền, vận động thường xuyên nữa. Những trường hợp đã tuyên truyền, vận động, nhắc nhở rồi mà vấn cố tình “khủng bố tinh thần” thì buộc phải xử nghiêm”.
Cũng theo ông Lê Hoàng Hà, trên địa bàn Q.Gò Vấp có nhiều công viên, điển hình là công vên văn hóa Gò Vấp, công viên Gia Định và một số công viên nhỏ 500 - 700 mét vuông xen cài trong khu dân cư. Xử lý vi phạm ở những nơi này, quận tuyệt đối không cho phát sinh tình trạng một số người thiếu ý thức mang loa thùng ra “tra tấn” mọi người.
Khi nhận phản ảnh thì cảnh sát khu vực xuống ngay…
Nhiều Chủ tịch UBND quận ở TP.HCM cũng cùng chung “nỗi khổ tâm” với Chủ tịch UBND Q.Gò Vấp. Ông Phạm Quốc Huy, Chủ tịch UBND Q.5 thừa nhận vấn nạn karaoke xóm cũng phổ biến trên địa bàn quận, gây ảnh hưởng đến sự yên tĩnh của khu dân cư.
“Tuy hát hò như vậy không ảnh hưởng gì lớn đến vấn đề an ninh trật tự nhưng thực tế thì đã làm phiền hàng xóm, người dân xung quanh rất nhiều. Ở các khu vực chợ, trường học mà karaoke xóm nổi lên thì còn phiền toái hơn nữa. Quận cũng đã bàn kế hoạch, phương án xử lý với các phường, khu phố, tổ dân phố để ngăn chặn, xử lý nghiêm”, ông Phạm Quốc Huy nói.
Theo ông Võ Khắc Thái, Chủ tịch UBND Q.3, trên địa bàn Q.3 có hàng trăm khu dân cư với mật độ dân số cao, karaoke xóm thật sự là “một nỗi khổ tâm”.
“Mình rất muốn xử phạt để ngăn chặn triệt để nhưng thật tình cũng khó. Muốn có cơ sở xử phạt thì phải đo tiếng ồn nhưng “karaoke xóm” khi thấy lực lượng chức năng xuất hiện thì họ ngừng hát, thu dọn nhanh bởi chỉ kéo cái loa thùng vào lại nhà là xong nên có khi cũng không kịp đo”, ông Võ Khắc Thái trăn trở.
Ông Thái cho rằng đây là vấn đề ý thức, là cư dân đô thị cần thể hiện nếp sống văn minh, đừng chỉ vì thỏa mãn nhu cầu cá nhân mà gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của mọi người xung quanh.
Ông Trần Xuân Điền, Chủ tịch UBND Q.10 cho biết cũng đã nhiều lần tiếp nhận phản ảnh của người dân về chuyện “nhức đầu bởi karaoke xóm”.
“Khi nhận phản ánh thì cảnh sát khu vực xuống ngay địa bàn bởi đây là lực lượng sâu sát địa bàn nhất để tiến hành làm việc, nhắc nhở. Cứ có cảnh sát khu vực xuất hiện kịp thời là yên liền. Tuy quận chưa xử phạt trường hợp cụ thể nào nhưng thời gian tới sẽ xử phạt nghiêm”, ông Trần Xuân Điền khẳng định.
Ông Nguyễn Phước Hưng, Chủ tịch UBND Q.2 khẳng định: “Hát hò gây ồn ào nơi công cộng thì đâu có được. Quận buộc phải xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm”.
Vấn đề là hành động cụ thể của các quận, huyện
Ông Nguyễn Hồng Hà, Phó trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND TP.HCM nhìn nhận karaoke xóm thật sự là nỗi ám ảnh, rất bức xúc, không thể chấp nhận được bởi một người “sướng” mà rất nhiều người bị “tra tấn” đến mức ám ảnh.
Theo ông Nguyễn Hồng Hà, ca hát là một thói quen và cũng là một nhu cầu của mọi người. Nhu cầu đó là chính đáng, không có vấn đề gì hết nhưng nó chỉ chính đáng khi không làm ảnh hưởng đến người khác. Chính quyền địa phương đều biết vấn nạn karaoke xóm bùng nổ nên phải có trách nhiệm xử lý triệt để theo chỉ đạo của UBND TP.HCM.
Ông Nguyễn Hồng Hà cho rằng quy định pháp lý là không thiếu. Đối với các hành vi vi phạm về tiếng ồn, Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18.11.2016 của Chính Phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường quy định phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 1 - 160 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật, bên cạnh đó còn có các hình thức phạt bổ sung đình chỉ hoạt động cũng như các biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây nên.
Nghị định 167/2013 của Chính phủ trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội cũng có quy định, và có thể dựa vào đó để xử phạt với mức phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng. Vấn đề là hành động cụ thể của các quận, huyện.
Bình luận (0)