Là một trong những tác giả viết truyện ngắn danh tiếng, thế nhưng Katherine Mansfield không phải là cái tên phổ biến với độc giả Việt. So với bạn văn đương thời như D.H.Lawrence, Virginia Woolf…, Mansfield vẫn là "mảnh đất" còn khá xa lạ. Bà từng có vài truyện ngắn được in trong các hợp tuyển nhiều thập niên trước, nhưng đứng riêng mình thì Tiệc vườn là lần đầu tiên.
Tiệc vườn (Hộp và NXB Hội Nhà văn, 2023) là tập truyện ngắn đại diện cho mọi chủ điểm trong các tác phẩm của Mansfield. Đó là một mạch văn ngầm chứa nhiều khoáng chất, với sự tinh gọn, nữ tính và đầy nhạy cảm. Trăm năm nhìn lại di sản của nữ nhà văn, có thể thấy rằng bà đã đi trước thời đại, với các quan điểm có phần tiên tiến hướng đến nữ quyền.
Những chuyện nhỏ nhặt
Chỉ vài tuần trước, tiểu thuyết gia Judy Blume lọt vào danh sách 100 nhân vật có tầm ảnh hưởng của tạp chí TIME. Và một năm trước đó, Annie Ernaux, bằng các ký ức cá nhân, cũng được vinh danh ở giải Nobel Văn chương. Cả hai trường hợp đều cho ta thấy thế giới đang dần xoay chuyển, với các chuyện đời tưởng như bâng quơ nhưng sâu trong đó là một sức mạnh có phần mới mẻ.
Khi hỏi vì sao Judy Blume được lọt vào danh sách trên, nhiều người đã trả lời rằng nhờ các cuốn sách thuộc loại
chick-lit của bà mà thanh - thiếu niên thời-chưa-hiện-đại đã được "khai sáng" kinh nguyệt là gì, và cách đối phó mỗi lần "rụng dâu". Cũng giống như thế đối với Ernaux, không dễ tưởng tượng chủ đề phá thai, vụng trộm… có một ngày đoạt giải Nobel. Chưa khi nào mà những trải nghiệm có phần cá nhân lại trở nên rất quan trọng như hiện nay.
Giống với Ernaux, truyện ngắn Mansfield thường không dài dòng và chỉ xảy ra giữa hai biên độ cực kỳ ngắn ngủi về mặt thời gian. Đó có thể là một ngày trôi nổi trong truyện Trên Vịnh, hoặc là một tối nhanh nhảu ở truyện Tiệc vườn. Đối với Trên Vịnh - truyện ngắn thuộc hàng dài nhất của riêng Mansfield, ngoài những mô tả về một hòn đảo bảng lảng mờ sương, thì nó không chứa gì nhiều xung quanh hoạt động thường nhật của các nhân vật trong vùng đất ấy.
Trong tác phẩm này, bà miêu tả những người đàn ông ủ ê ra sao, cho đến những người đàn bà và những đứa trẻ ùa ra bãi biển thế nào... Và chỉ có thế. Trong suốt truyện đó, ta không thấy gì ngoài những phụ nữ phơi mình ngoài biển, người hầu gái đi vào lùm cây và đứa trẻ nhỏ nép bên bà mình… Tuy vậy, chính từ những chấm phá ấy mà thế giới phụ nữ bỗng chốc hiện lên, với đủ đầy sự mệt mỏi cũng như trách nhiệm mà họ phải chịu (dẫn đến nếu một ngày dài không có đàn ông thì việc duy nhất mà họ sẽ làm là dành cho mình một sự tận hưởng).
Và bởi không thiên về các sự kiện nên thế mạnh của Mansfield nằm ở đào sâu tâm lý nhân vật. Không dừng ở đó, các nữ nhân vật thường được xây dựng với tính cách tương đối đặc biệt, khi là những người mạnh mẽ, nắm chuôi, từ đó khiến cho đàn ông phủ phục dưới mình. Nhân rộng quan điểm, có thể thấy rằng truyện ngắn Mansfield ở một khía cạnh nào đó cũng đang phản ảnh góc nhìn nữ quyền tương đối ấn tượng, có phần hiện đại.
Tính nữ tiên tiến
Có thể dẫn giải vào chủ điểm này thông qua truyện ngắn Con gái ông đại tá. Truyện rằng sau khi người cha qua đời, hai cô gái Constantia và Josephine dường như sống lại một thời tuổi trẻ, khi những rào cản từng được đặt ra bởi người cha già căm ghét hôn nhân giờ đã biến mất.
Điều này dường như có sự đồng quy, khi ta thấy nó có sự tương đồng với cuốn tiểu thuyết Ta luôn sống trong lâu đài của "bà hoàng Gothic" Shirley Jackson ra đời sau này. Ở đó, chị em Merricat và Constance cũng mất cha và dựa vào nhau để cùng tồn tại. Đặc biệt hơn nữa là số âm tiết và tên viết tắt của hai nhân vật ở hai tác phẩm đều tương tự nhau. Jackson viết tiểu thuyết ấy trong lúc bản thân gần như khủng hoảng, dẫn đến ước muốn rằng hai chị em sẽ cùng chung sống ở trên mặt trăng, nơi những tổn thương không thể chạm đến. Hình tượng khá đặc biệt này đã là đề tài tranh luận của nhiều chuyên gia suốt thời gian dài, và ở Mansfield, ta cũng thấy được một điều tương tự.
Katherine Mansfield (1888 - 1923) là nhà viết truyện ngắn và phê bình văn chương nổi tiếng người New Zealand. Bà được coi là một trong những tác giả có ảnh hưởng và quan trọng nhất của chủ nghĩa hiện đại. Bà mất khi mới 35 tuổi vì bệnh lao. Chỉ viết một thời gian ngắn nhưng bà đã cho ra đời nhiều tập truyện ngắn ấn tượng, có thể kể đến như Ở nhà trọ Đức, Hạnh phúc và Tiệc vườn...
Từ thời Hy Lạp cổ đại, "mặt trăng" hay thần Artemis vẫn là đại diện cho phụ nữ. Mansfield cũng đã kế thừa chính xác điều này khi bà viết: "Nàng nhớ lại những lần trước vào đây, trườn ra khỏi giường trong chiếc váy ngủ dưới trăng tròn - nàng nằm bất động trên sàn, hai cánh tay dang rộng như thể bị đóng đinh. Tại sao? Tại sao? Mặt trăng to, nhợt nhạt đã xui nàng làm thế". Không khó để thấy khoái cảm cùng sự khát khao đã được kể lại vô cùng nữ tính và đầy nhạy cảm.
Tính nữ nhạy cảm còn được nhìn thấy ở những truyện ngắn thiên về hiện thực hướng đến nhân văn. Những truyện Tiệc vườn, Đời mẹ Parker… ngoài những miêu tả có phần chi tiết cuộc sống thượng lưu, thì những cách biệt giữa hai giai tầng, cũng như những sự phân biệt trong xã hội ấy cũng được họa lại có phần sống động.
Trong khi tiểu thư ở truyện Tiệc vườn bỗng thấy cái chết của những người nghèo cũng có thể đẹp, thì mẹ Parker - một người giúp việc khi con trai mất - lại không thấy gì ngoài sự chua chát, và cần một nơi để khóc một mình. Nhưng đó phải là một nơi vắng vẻ, vì bà không muốn mình khóc trước mặt người lạ. Đó không phải là làm dáng hay quan trọng hóa vấn đề, mà chi tiết này đã cho ta thấy rằng dù có ở đâu hay giai tầng nào, thì người phụ nữ vẫn sẽ giữ nguyên được những đức hạnh đã làm nên mình.
Như một ánh nhìn có phần sắc lẹm đi từ cay nghiệt, thông minh, cho đến đồng cảm, qua các truyện ngắn vô cùng vượt trội, có thể thấy rằng Mansfield đã dựng cho mình một "đế chế" riêng: nhỏ bé, vụn vặt, nhưng cũng gai góc, đậm đặc nữ tính và sự tân tiến. Đọc Mansfield là việc cảm nhận những thứ bất thường trong điều bình thường, từ đó thấy ra một dòng chảy lạ.
Bình luận (0)