>> Xem xét xóa sổ khu công nghiệp “già” nhất Việt Nam
|
Ngày 8.7, các ủy ban của Quốc hội và bộ ngành T.Ư đã làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai bàn giải pháp chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 để cứu sông Đồng Nai. Theo đề án của UBND tỉnh trình Chính phủ, hiện có 97 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, mỗi ngày xả ra hơn 9.000 m3 nước thải nhưng chỉ có 1.100 m3 được đấu nối qua KCN Biên Hòa 2 để xử lý, số còn lại các DN tự xử lý rồi xả trực tiếp ra sông Đồng Nai.
Bộ TN-MT cho biết, chất lượng nước sông Đồng Nai bị ô nhiễm do chất rắn lơ lửng, vi sinh, đặc trưng là hàm lượng DO, TSS, COD, Fe, E.Coli, Coliform vượt so với tiêu chuẩn cho phép. Ngoài ra, tổng lượng rác thải công nghiệp phát sinh khoảng 5.346 tấn/tháng, trong đó, rác thải nguy hại 64 tấn/tháng. Ô nhiễm từ khí thải cũng “báo động đỏ” bởi nồng độ bụi vượt tiêu chuẩn môi trường cho phép; nồng độ SO2, NO2, CO cũng vượt rất cao....
Cứu sông Đồng Nai
Khó khăn lớn nhất là khi chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 di dời hàng trăm nhà máy và 26.100 lao động đang làm việc tại đây. Nhiều DN cho rằng khoản kinh phí mà nhà nước bồi thường, hỗ trợ di dời không đủ để xây dựng hệ thống nhà máy, cơ sở hạ tầng mới. Có DN lo lắng trong thời gian di dời, nhà máy phải ngưng hoạt động vài năm nên sẽ không có sản phẩm cung ứng ra thị trường dẫn đến mất thị phần, mất đối tác...
Theo tính toán của UBND tỉnh Đồng Nai, để chuyển đổi công năng cần phải có nguồn vốn 14.600 tỉ đồng. Do việc “xóa sổ” một KCN là chưa có tiền lệ nên chưa có chính sách phù hợp. Vì vậy kiến nghị Chính phủ, Quốc hội và các bộ ngành cho phép thực hiện cơ chế đặc thù, như cho các DN thuộc diện di dời được miễn thuế thu nhập 4 năm, giảm 50% thuế thu nhập DN trong 9 năm tiếp theo; áp dụng miễn, giảm thuế thu nhập DN; ưu đãi vay vốn; cho phép các chủ đầu tư cấp 1 được hưởng chính sách ưu đãi đặc biệt….
Các ủy ban của Quốc hội và các bộ ngành đều nhất trí phương án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đề nghị nghiên cứu khi chuyển đổi phải giảm bớt xáo trộn cho DN. KCN Giang Điền là nơi “tái định cư” cho các DN phải di dời, cần phải nâng công suất của hệ thống xử lý nước thải; đầu tư nhà ở xã hội, trường học…
Kết luận buổi làm việc, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội cho biết đây là chủ trương lớn, chưa có tiền lệ nên còn rất nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách… Tuy nhiên, vì sức khỏe của hàng triệu người dân đang sử dụng nước sông Đồng Nai nên Chính phủ đã chấp thuận chủ trương phải chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1. Ủy ban Khoa học và công nghệ cũng ghi nhận những ý kiến của UBND tỉnh Đồng Nai cũng như các bộ, ngành liên quan để kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét.
Kim Cương
Bình luận (0)