'Kẻ ẩn danh': Đánh đấm 'cháy' cũng khó cứu kịch bản hời hợt

27/08/2023 14:20 GMT+7

Kẻ ẩn danh thu hút những tín đồ dòng phim hành động với những pha đánh đấm, bạo lực đẫm máu được làm "đến nơi đến chốn". Nhưng vì một kịch bản hời hợt, lủng củng, bộ phim đầu tay của đạo diễn Dan Trần nhanh chóng rơi vào nhàm chán, cảm giác tác phẩm không hơn kém một show trình diễn võ thuật của Kiều Minh Tuấn.

Điểm cộng cho dàn dựng hành động

Kẻ ẩn danh: Đánh đấm ‘cháy’ cũng khó cứu kịch bản hời hợt  - Ảnh 1.

Kẻ ẩn danh thuộc thể loại hành động - gia đình, "trình làng" vào ngay dịp lễ 2.9 nên được kỳ vọng sẽ có doanh thu tốt

ĐPCC

Kẻ ẩn danh là phim đầu tay của đạo diễn Việt kiều Dan Trần, thuộc thể loại hành động và quy tụ nhiều gương mặt được yêu mến trong làng phim Việt như: Kiều Minh Tuấn, Mạc Văn Khoa, Vân Trang, Quốc Trường… Bộ phim xoay quanh Lâm (Kiều Minh Tuấn), một tay giang hồ máu mặt nay đã "gác kiếm" tu thân, đang có cuộc sống hạnh phúc bình dị bên vợ và con gái. Biến cố ập đến khi con gái của Lâm là Hiền (Mai Cát Vi) bị dụ dỗ, bắt cóc. Từ đây, Lâm buộc phải xông vào nguy hiểm để tìm và giải cứu con, vô tình gây hấn đến nhiều thế lực ngầm đưa cuộc sống của cả gia đình vào nguy hiểm.

Mô típ của Kẻ ẩn danh không hề mới. Nhiều khán giả Việt ví von bộ phim này như Hai Phượng phiên bản nữ khi hai nhân vật chính đều liều mạng đâm đầu vào "hang cọp" để cứu con. Cho đến câu cửa miệng "Con tao đâu?" nổi danh của Hai Phượng cũng xuất hiện trong phim này. Bộ phim góp nhặt ở các phim hành động Hollywood mỗi thứ một chút nên sẽ mang đến cho người xem cảm giác… hao hao. Cốt truyện được triển khai theo lối dành trọn sự tập trung vào nhân vật chính xuyên suốt cuộc hành trình. Hệ thống nhân vật phụ, thậm chí tuyến phản diện rất nhạt nhẽo. Xem Kẻ ẩn danh, ta gợi nhớ một chút Taken của tài tử Liam Neeson, một chút John Wick của Keenu Reeves.

Kẻ ẩn danh: Đánh đấm ‘cháy’ cũng khó cứu kịch bản hời hợt  - Ảnh 2.

Nhân vật của Kiều Minh Tuấn dù là cha dượng nhưng hết lòng yêu thương con riêng của vợ và sẵn sàng chấp nhận liều chết đi cứu con

ĐPCC

Kẻ ẩn danh: Đánh đấm ‘cháy’ cũng khó cứu kịch bản hời hợt  - Ảnh 3.

Kiều Minh Tuấn có nhiều pha hành động khó trong phim

ĐPCC

Dàn dựng hành động có thể xem là khâu được thực hiện tốt nhất trong bộ phim này. Kẻ ẩn danh có những phân cảnh đánh đấm mãn nhãn với mức độ bạo lực, máu me đúng chuẩn T18. Trường đoạn mở đầu, lấy bối cảnh quá khứ, khi Lâm tiến vào "hang ổ" kẻ thù giết hại gia đình mình để đòi nợ máu rất ấn tượng, với những cú máy dài, những pha "hạ thủ" đẹp mắt, không khoan nhượng. Phân cảnh Lâm tả xung hữu đột với các nữ sát thủ trong phòng tranh là điểm nhấn phim, vừa tếu táo nhưng không kém phần thót tim, lại sử dụng đạo cụ thông minh.

Phần hành động của Kẻ ẩn danh được chỉ đạo bởi Kefi Abrikh Samuel. Anh từng là người đóng thế trong loạt hàng bom tấn Fast & Furious 6, Bourne 5, Spectre 007, Mission: Impossible 6 và chỉ đạo võ thuật phim The Princess, Kung Fu Zohra, City Hunter, Hai Phượng, Thanh Sói. Vì vậy, những pha đánh đấm lên phim rất mượt mà, máu lửa mặc cho các diễn viên tham gia không có sở trường hành động.

Kẻ ẩn danh: Đánh đấm ‘cháy’ cũng khó cứu kịch bản hời hợt  - Ảnh 4.

Những cảnh hành động, đánh đấm trong Kẻ ẩn danh được dàn dựng khá thông minh, đậm chất Việt nhờ bối cảnh, đạo cụ

ĐPCC

Kiều Minh Tuấn cũng cho thấy nỗ lực đáng kể trong việc tự thân thực hiện những phân cảnh đánh đấm. Anh lên hình cuốn hút, bản lĩnh và thành công xây dựng hình tượng mới cho bản thân. Tuy nhiên, với độ phức tạp mà các đường quyền, thế võ của bộ phim này đưa ra, cũng dễ nhận thấy đạo diễn Dan Trần phải cắt vụn những trường đoạn hành động, có "lấp liếm" bằng những cảnh quay cận. Ê kíp làm tốt những cảnh quay trực chiến giữa khoảng 4-5 người nhưng đến những màn "xáp lá cà" thì vẫn còn vụng về.

Phim hành động thì được dễ dãi với kịch bản?

Đối với phim hành động, kịch bản chưa cần phải hay nhưng ít nhất nên chặt chẽ. Để có cái cớ cho việc "hành động", lao mình vào nguy hiểm, nhân vật cần động cơ đủ mạnh và một hành trình với nhiều mức độ "vượt khó" khác nhau. Kẻ ẩn danh không đáp ứng được điều này.

Ngay từ hồi đầu tiên, người xem đã bị hoang mang bởi cách mà biên kịch khiên cưỡng nhồi nhét câu chuyện mâu thuẫn gia đình vào bộ phim. Hai nhân vật vợ và con gái Lâm - Hạnh (Vân Trang đóng), Hiền (Mai Cát Vi) không khiến cho người xem đồng cảm, mủi lòng trước sự thánh thiện, khát khao vượt khó, thoát nghèo mà ngược lại còn gây ức chế bởi bản tính xốc nổi. Bởi lẽ, các nhân vật kết nối với nhau một cách lỏng lẻo, lai lịch quá khứ chỉ kể qua loa, hoặc không kể. Từ đó, cái cớ để nhân vật lao vào trận chiến sinh tử không đủ sức nặng.

Kẻ ẩn danh: Đánh đấm ‘cháy’ cũng khó cứu kịch bản hời hợt  - Ảnh 5.

Những mâu thuẫn trong Kẻ ẩn danh được tạo dựng hời hợt, thiếu thuyết phục

ĐPCC

Đạo diễn Dan Trần giỏi trong việc dàn dựng, quay cảnh hành động nhưng với những phân cảnh đời thường thì anh lộ rõ điểm yếu của mình. Không gian sống của các nhân vật dựng lên qua loa, giả tạo với ánh đèn xanh dương đậm đà được sắp đặt rất khó hiểu. Lời ăn tiếng nói, cách sinh hoạt của xóm lao động gia đình Lâm cư ngụ cũng hiện lên rất buồn cười, nửa Tây, nửa ta, bình dân cũng không xong mà tri thức cũng chưa tới.

Kẻ ẩn danh: Đánh đấm ‘cháy’ cũng khó cứu kịch bản hời hợt  - Ảnh 6.

Các nhân vật trong phim một là quá mờ nhạt, hai là liên tục bị "lên gân" trong những tình huống rất bình thường

ĐPCC

Bố cục, cấu trúc của Kẻ ẩn danh giống như mười mươi cảnh hành động riêng lẻ được chắp nối lại với nhau. Tổng thể phim thiếu logic trầm trọng khi hàng loạt các nhân vật xuất hiện vô tội vạ, vô danh, ai cũng bổ nhào ra đả chiến với nam chính mà không hề mang bất kỳ một tính cách nổi trội nào, ngay cả nhân vật "ông trùm" Tùng của Quốc Trường. Mục tiêu của bọn bắt cóc là Hiền và Lâm nhưng lại quay ra chấp nhặt và truy cùng giết tận Hạnh chỉ để trả đũa. Có thể nói, tuyến phản diện trong Kẻ ẩn danh toàn thuộc dạng "giang hồ mõm", được mang danh nguy hiểm nhưng hành động hết sức ngờ nghệch.

Ngoài ra, kịch bản Kẻ ẩn danh còn rất yếu về thoại. Nó không phải lỗi của các diễn viên vì họ cũng đã cố gắng trau chuốt. Nhưng cách dùng từ, đặt câu trong kịch bản vốn đã thiếu tự nhiên, lệch tính cách nhân vật, nhiều miếng hài gieo không đúng chỗ nên đến cả "thánh hài" như Mạc Văn Khoa cũng khó lòng phát huy sở trường của anh trong bộ phim này.

Kẻ ẩn danh: Đánh đấm ‘cháy’ cũng khó cứu kịch bản hời hợt  - Ảnh 7.

Mạc Văn Khoa vẫn duyên dáng nhưng không có nhiều đất thể hiện trong phim

ĐPCC

Kẻ ẩn danh: Đánh đấm ‘cháy’ cũng khó cứu kịch bản hời hợt  - Ảnh 8.

Phim lỏng lẻo kịch bản nên vẫn gây ức chế hoặc nhàm chán cho khán giả

ĐPCC

Xem Kẻ ẩn danh, khán giả dễ cảm thấy biên kịch, đạo diễn đều nôn nóng để đẩy câu chuyện đi về cuối nhanh hết mức có thể. Tất nhiên, nhịp điệu nhanh, gãy gọn là cần thiết cho thể loại hành động nhưng cũng thật bứt rứt khi nhiều tình tiết "bày biện" ra lại không được giải quyết, lỗi logic không được khỏa lấp, có "gieo" nhưng không màng "gặt". Với những câu hỏi và bước hụt chân về mặt cảm xúc như vậy, Kẻ ẩn danh dù đánh đấm máu lửa, có nỗ lực trong việc nâng tầm phim hành động Việt nhưng vẫn thật khó lòng để trở thành một bộ phim hay.

Phim hành động Kẻ ẩn danh hiện đang được công chiếu trên toàn quốc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.