Trưng bày mở cửa từ 9 giờ ngày 15.3 đến hết sáng 17.3 tại khu A, Hội Báo toàn quốc, đường Lê Lợi, Q.1, TP.HCM.
Khu vực trưng bày Báo chí Cách mạng VN 1925 - 2024: 99 chuyện nghề gồm 99 câu chuyện kể về quá trình hình thành, phát triển của báo chí cách mạng trong 99 năm qua như: Từ viên gạch hồng đến ngôi nhà báo chí cách mạng, Báo chí trong tù, Dọc đường kháng chiến, Những cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn, Báo chí trong dòng chảy công nghệ…
Khu vực trưng bày báo Xuân giới thiệu bộ sưu tập các bìa báo Xuân tuyển chọn từ hàng nghìn tờ báo Xuân của bảo tàng.
Những hiện vật quý
Sáng 16.3, tại Hội Báo toàn quốc (TP.HCM), Bảo tàng Báo chí VN tổ chức lễ tiếp nhận hiện vật của các nhà báo lão thành và tổ chức trao tặng.
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải, nguyên chuyên viên báo chí của Thành ủy TP.HCM, là nhà báo đầu tiên gặp gỡ và viết về Phạm Xuân Ẩn, vị thiếu tướng tình báo nổi tiếng của Quân đội nhân dân VN. Tư liệu từ các cuộc gặp gỡ suốt 10 năm này đã được bà viết thành cuốn sách Phạm Xuân Ẩn - Tên người như cuộc đời. Trong thời gian gặp gỡ ông Ẩn, bà có cơ hội cho con trai đi cùng. Anh là họa sĩ nên lẳng lặng ngồi vẽ nhà tình báo lừng danh. Nhân dịp này bà tặng lại Bảo tàng Báo chí VN bức ký họa chân dung này và cuốn sổ ghi chép khi phỏng vấn ông Phạm Xuân Ẩn cùng một số tài liệu hiện vật khác.
Nhà thơ, nhà báo Ngô Quỳnh Lan, nguyên Phó tổng biên tập Đài PT-TH Bà Rịa-Vũng Tàu, tặng Bảo tàng Báo chí VN tập bản thảo viết tay phim phóng sự Kỷ niệm về những chuyến bay đầu tiên (phát ngày 22.12.1975 trên Đài truyền hình VN); thẻ nhà báo năm 1974 và một số ảnh hoạt động báo chí từ năm 1972 đến nay. Bà Lan nhớ lại nhiều kỷ niệm khi tác nghiệp giữa những lần bị dội bom, sát cánh cùng quân dân trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, lần gặp Chủ tịch nước Trường Chinh…
Hội Nhà báo TP.HCM, Khoa Báo chí và Truyền thông Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM tặng bảo tàng nhiều sách vở, tư liệu báo chí. Ông Nguyễn Văn Lên, Giám đốc Đài PT-TH An Giang, trao tặng hiện vật gồm 2 chân máy hiệu Taiwan 63228, VSF 2000S, máy quay Panasonic, chảo vệ tinh và một số băng từ VHS sử dụng từ năm 1996.
'Bỏ cây bút ra là tôi vô dụng'
Chiều 16.3, Bảo tàng Báo chí VN phối hợp với Hội Nhà báo TP.HCM tổ chức lễ ra mắt tác phẩm mới Tuyển tập Huỳnh Dũng Nhân - cuộc đời và cây bút (do NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành).
Cuốn sách gồm các thể loại (mỗi thể loại 10 bài ): phóng sự, thơ, nhạc, họa, ảnh, tản mạn, truyện ngắn… của một cây bút phóng sự nổi bật của làng báo VN thời kỳ đổi mới.
Nhà báo - nhà văn Huỳnh Dũng Nhân (hội viên Hội Nhà văn VN) trưởng thành từ một phóng viên giỏi nghiệp vụ để trở thành Tổng biên tập tạp chí Nghề báo, từng là Ủy viên BCH Hội Nhà báo VN, Phó chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM. Ông cũng là giảng viên môn phóng sự cho các trung tâm đào tạo báo chí và trường đại học trong cả nước suốt mấy chục năm liền.
Với Tuyển tập Huỳnh Dũng Nhân - cuộc đời và cây bút, ông muốn để lại kỷ niệm tuổi 70 và chặng đường 50 năm cầm bút viết văn, 40 năm làm báo. "Tôi lớn lên, đi học, làm thơ, viết văn, làm báo, đi dạy, vẽ tranh chân dung… Vèo một cái, năm nay tôi đã bước vào tuổi 70. Suốt hành trình trong "một thời đạn bom một thời hòa bình" đầy ý nghĩa, không ít vui buồn, có chút thành công cũng có lúc thăng trầm, tôi đều gắn bó với cây bút. Cây bút nói lên tình yêu con người, tình yêu cuộc sống của tôi. Bỏ cây bút ra là tôi thất nghiệp, vô dụng", nhà báo - nhà văn Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ.
Lê Công Sơn
Bình luận (0)