Kể chuyện nghệ thuật múa rối cạn

29/07/2016 06:21 GMT+7

Vào lúc 16 giờ ngày 7.8, tại không gian nghệ thuật Six Space (Hà Nội) diễn ra chương trình Rối cạn kể chuyện, xoay quanh câu chuyện của các nghệ nhân làng nghề tạc tượng Bảo Hà (H.Vĩnh Bảo, Hải Phòng) và nghệ thuật múa rối cạn.

Đây là sự kiện thứ hai nằm trong dự án nghiên cứu nghệ thuật Reimagine The Artist/Artisan, được Quỹ hoàng tử Claus (Hà Lan) tài trợ.
Làng Bảo Hà xưa gọi là làng Linh Động nổi tiếng về nghề tạc tượng, được tổ nghề là Nguyên Công Huệ truyền từ thế kỷ 16. Đặc biệt, cùng với nghề tạc tượng, các nghệ nhân làng Bảo Hà đã sáng tạo và phát triển nghệ thuật tạo hình và biểu diễn rối cạn lưu truyền từ 7 đời nay. Ở nghệ thuật tạo hình rối Bảo Hà, các nghệ nhân tạo mặt con rối gắn liền với bán thân (con rối chỉ được làm phần thân trên), nối với bán thân là que trụ (hay còn gọi là que trong). Chỉ từ một que gỗ được gọi là “tay trong” các nghệ nhân đã điều khiển được con rối uyển chuyển, trong khi ở phường rồi khác con rối được điều khiến bằng “tay ngoài”.
Các nghệ nhân của làng sẽ biểu diễn các trích đoạn trong các vở diễn Tứ linh, Đôi ngọc lưu ly và trò chuyện với công chúng về lịch sử hình thành, phát triển làng nghề cùng nghệ thuật biểu diễn rối cạn. Tại không gian này cũng trưng bày các dụng cụ làm nghề của các nghệ nhân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.