Lập nhà dưỡng tế
Việc lập nhà tế sanh hay dưỡng tế ở nước ta có đã khá lâu. Ngay từ thời nhà Lê, vua Lê Thánh Tông đã cho lập nhà tế sanh để giúp những kẻ cô cùng khi bị dịch bệnh. Trong Việt Nam sử lược, nhà sử học Trần Trọng Kim cho biết vua Lê Thánh Tông đã cho lập các nhà tế sanh để nuôi những người đau ốm vì bệnh tật và “khi nào ở đâu có dịch tễ thì sai quan đem thuốc đi chữa bệnh”. Tại điều 11, quyển III Luật Hồng Đức còn nêu rõ: “Trong kinh thành hay phường, ngõ và làng xóm có kẻ đau ốm mà không ai nuôi nấng, nằm ở đường sá, cầu, điếm, chùa, quán, thì xã quan đó phải dựng lều lên mà gìn giữ, săn sóc và cho họ cơm cháo thuốc men, cốt sao cứu cho họ sống, không được bỏ mặc cho họ rên rỉ khốn khổ”.
Sang thời nhà Nguyễn, sách Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ, quyển 63 về “Quyết tuất” có ghi chép về việc lập các nhà dưỡng tế ở nhiều nơi, từ thời Gia Long đến thời Minh Mạng. Vào năm Gia Long thứ 13 (1834), vua Gia Long còn ra một định lệ rất cụ thể về các nhà dưỡng tế ở kinh thành. Nhà vua cho lấy đất trống ở mé thành thiết lập 3 tòa nhà dưỡng tế, có đầy đủ giường sàn. Ở giữa một tòa 3 gian, 2 chái làm chỗ để chế thuốc; hai bên tả hữu có 2 tòa, mỗi tòa 5 gian 2 chái dành cho bệnh nhân ở. Rồi truyền cho các nơi: Quán trọ, đường sá, xã, thôn, phường, chợ, ở trong thành, nếu thấy có những kẻ lang thang ở nhờ, ở đỗ, làm thuê, làm mướn kiếm ăm, lỡ bị bệnh tật, không người cấp dưỡng thì lý dịch sở tại đưa họ đến nhà dưỡng tế giao cho viên Ty Thừa biện để biên tên tuổi, quê quán; hằng ngày cấp phát tiền, gạo, và tùy theo bệnh mà cấp thuốc thang.
|
Vào năm Minh Mạng thứ 8 (1827), vua chuẩn lời tâu cho Bắc thành chọn những chỗ đất trống rồi tạm xuất tiền kho ra mua sắm vật liệu, làm tòa nhà dưỡng tế 3 gian, 2 chái; sau đó xét thấy ai là người góa bụa côi cút và người tàn tật không nơi nương tựa thì cho họ đến cư trú và cấp cho mỗi người, đàn ông cũng như đàn bà, mỗi ngày 20 tiền đồng, gạo nửa bát đồng.
Đến năm Minh Mạng thứ 10 (1829), nhà vua tiếp tục xuống chỉ rằng: Các địa phương nào đã xây nhà dưỡng tế thì đều chuẩn cho cấp tiền gạo cho những người không nơi nương tựa, và chiếu lệ cho những ai bị ốm chết thì cấp phát tiền, đồ mai táng.
Giúp kẻ cô cùng đến cả khi chết
Đại Việt sử ký toàn thư có ghi chép: Vào năm Hồng Đức 28 (1497), lại có dụ cho Nghệ An rằng: Quân, dân, những người không vợ, góa chồng, đói rét, bệnh tật, tàn phế, nếu ai có thiếu ăn thì hai ty Thừa, Hiến giao xuống cho các quan phủ, huyện, kê khai ngay tên của những người ấy làm bản tâu lên để cấp cho họ thóc công chứa trong kho, mỗi người 100 thăng, đến khi lúa chín sẽ chiếu theo số thóc vay mà thu nộp.
Vào năm Gia Long thứ 14 (1815), vua có chiếu lệnh: Trên các ngả ba đường ở các phủ huyện từ Hà Tiên đến tận Lạng Sơn, nếu thấy có người bệnh thì quan lại địa phương phải xếp chỗ cho họ nghỉ ngơi, nuôi nấng, hỏi rõ quê quán, họ tên, rồi tìm người bảo trợ, như chủ nhà, chủ quán gần đó; nếu không có thì đến nhà tổng lý ở, để tổng lý chăm sóc, nuôi nấng. Khi người cô cùng hết bệnh thì trình huyện nha chứng nhận cho họ được đi về (Hội điển sự lệ, quyển 63). Lại thấy có người chết đột ngột dọc đường vì bệnh thời khí (dịch), thì trình lên huyện, nha, tổng, lý để kiểm nghiệm, rồi phát tiền, vải, giao cho dân sở tại chôn cất. Người chết được lập bia “tiêu đề”, trên bia ghi rõ là người đó mặc quần áo thế nào, ước chừng bao nhiêu tuổi, rồi cắm ở đầu mộ để thân nhân người chết biết mà đến nhận. Điển lệ cũng cho biết, đây là chiếu lệ ấn định mãi về sau này.
|
Không chỉ trong Hội điển sự lệ, trong Đại Nam thực lục, cũng có nhiều đoạn ghi chép về việc cứu giúp kẻ cô cùng. Vào năm Tự Đức thứ 17 (1864), Doanh điền sứ đạo Quảng Trị, phủ Thừa Thiên là Trần Đình Túc có báo với vua là, trong lúc đi đường nhận nhiệm sở, ông gặp nhiều đàn ông, đàn bà có vẻ đói xanh, có kẻ đi một mình, có kẻ đem vợ con cùng đi; hỏi ra mới biết họ là dân Nam, Ngãi bị đói đi phiêu lưu kiếm sống, và xin cấp cho lương gạo (ai có vợ con thì mỗi tháng cấp cho 1 phương gạo, không có vợ con thì cấp 15 bát gạo), cấp cho họ năm ba tháng, khi nào họ tự sinh sống được thì thôi không cấp nữa. Trần Đình Túc còn xin lượng cấp cho những kẻ cô cùng này các loại dao bổ củi, cuốc sắt để họ tự làm ăn. Nghe lời tâu, vua Tự Đức than rằng: “Dân Nam Ngãi có khổ trạng như thế, vậy mà từ trước tới nay không ai tâu lên”, rồi bèn sai phủ thần khảo sát, thì đúng quả thực như vậy. Sau đó, không những nhà vua cho cứu giúp, như lời tâu của Trần Đình Túc, mà còn có chỉ dụ, nếu ai muốn xin ở lại, thì người khỏe mạnh giao cho Doanh điền để họ tự lo cày cuốc; người già ốm, trẻ nhỏ thì cho vào ở nhà dưỡng tế (Đại Nam thực lục, chính biên, đệ tứ kỷ - quyển XX).
Vào tháng 7, năm Tự Đức thứ 27 (1874), tỉnh Bình Thuận có dịch bệnh làm 700 người chết. Vua cho cầu đảo mà không hiệu nghiệm, bèn đốc sức các quan phủ, huyện, đi xuống tận làng, ấp, gia tâm thăm hỏi, người ốm thì cho thuốc, người đói thì cho cơm; khuyên những nhà giàu giúp những người đói khổ; nếu không đủ thì nhà nước cấp thêm gạo cho những gia đình tùng quẫn (Đại Nam thực lục, chính biên, đệ tứ kỷ, quyển LI).
Xử phạt quan chức thờ ơNgay từ thời Lê, việc xử phạt quan chức thờ ơ với kẻ cô cùng đã được định lệ nghiêm ngặt. Trong bộ Luật Hồng Đức, tại điều 12, quyển III, có quy định: Những người vợ góa chồng, mồ côi và người tàn tật, nghèo khổ không nơi nương tựa, không thể tự mưu sinh được mà quan sở tại bỏ rơi họ thì bị xử đánh 50 roi, biếm một tư. Nếu họ được cấp cơm áo, mà quan lại ăn bớt đi thì phải ghép vào tội như người giữ kho ăn trộm của công.
Vào thời Gia Long, khi ban chiếu dụ lập nhà dưỡng tế để giúp những người cô cùng vì bệnh tật, nhà vua cũng khuyến cáo các quan lại địa phương: Nếu xã, thôn, phường, chợ nào có những kẻ cô cùng đau ốm, bệnh tật mà họ không được đưa vào nhà dưỡng tế để những người cô cùng đó chết ở dọc đường thì phạt lý trưởng sở tại 50 trượng (theo Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ, quyển 63).
|
Đọc một số trang lịch lịch sử, một số trang điển lệ, chúng tôi thấy có khá nhiều những ghi chép về việc cứu giúp kẻ cô cùng trong những lần dịch bệnh. Bài viết ngắn này chỉ ghi nhận lại một số sự kiện và một vài chiếu, dụ nhưng cũng phần nào cho thấy các triều đại quân chủ của Việt Nam đã từng quan tâm đến số phận của kẻ cô cùng trong dịch bệnh.
Bình luận (0)