1. Mưa. Năm nay thành phố mưa nhiều. Những cơn mưa dai dẳng luôn khiến cô sợ hãi mỗi khi ở một mình trong phòng. Cô bật lớn nhạc, vẫn không át được tiếng mưa. Cô trùm mền, nằm co rúm một góc giường rồi bật khóc ngon lành. Cô nhớ mẹ. Mẹ cô cũng ra đi trong một trận mưa như bão táp thế này. Ngồi trên xe cấp cứu với mẹ, nhìn ra bên ngoài qua lớp kính trắng xóa một màn mưa, chưa bao giờ cô thấy mình lạc lõng đến vậy. Cả người thân yêu duy nhất cũng rời bỏ cô mà đi. Một tay cô nắm chặt tay mẹ, nghe bên tai giọng cô y tá khàn đặc: “Bà Lý, bà Lý, có nghe con gọi không...”.
Minh họa: Hồng Thiện Cường
|
Bệnh viện trả mẹ về cùng với lời dặn, mẹ sẽ ra đi trong cơn hôn mê. Cô chẳng biết làm gì cho mẹ ngoài việc đứng nhìn. Lần cuối cùng cô che mưa cho mẹ là lúc chiếc băng ca của bệnh viện chuyển mẹ xuống khỏi xe, mưa như trút hết nước từ bầu trời xuống. Cô lột áo khoác che mưa cho mẹ. Trong khoảnh khắc hiếm hoi ấy, cô kịp nhận thấy có giọt nước mắt lăn ra từ mắt mẹ. Cô vẫn muốn nghĩ nó là nước mưa, là do cô che mưa không kỹ để nước ướt mặt mẹ chứ không phải nước mắt. Cô nghĩ như vậy để đỡ đau lòng. Cô không muốn mẹ cô buồn, dù là trong khoảnh khắc nào. Mẹ cô đã trải qua những cơn đau quá sức về thể xác. Có những lúc, cô cầu nguyện để mẹ đừng đau nữa, mẹ sẽ về với Chúa, với yên an. Sẽ chẳng bao giờ mẹ phải đau đớn hay buồn phiền gì thêm nữa. Sẽ khép lại kiếp người quá đỗi cơ cực này.
Nhưng còn cô thì sao, cô tiếp tục cuộc hành trình một mình này mà không có mẹ, không có ai. Cha mẹ sinh cô ra nhưng chẳng thể mang cô đi cùng. Mỗi người có một hành trình của riêng mình mà sẽ không có bất cứ một ai theo nó một cách trọn vẹn nhất. Có thể cô sẽ lấy chồng, có con và một nửa hành trình còn lại có người đồng hành, khi đó, ở thế giới hiện tại này cô đã đủ thấm nỗi cô độc một mình.
Cô làm quen với hơi men từ những ngày một mình như thế, nhất là vào những đêm mưa.
2. Cô ngồi trong phòng nhìn ra ngoài, trời phủ trắng xóa màu nước tựa như sương mù. Chỉ một lát nữa thôi màn đêm sẽ bao trùm cả khu phố này, sẽ úp chặt lấy cô. Bỗng cô muốn gọi cho ai đó nhưng lại thôi. Cô bấm một số điện thoại lạ, nhắn vu vơ: “Mưa, em sợ mưa!”.
Một lát sau, có tin nhắn trả lời: “Nghe điện thoại nhé!”. Rồi máy đổ chuông, số lạ hoắc hiện lên. Cô cầm máy lưỡng lự rồi quyết định không nghe. Nhưng cô thấy ấm lòng, cô chỉ cần như thế thôi. Cần một người đến bên cạnh khi cô cần. Cần nghe một giọng nói, nói rằng người đó luôn ở bên cạnh cô, đừng lo lắng nhé, mọi việc sẽ ổn thôi. Cô sợ rơi vào trạng thái chênh chao khi nhận ra mình đang một mình, không có người thân. Cô từng đọc ở đâu đó, về triệu chứng chung của những kẻ cô đơn. Chẳng phải có rất nhiều người cô đơn bên cạnh cô đấy sao? Số máy bên kia lại nhắn: “Tại sao không nghe?”. Cô hình dung ra đó là một người có ánh nhìn ấm áp và nụ cười thật hiền, nhưng cô không trả lời.
Cô không thiếu bạn, thậm chí rất nhiều bạn bè, nhưng cô sợ sự nguội lạnh trong mối quan hệ. Sợ cảm giác ngồi cạnh nhau nhưng không chia sẻ được. Mà những câu chuyện cô chia sẻ có khi chỉ là vụn vặt. Cô cũng chẳng có chuyện buồn nào mang tính vĩ mô cả, chỉ là những chuyện tủn mủn không đầu không cuối về cơn mưa, về những giấc mơ hoang tàn đổ vỡ, về một ngôi nhà trên đỉnh đồi phủ đầy sắc hoa mà cô mơ ước... Mà thế giới chung quanh cô giờ khác nhiều rồi, thực tế hơn nhiều rồi. Bạn bè cô gặp nhau đều nói về những con số, báo tin vui thăng chức hay những món hàng hiệu mà cô không thấy có sự khác biệt khi khoác lên người. Cô bị đánh bật khỏi đám đông lúc nào không hay.
3. Khi cô vừa rời văn phòng thì trời đổ mưa. Nước mưa làm chân cô lạnh cứng, mất cảm giác. Cô nấp vào lề đường đứng trú mưa, không phải vì sợ bị ướt mà vì lâu lắm rồi cô không trú mưa. Cô muốn đứng lại nhìn dòng người đang hối hả ngoài kia. Những gương mặt người đầy lo toan, mệt mỏi. Nhưng ít nhất họ còn có mục đích để lao về phía trước, có ai đó đợi họ ở nhà. Cô thì không. Cô thấy lạnh, hai bàn tay và hai bàn chân lạnh cóng. Thời đi học cấp một, mỗi sáng mẹ luộc cho cô quả trứng gà để cầm tay cho ấm khi lên lớp. Cô ủ trong túi áo và vùi tay mình trong ấy, đến lớp thì tay vừa ấm, có thể cầm viết viết bài. Đi học về ngày nào mẹ cũng hỏi có ăn trứng không hay chỉ cầm tay. Rồi mẹ lục cặp, nếu còn trái trứng thì hấp lên ăn. Mẹ bảo không được bỏ thừa thức ăn. Phải biết quý trọng những thứ mình làm ra. Bỗng cô thấy thèm quay quắt được cầm quả trứng trong tay... Cô đưa tay vào túi áo khoác, cầm điện thoại. Có tin nhắn của người lạ: “Mưa rồi đó, có lạnh không?”. Lồng ngực cô nhói lên, cô bật khóc ngon lành. Nước mắt rơi lã nhã xuống má. Cô không nghĩ rằng mình có thể yếu đuối đến như thế. Chỉ là một người lạ, cô còn chưa biết họ là ai, trai hay gái, già hay trẻ. Nhưng rõ ràng cô thấy rất ấm áp. Cảm giác ấm áp này từ ngày mẹ mất đi cô đã không còn có được. Cô đã trải qua biết bao nhiêu chuyện, đã có những lúc cô nghĩ chẳng điều gì có thể quật ngã mình, nhưng hôm nay cô mới chợt nhận ra càng va vấp nhiều, cô càng yếu đuối và cần một hơi ấm đến cháy lòng. Cô cũng nhận ra khi niềm tin giữa con người dần mất đi bởi sự tha hóa trong xã hội thì luôn có một sự hóa giải từ trong linh cảm, để thấy thêm yêu con người hơn, để thấy giữa những người xa lạ vẫn còn có thể cho nhau những tình cảm mà không cần phải hoài nghi điều gì. Chỉ cần có vậy thôi.
Cô chạy xe giữa màn mưa, thật dễ tránh ánh mắt tò mò của mọi người khi cô đang khóc. Đi dưới mưa thế này sẽ không ai phân biệt được nước mưa hay nước mắt.
4. Cô đặt tên cho số điện thoại lạ kia là Người dưng. Cô và Người dưng nhắn tin qua lại mỗi ngày. Giữa hai người không có bất cứ thông tin gì về nhau và cô hài lòng về điều đó. Nghĩa là cô có thể chia sẻ mọi chuyện một cách thoải mái nhất. Cả những điều mà cô không thể chia sẻ với bất cứ ai. Cô cảm nhận được sự ấm áp tăng dần trong khoảng trống tâm hồn. Nhiều lần cô tự hỏi có hay không sự đồng cảm giữa những người không biết mặt nhau. Cô đang cố học theo một cuốn sách tâm lý có chỉ ra rằng: tại sao con người cứ để những u ám, buồn bã ảnh hưởng mà không là niềm vui? Trong cuốn sách có hẳn một chương dạy cho mình làm thế nào để ảnh hưởng những điều tốt đẹp vào cuộc sống. Bằng cách học làm diễn viên. Nghĩa là mình sẽ đóng vai mình muốn. Một vai tươi vui, yêu đời, lạc quan, hay một vai của người con gái đang yêu và được yêu, tâm hồn lúc nào cũng phơi phới. Chỉ là đóng giả thôi, nhưng đến một ngày nào đó, nó sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống thật của mình. Mình sẽ nhập hẳn vào vai tích cực như thế.
Cô nhập vai xuất sắc và đắm chìm trong vai diễn đến khi cô nhận ra Người dưng có một vị trí quan trọng với cô. Mỗi sáng thức giấc, cô cuống cuồng tìm điện thoại chỉ để kiểm tra tin nhắn của Người dưng. Trong tình yêu, cô không có bất cứ chiêu trò gì, thích nói thích, yêu nói yêu, giận nói giận. Cô vẫn chưa biết Người dưng của cô thực ra là người như thế nào, nhưng cô vẫn thấy ấm lòng với sự quan tâm của Người dưng qua những dòng tin nhắn. Với cô như vậy là đủ. Cô đã dần lấy lại cân bằng trong cuộc sống kể từ ngày mẹ ra đi. Cô thoát ra được cơn bấn loạn sau mỗi giấc ngủ. Cô không còn thấy chênh chao và tự hỏi mình là ai, tại sao mình ở đây, mình tồn tại trên đời này là vì điều gì... Cô cảm thấy biết ơn.
5. Vị bác sĩ nhìn cô với ánh mắt phấn khởi: “Bệnh của cô tiến triển theo chiều hướng tốt rồi đó. Nhanh chóng hồi phục hoàn toàn nhé! Tôi không muốn tuần nào cũng gặp cô như thế này đâu”. Cô mỉm cười lễ phép: “Dạ, dạo này cháu thấy ổn hơn rồi”. Sáu tháng trước khi đặt chân đến đây, cô vẫn không tin có thứ bệnh gọi là trầm cảm mà người ta phải dùng thuốc điều trị. Những ngôn ngữ y khoa được giải thích rất cặn kẽ mà không bao giờ cô nhớ nổi trọn câu. Nhưng cô vẫn đến đây chỉ vì muốn làm đủ mọi cách để tồn tại, để níu kéo cuộc sống này. Cái chết luôn có sức mê hoặc đối với cô, chết là thanh thản nhất, bình yên nhất. Cô nhốt mình trong phòng trong suốt thời gian dài. Những viên thuốc đủ mọi hình thù, đắng nghét được cô nuốt chửng, và hy vọng nó có thể khiến cô tươi vui, yêu đời trở lại. Ngay cả khi không còn gì để cô bám víu...
Cô rời khỏi bệnh viện, lấy máy nhắn cho Người dưng: “Em sợ mưa và sợ cả bệnh viện nữa”. Cô muốn nhắn thêm rằng từ nay cô sẽ không phải trở lại bệnh viện, nhờ có Người dưng... Nhưng cô ngưng lại. Vì cô biết Người dưng hiểu cả những điều cô không nói.
Bình luận (0)