Kế hoạch châu Á của hải quân Anh

22/01/2019 07:59 GMT+7

Hải quân Anh đang đẩy mạnh các hoạt động tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm kế hoạch phối hợp với lực lượng Pháp.

Theo tờ Borneo Bulletin, tàu hộ vệ tên lửa HMS Argyll của hải quân hoàng gia Anh sẽ cập cảng Muara ở Brunei vào hôm nay 22.1, tiếp tục các hoạt động trong khu vực sau khi lần đầu diễn tập với hải quân Mỹ ở Biển Đông hồi tuần trước. Trong khi đó, tàu hộ vệ HMS Montrose của nước này cũng vừa rời căn cứ Devonport (New Zealand) sau chuyến thăm đầu tiên trong hơn 20 năm qua. Theo lịch trình, tàu Montrose sẽ được điều đến Bahrain. Chỉ huy tàu, trung tá Conor O'Neill cho biết việc đồn trú tại Bahrain mang lại lợi thế lớn trong trường hợp cần nhanh chóng triển khai tàu đến Thái Bình Dương. “Chúng tôi ở đó để hỗ trợ an ninh hàng hải hằng ngày như giữ cho tuyến đường biển thông thoáng, chống khủng bố và hợp tác trong các vấn đề an ninh hàng hải nói chung với đồng minh và đối tác khu vực”, Đài RNZ dẫn lời ông O’Neill nói.
Giới quan sát nhận định những diễn biến nói trên cho thấy Anh đang triển khai đẩy mạnh hoạt động ở châu Á - Thái Bình Dương, một phần trong chiến lược tăng cường hiện diện toàn cầu sau khi nước này rời EU (Brexit). Tờ The Telegraph dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết hải quân nước này sẽ duy trì “sự hiện diện không thể phá vỡ” ở khu vực từ năm 2019 trở đi. Ông Williamson cũng tiết lộ ý định lập căn cứ ở Singapore hoặc Brunei hướng ra Biển Đông và nhấn mạnh: “Đây là thời khắc để Anh xây dựng lại vị thế có thể đảm nhiệm vai trò được mong đợi trên trường quốc tế”. Tháng 10.2018, Tư lệnh Hải quân hoàng gia Anh Philip Jones khẳng định sẽ triển khai tàu chiến đến Biển Đông để góp phần duy trì tự do hàng hải trong khu vực. Theo chính phủ Anh, những động thái này nhằm “góp phần bảo vệ trật tự toàn cầu dựa trên luật pháp, trong đó có tự do hàng hải”.
Bên cạnh đó, theo báo Asia Times, Anh đang có kế hoạch phối hợp với Pháp để tăng cường hoạt động ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là trong đảm bảo tự do hàng hải và ứng phó nguy cơ quân sự hóa phi pháp ở Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly đã thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay Charles de Gaulle sẽ được điều đến khu vực trong năm nay. “Là quốc gia châu Âu duy nhất duy trì sự hiện diện thường trực ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Pháp tham gia hợp tác khu vực nhằm đảm bảo việc tôn trọng luật pháp quốc tế”, Bộ Quốc phòng nước này nhấn mạnh trong một thông cáo. Về phần mình, Bộ Quốc phòng Anh cho biết khi cả 2 hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth và HMS Prince of Wales sẵn sàng hoạt động trong tương lai gần, 2 nước sẽ có thể điều nhóm tác chiến tàu sân bay cùng đến khu vực.
Chuyên san The Diplomat dẫn phân tích của Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc cho rằng trong thời hậu Brexit, Anh sẽ tập trung nhiều hơn vào châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Biển Đông là nơi chiếm 12% lượng giao thương hàng hóa của nước này. Nguyên nhân do Anh cần phải đưa ra các chính sách cũng như vai trò mới ở vị thế độc lập với EU và khu vực nói trên là một trong những tiêu điểm để London đóng góp nỗ lực duy trì ổn định và tăng cường an ninh toàn cầu. Bên cạnh đó, Anh sẽ muốn tận dụng cơ hội từ tăng trưởng kinh tế của khu vực cũng như hướng tới đàm phán thương mại tự do với VN, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.