“Kiếm tiền đã khó, giữ tiền khó hơn”, chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh đã đưa ra nhận xét như vậy khi cho rằng người kiếm được nhiều tiền nhưng không thực hiện quản lý tài chính cá nhân tốt sẽ chẳng giữ lại được bao nhiêu, ngược lại những người kiếm ít tiền hơn nhưng quản lý tài chính tốt thì tích lũy nhiều hơn.
“Mất bò mới lo làm chuồng”
Cũng theo ông Minh, hầu hết người Việt hiện chưa có thói quen về quản lý tài chính, thậm chí các bậc phụ huynh còn tự hào “con tôi lớn vậy nhưng không biết xài tiền”. Trong khi đó, ở nước ngoài người lớn dạy trẻ cách kiếm tiền và tiêu tiền ngay từ nhỏ để chúng thấy được giá trị của đồng tiền và cách sử dụng hợp lý. Một đứa trẻ muốn có tiền để làm những việc nó thích như mua đồ chơi, bánh kẹo… sẽ phải làm những công việc nhà.
Đồng quan điểm, TS Bùi Quang Tín, giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, cũng cho rằng: “Người Việt hoặc là không biết, hoặc biết nhưng không thực hiện quản lý tài chính cá nhân”.
|
Vạch kế hoạch chi tiêu chi tiết
Theo TS Bùi Quang Tín, để quản lý tài chính hiệu quả, cá nhân cần xác định nhu cầu về tài chính hằng tháng, hằng quý, hằng năm. Trong trường hợp cá nhân có gia đình, trong bảng kế hoạch tài chính phải có nhu cầu cho cả gia đình, gồm các nhu cầu cơ bản như chi phí sinh hoạt, đào tạo, du lịch, giải trí…, cùng những nhu cầu cao hơn như đầu tư, mua nhà đất... Đối với nhu cầu đầu tư sinh lời, cá nhân cần lựa chọn đầu tư phù hợp với kiến thức, kinh nghiệm của mình nhằm cho khả năng sinh lời tốt nhất. Bước kế tiếp, cá nhân thực hiện giám sát quá trình quản lý tài chính và thay đổi khi cần thiết. Chẳng hạn, khi đầu tư vào bất động sản, dự kiến tỷ suất lợi nhuận đạt được 15% trong vòng 6 tháng, nhưng thực tế giá bất động sản không đạt được đến mức này thì phải xem lại nguyên nhân và đưa ra giải pháp kịp thời.
Chuyên gia Huỳnh Trung Minh cho hay nhiều người đưa ra được kế hoạch tài chính nhưng lại không có tính kỷ luật, dẫn đến không tích lũy được. “Trong quản lý tài chính, yêu cầu tính kỷ luật rất cao. Chẳng hạn như khi đứng trước những chương trình giảm giá 50% hay cao hơn, nhiều cá nhân mua sắm vượt quá mức chi tiêu hằng tháng đề ra. Nhiều người có xu hướng chi tiêu trước, còn lại bao nhiêu mới tiết kiệm, làm như vậy sẽ khó tiết kiệm đúng kế hoạch”, ông Minh nói và khuyên “hãy dành ra trước một tỷ lệ phần trăm nhất định trong thu nhập để tiết kiệm, phần còn lại mới dùng cho tiêu xài”.
Bình luận (0)