Kế hoạch 'khai tử' lò mổ thủ công tại TP.HCM lại trễ hẹn

07/12/2019 15:38 GMT+7

Sở NN-PTNT TP.HCM mới đây xin gia hạn thời gian hoạt động các cơ sở giết mổ thủ công hiện hữu trên địa bàn thành phố đến ngày 31.12.2020, thay vì cuối quý 3/2019 như kế hoạch cũ.

Lý do được Sở này đưa ra nhằm đảm bảo nhu cầu thực phẩm an toàn chất lượng cho người dân vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Lý do chính nữa các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp trên địa bàn thành phố dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động đã không đúng tiến độ.
Cụ thể, theo Quyết định số 300 của UBND TP.HCM về việc bố trí nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn, thì hết quý 3, tức đến 30.9.2019, TP.HCM sẽ đưa vào hoạt động 6 nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp hiện đại có quy mô lớn tổng công suất 13.000 con/ngày. Song song đó, thành phố sẽ cho ngưng hoạt động đối với tất cả cơ sở giết mổ thủ công hiện hữu trên địa bàn thành phố.
Theo đó, các cơ sở giết mổ thủ công sẽ phải đóng cửa bao gồm: cơ sở Sơn Vàng, Phước Kiến, Tân Phú Trung, Hòa Phú, Phú Hòa Đông, Tân Thạnh Đông, Xuyên Á. Trong có, cơ sở Xuyên Á (huyện Củ Chi) là có quy mô lớn nhất, với công suất giết mổ lên tới 5.000 con/ngày, nhưng từng bị dừng hoạt động do vụ tiêm thuốc an thần vào 3.700 con heo tại lò mổ này hồi tháng 10.2017, sau đó được phép hoạt động lại nhưng chỉ với công suất 1.500 con/ngày.
Theo kế hoạch, 6 nhà máy giết mổ gia súc quy mô công nghiệp được đưa vào theo kế hoạch gồm: Nhà máy giết mổ gia súc Xuân Thới Thượng của Công ty CP chế biến thực phẩm Hóc Môn (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn), với công suất giết mổ thiết kế là 2.000 con heo/ngày; Nhà máy giết mổ gia súc của Công ty TNHH Lộc An (tại xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi), với công suất 2.160 con heo/ngày; Nhà máy giết mổ gia súc tại xã Tân Thạnh Tây (huyện Củ Chi), công suất 2.000 con heo/ngày; Nhà máy giết mổ gia súc của Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ (xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi), công suất 3.000 con heo/ngày; Nhà máy thực phẩm Tân Hiệp (xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn), công suất 2.000 con heo/ngày; Nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp tại xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi, công suất giết mổ dự kiến 1.000 con heo/ngày.
Kế đó, cũng theo kế hoạch, đến ngày 31.12.2019, sẽ đưa vào hoạt động nhà máy giết mổ bò, dê, cừu của HTX Tân Hiệp tại xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, công suất giết mổ 50 con bò/giờ, 200 con dê, cừu/giờ. Đưa vào hoạt động 2 nhà máy giết mổ gia cầm tại huyện Củ Chi (thay thế Trung tâm giết mổ gia cầm An Nhơn) là Nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm của Công ty TNHH thương mại sản xuất thịt an toàn và dinh dưỡng tại xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, công suất giết mổ 150.000 con/ngày; Nhà máy giết mổ gia cầm của Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV với công suất giết mổ 100.000 - 150.000 con/ngày.
Tuy nhiên, theo báo cáo, khi thực hiện dự án, các doanh nghiệp đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý dự án, nhất là thủ tục hành chính khiến tiến độ thực hiện các dự án so với kế hoạch đề ra bị kéo dài. Theo Sở NN-PTNT TP.HCM, nếu ngưng ngay hoạt động các cơ sở giết mổ thủ công hiện tại trong bối cảnh các lò mổ công nghiệp chưa hoàn thành, khả năng rất lớn các thương lái sẽ di chuyển về các tỉnh giết mổ, sau đó đưa heo về thành phố tiêu thụ, với số lượng bình quân 5.600 con heo/ngày. Như vậy, việc quản lý dịch bệnh và an toàn thực phẩm cho thành phố gặp nhiều khó khăn.
Tính đến tháng 10.2019, TP.HCM có 3 nhà máy giết mổ công nghiệp (Vissan, Xuân Thới Thượng, Xí nghiệp thực phẩm Sagri) và 11 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thủ công. Số lượng giết mổ bình quân hằng đêm trên địa bàn thành phố là 7.300 con heo và 90.000 con gà. Trong đó, 3 nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp, công suất hằng đêm khoảng 1.700 con heo (chiếm 23,28%). Tuy nhiên, theo Sở NN-PTNT TP.HCM, 2 nhà máy giết mổ công nghiệp mới hình thành là Xuân Thới Thượng (công suất mới đạt 550 con heo/ngày) và Sagri (công suất mới đạt 75 con heo/ngày) hoạt động chưa thực sự hiệu quả và chưa đạt được công suất theo thiết kế ban đầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.