Kế hoạch mới cho Ukraine: Châu Âu cấp quân, Mỹ yểm trợ - nhưng liệu có dễ dàng?

Kế hoạch mới cho Ukraine: Châu Âu cấp quân, Mỹ yểm trợ - nhưng liệu có dễ dàng?

24/02/2025 07:00 GMT+7

Khi Mỹ và Nga thảo luận để tìm cách kết thúc cuộc xung đột ở Ukraine, giới lãnh đạo chính trị và quân sự ở châu Âu đang đưa ra chi tiết về một kế hoạch để đảm bảo an ninh cho Ukraine một khi có thỏa thuận ngừng bắn.

Nhiều khả năng đề xuất mới cho Ukraine sẽ nằm trong chương trình nghị sự khi Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến thăm Washington trong tuần tới để hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Thủ tướng Starmer nhấn mạnh rằng kế hoạch sẽ không thành nếu không có sức mạnh quân sự của Mỹ hỗ trợ. Nhưng việc thuyết phục ông Trump ủng hộ nó có thể là một nhiệm vụ khó khăn.

Kế hoạch mới cho Ukraine là gì?

Sự đảm bảo an ninh mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mong muốn nhất là tư cách thành viên NATO. Các thành viên châu Âu của liên minh quân sự này vẫn ủng hộ mục tiêu đó, nhưng Mỹ có vẻ đã loại bỏ mục tiêu này khỏi bàn đàm phán, cùng với hy vọng của Ukraine về việc giành lại 20% lãnh thổ bị Nga kiểm soát.

Kế hoạch mới cho Ukraine: lực lượng châu Âu, viện trợ Mỹ; nhưng liệu có dễ dàng? - Ảnh 1.

Thủ tướng Anh Keir Starmer phát biểu trước quân nhân trên tàu HMS Iron Duke tại Tallinn (Estonia), ngày 17.12.2024

ẢNH: REUTERS

Trong trường hợp không có tư cách thành viên NATO, ông Zelensky đã nói rằng có thể cần hơn 100.000 quân châu Âu ở Ukraine để đảm bảo xung đột không bùng phát trở lại sau khi đạt được lệnh ngừng bắn.

Tuy nhiên, các quan chức phương Tây cho biết nội dung đang được thảo luận là một “lực lượng trấn an”, chứ không phải là đội quân gìn giữ hòa bình được bố trí dọc theo tiền tuyến dài 1.000km ở miền đông Ukraine.

Mỹ nói sao?

Tổng thống Trump tin rằng các đồng minh NATO chưa làm hết trách nhiệm, và châu Âu phải làm nhiều hơn nữa cho an ninh của chính mình. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth tuyên bố “Mỹ sẽ không triển khai quân đội tới Ukraine”, nhưng không loại trừ khả năng Mỹ hỗ trợ về mặt vận tải hàng không hoặc hậu cần.

Trong khi đó, Nga đã thẳng thừng bác bỏ ý tưởng trên. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói việc triển khai quân đội từ các quốc gia NATO, kể cả khi không sử dụng danh nghĩa của liên minh, “chắc chắn sẽ không thể chấp nhận được” đối với Moscow.

Thành viên NATO nào có thể tham gia?

Anh, Pháp, các nước thuộc vùng Bắc Âu và Baltic là những thành viên NATO gần Nga nhất, có vẻ như sẽ đóng vai trò chính trong bất kỳ lực lượng nào được đưa đến Ukraine.

Ý có giới hạn hiến pháp về việc sử dụng quân đội. Ở một số nước khác như Hà Lan, việc triển khai quân đội sẽ cần sự chấp thuận của quốc hội.

Ba Lan cho biết nước này sẽ không gửi quân sang láng giềng Ukraine. Đức cũng nói rằng còn “quá sớm” để thảo luận về một lực lượng an ninh do châu Âu lãnh đạo.

Binh sĩ Ukraine thề quyết tâm chiến đấu, dù ‘có hay không có’ Mỹ kề bên

Khả năng thành công?

Quân đội Pháp có khoảng 200.000 binh lính, trong khi con số này ở Anh là ít hơn 150.000. Theo ông Matthew Savill, Giám đốc khoa học quân sự tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh, châu Âu sẽ gặp nhiều khó khăn để lập ra một lực lượng chung, dù số lượng chỉ là hàng chục ngàn người, cho một nhiệm vụ có thể kéo dài trong vài năm.

Trên thực tế, một nhiệm vụ như vậy có có thể kéo dài hơn nữa. Ông Michael Clarke, giáo sư thỉnh giảng về nghiên cứu chiến tranh tại King's College London, lưu ý rằng lực lượng gìn giữ hòa bình ở Đảo Síp và Li Băng đã được duy trì trong nhiều thập niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.