Kế hoạch siêu đại bác của quân đội Mỹ

23/10/2019 09:00 GMT+7

Lục quân Mỹ đang tăng tốc kế hoạch chế tạo đại bác tầm xa chiến lược có tầm bắn lên đến 1.850 km, tương đương tên lửa tầm trung.

Theo trang Defense News, một quan chức quân đội Mỹ vừa xác nhận kế hoạch chế tạo đại bác tầm xa chiến lược (SLRC) trang bị cho Lục quân với tầm bắn lên đến 1.850 km sắp “vượt qua ngưỡng lớn về công nghệ” với giai đoạn thử nghiệm quan trọng.
“Chúng tôi sắp phá vỡ một trong các ngưỡng đó khi thử nghiệm tại Cơ sở hỗ trợ hải quân Dahlgren ở Virginia trong thời gian tới”, ông John Rafferty, Giám đốc bộ phận vũ khí chính xác tầm xa của Lục quân, tiết lộ và cho biết thêm rằng đây là giai đoạn “thử nghiệm đạn đạo sớm”.

Những giới hạn tầm bắn

Thông tin về công nghệ cũng như chi phí dự kiến để chế tạo một nguyên mẫu siêu đại bác đều được giữ tuyệt mật, trong khi một đại bác có tầm bắn tương đương tên lửa tầm trung sẽ mang lại lợi thế vô kể cho Lục quân khi tác chiến.
Theo trang Popular Mechanics, pháo hạng nặng nhất của quân chủng này là khẩu lựu pháo tự hành M109A6 Paladin 155 mm với tầm bắn 40 km.
Trước đó từ năm 1941 - 1945, khẩu pháo khổng lồ Schwerer Gustav từng được Đức Quốc xã sử dụng với chiều dài 47 m, cao 12 m và nặng 1.350 tấn, bắn ra đạn nặng 10 tấn qua nòng dài 30 m và có thể bay xa 37 km. Đến sau năm 1980, kỹ sư người Canada Gerald Bull theo đuổi dự án chế tạo pháo hạng nặng System 350 cho chính quyền Iraq dưới thời ông Saddam Hussein. Theo thiết kế, pháo có đường kính nòng lên đến 350 mm, bắn đạn nặng 136 kg với cự li lên đến 426 km. Tuy nhiên, ông Bull bị ám sát vào năm 1990 và System 350 chưa bao giờ trở thành hiện thực.
Kế hoạch siêu đại bác của quân đội Mỹ1

Các binh sĩ Mỹ diễn tập khai hỏa lựu pháo M198 155 mm

Ảnh: Quân đội Mỹ

Đại bác “ngàn dặm”

Khác với những khẩu pháo thông thường dùng đạn chứa thuốc nổ tạo áp lực phía sau vỏ đạn trong nòng súng khi khai hỏa, đại bác “ngàn dặm” trong kế hoạch của Lục quân Mỹ có khả năng là khẩu pháo cỡ lớn với đạn được động cơ rốc két hỗ trợ. Ông Rafferty cho biết đại bác mới sẽ dựa trên “nguyên tắc đã được chứng minh, và chúng tôi nâng quy mô những thứ mà chúng tôi đã làm”.
Từ thông tin khái quát này, các chuyên gia loại trừ khả năng sử dụng công nghệ súng điện từ vì súng này không thể bắn xa đến 1.850 km. Một căn cứ nữa là Lục quân từng tiết lộ mỗi phát đạn có chi phí khoảng 500.000 USD (11,6 tỉ đồng), đắt hơn so với chi phí khi bắn súng điện từ.
Với xu hướng chuyển từ chiến tranh du kích sang chiến tranh giữa các thế lực lớn, việc bộ binh sử dụng đại bác chiến lược tầm xa sẽ tạo lợi thế lớn khi tấn công các mục tiêu ở xa mà không phải mất thời gian và phương tiện để phối hợp với các lực lượng khác như Không quân.
Theo Defense News, cho đến nay Lục quân Mỹ chủ yếu dựa vào hỗ trợ của Không quân. Hiện bộ binh Mỹ cùng các trung tâm phân tích của quân đội đang xúc tiến kế hoạch và dự kiến sẽ cho ra đời mẫu đại bác tiên tiến nhất vào năm 2023.
Theo tạp chí National Defense, Tư lệnh Lục quân Mỹ James McConville vừa thông báo sẽ tiến hành một trong các cuộc tập trận quy mô nhất kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, nhằm đối phó với Nga và Trung Quốc. Thông tin được đưa ra tại một cuộc họp ngày 15.10. “Sau đó, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trận tương tự tại Thái Bình Dương”, ông phát biểu và cho biết quân chủng này sẽ tiếp tục phát triển công nghệ mới trong kế hoạch ưu tiên hiện đại hóa về hỏa lực chính xác tầm xa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.