Kế hoạch theo dõi mạng xã hội ở Thái Lan

26/06/2017 09:33 GMT+7

Chính phủ Thái Lan lên kế hoạch chi hơn 3 triệu USD để trang bị công nghệ theo dõi mạng xã hội trong một động thái đang gây tranh cãi dữ dội.

Bộ Kinh tế Kỹ thuật số Thái Lan dự định chi 128,56 triệu baht (3,8 triệu USD) mua nhiều loại phần mềm, bao gồm “hệ thống phân tích dữ liệu mạng xã hội” nhằm giám sát hoạt động trên mạng của hàng triệu người. “Phần mềm sẽ quét và lưu trữ tất cả dữ liệu trên mạng xã hội để phân tích và giám sát. Chính phủ sẽ mở đấu thầu để tìm nhà cung cấp”, Reuters dẫn lời ông Teerawut Thongpak, Giám đốc Cơ quan Hạ tầng dịch vụ kỹ thuật số thuộc Bộ Kinh tế Kỹ thuật số, cho biết.
“Xâm phạm quyền riêng tư”
Chính phủ tuyên bố động thái này nhằm phát hiện hành động vi phạm luật chống phỉ báng. Kể từ cuộc đảo chính tháng 5.2014 ở Thái Lan, nhiều người đã bị bắt với cáo buộc đăng tải bình luận, tài liệu phỉ báng hoàng gia và chính quyền quân sự trên Facebook và trang mạng xã hội khác. Theo số liệu từ nhóm nghiên cứu pháp lý iLaw, đến nay đã có 59 người bị kết tội vì bình luận của họ trên mạng từ sau đảo chính. Mới đây, một người đàn ông lãnh án 35 năm tù giam, mức hình phạt nặng nhất từ trước đến nay liên quan đến phát ngôn trên mạng tại Thái Lan. Chính quyền quân sự cũng đã yêu cầu Facebook chặn khoảng 300 nội dung trong vòng 6 tháng đầu năm 2017, tăng mạnh so với 80 bình luận bị chặn trong giai đoạn từ giữa năm 2014 đến cuối năm 2016.
Ngoài phần mềm giám sát, chính phủ cũng đang nỗ lực vận động quốc hội thông qua một dự luật an ninh mạng vào cuối năm 2017, bất chấp các tổ chức dân sự, doanh nghiệp và người dân lo ngại chính phủ muốn giám sát đại trà, ảnh hưởng đến quyền riêng tư. Giới quan sát nhận định dự luật mới là biện pháp can thiệp sâu hơn vào hoạt động trên mạng so với luật Tội phạm tin học vừa được điều chỉnh gần đây. Theo dự luật, cơ quan chức năng có quyền kiểm duyệt và chặn bất kỳ nội dung nào trên mạng. “Dự luật này cho phép chính quyền tiếp cận dữ liệu của đối tượng khả nghi, nhưng có thể đe dọa quyền riêng tư của người dân”, chuyên gia an ninh mạng Bhume Bhumiratana thuộc Công ty G-Able chia sẻ.
Bảo đảm an ninh quốc gia
Dự luật mới do Ủy ban An ninh mạng quốc gia soạn thảo với sự chỉ đạo của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha còn buộc tất cả doanh nghiệp tư nhân phải hỗ trợ trong công tác điều tra. Một số điều khoản khác cho phép giới hữu trách buộc bất kỳ ai phải cung cấp thông tin và tịch thu tất cả thiết bị điện tử bao gồm điện thoại và máy tính “trong tình huống khẩn cấp” mà không cần trát tòa án. Bên cạnh đó, các nhà mạng cung cấp internet phải gỡ bỏ, chặn các nội dung và website “nhạy cảm” khi được yêu cầu.
Ông Somsak Khaosuwan, một quan chức thuộc Bộ Kinh tế Kỹ thuật số, quả quyết dự luật và phần mềm theo dõi mạng xã hội không xâm phạm quyền riêng tư và chỉ phục vụ mục đích chính là đảm bảo an ninh quốc gia. Giám đốc Trung tâm an ninh mạng của quân đội Rittee Intarawut cho rằng nếu hoạt động tuân thủ trên mạng xã hội thì không có gì phải lo lắng. “Người dân không việc gì phải sợ nếu không làm điều sai trái”, ông tuyên bố. Trong khi đó, tờ The Bangkok Post ngày 25.6 đăng bài xã luận lên án ý định mà báo này cho là “theo dõi, nghe lén, tịch thu và bắt bớ bất kỳ ai mà không cần trát tòa án”. “Trước đây, chính phủ đã thiếu minh bạch về việc mua phần mềm gián điệp Galileo từ công ty Ý Hacking Team hồi năm 2015. Giờ họ công khai kế hoạch mua phần mềm giám sát với số tiền cao gấp 10 lần”, bài xã luận viết.
Không chỉ riêng ở Thái Lan, chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang cấp tập trang bị công nghệ giám sát mạng xã hội nhằm thu thập dữ liệu về các nhóm chống đối cũng như những đối tượng bị nghi là có xu hướng cực đoan. Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học New York phát hiện nhiều cơ quan chính phủ Mỹ chi trên 5,82 triệu USD cho phần mềm giám sát mạng xã hội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.