Kế hoạch tiếp xúc người ngoài hành tinh

03/07/2020 14:22 GMT+7

Mỹ và Nhật Bản bắt đầu tính chuyện giao tiếp, ứng xử với người ngoài hành tinh trong khi giới khoa học đang đẩy mạnh tìm kiếm dấu hiệu của sự sống trong vũ trụ.

Theo tờ Asahi Shimbun, nhiều nước đang đẩy mạnh tìm kiếm sự sống trong không gian, dẫn đến câu hỏi con người cần làm gì khi tiếp xúc, tương tác với người ngoài hành tinh và xã hội của họ, nếu có. Vấn đề này mới đây đã được Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đề cập và công khai một tài liệu năm 1968 khuyến cáo nên theo “cách của người Nhật” vì họ là một ví dụ tốt về “đồng hóa những công nghệ khác và duy trì bản sắc, ngay cả khi công nghệ của họ thấp hơn”.
Bên cạnh đó, NSA cho rằng nếu thường xuyên giao tiếp với người ngoài hành tinh, con người cần theo “phong cách thân thiện của người Nhật và hăm hở học hỏi mọi thứ từ các nền văn hóa khác, cũng như hợp tác tốt với họ”.
Nhằm chuẩn bị cho những lần chạm trán đầu tiên với người ngoài hành tinh, Nhật Bản đang soạn thảo các giao thức khi phát hiện vật thể bay không xác định (UFO) của họ. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Taro Kono cho hay các phi công thuộc lực lượng phòng vệ nước này chưa từng chạm trán UFO như các phi công Mỹ, nhưng Nhật vẫn sẽ chuẩn bị quy trình cho khả năng này.
Theo The Japan Times, hiện Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật (ASDF) sẽ điều các tiêm kích tại 7 căn cứ trải dài từ Hokkaido đến Okinawa để quan sát và nhận diện các máy bay lạ. Theo quy trình, các phi công Nhật sẽ dùng tiếng Anh kêu gọi các máy bay lạ tránh xa không phận và sử dụng ngôn ngữ phù hợp nếu phát hiện quốc tịch. Nếu phát hiện xâm phạm không phận, ASDF có thể bắn cảnh cáo và buộc hạ cánh.
Tuy nhiên, chưa rõ quy trình đang soạn thảo của Bộ Quốc phòng dành cho UFO của người ngoài hành tinh có áp dụng quy trình tương tự hay không, cũng như sẽ dùng tín hiệu gì giúp họ hiểu thông điệp.
Tại Mỹ, hiện các nhà khoa học tại Trung tâm vật lý thiên văn Harvard & Smithsonian cùng Đại học Rochester đang phối hợp triển khai dự án tìm kiếm dấu hiệu sự sống thông qua dấu hiệu công nghệ (technosignature). Theo trang Phys.org, dự án được Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cấp vốn và là gói tài trợ đầu tiên của cơ quan này dành riêng cho việc tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh trong hơn 3 thập niên qua.
Các nhà nghiên cứu cho rằng dù sự sống tồn tại ở nhiều dạng, các nguyên tắc khoa học vẫn không khác biệt và dấu hiệu công nghệ ở trái đất cũng sẽ có thể được nhận diện theo cách tương tự bên ngoài hệ mặt trời.
“Những dấu hiệu công nghệ có thể bao gồm tình trạng ô nhiễm không khí do hoạt động công nghiệp, chiếu sáng đô thị, các tấm pin điện mặt trời, hoặc mạng lưới vệ tinh”, tờ Independent dẫn lời Giáo sư Avi Loeb tại Đại học Harvard giải thích.
Đầu tiên, các nhà nghiên cứu sẽ tìm kiếm 2 tín hiệu chính: các tấm pin điện mặt trời và sự ô nhiễm không khí. Mục tiêu tiềm năng có lẽ là Proxima Centauri, hệ sao gần trái đất nhất. Giới thiên văn học tin rằng dự án mới sẽ mang lại cơ hội thành công lớn hơn so với quá khứ, vì nhân loại đã đạt được bước tiến dài trong lĩnh vực tìm kiếm những thế giới khác, cũng như nắm được những yếu tố cần thiết để các hành tinh có thể duy trì sự sống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.