Từ hôm trước, các tác giả đoạt giải và khách mời ở nhiều tỉnh thành đã tề tựu về địa điểm trao giải là khách sạn Kỳ Hòa (đường Trần Phú, TP.Vũng Tàu). Đây là một khách sạn nằm bên biển và có kiến trúc khá đẹp. Những câu chuyện tâm tình bên lề, có lẽ cũng ấm áp và vui vẻ không kém gì lúc lên nhận giải thưởng. Có thể nói Ban tổ chức đã thiết kế một lễ trao giải chu đáo, mang lại nhiều cảm xúc.
Từ Tây Ninh, cụ bà Nguyễn Như Sương (92 tuổi) cùng các con cháu, dâu rể; một đoàn 10 người về tham dự. Có dịp tiếp xúc và tìm hiểu, mới biết đây là một "gia đình vui vẻ", "gia đình là số 1" theo kiểu miền Đông Nam bộ. Dường như các thành viên trong gia đình không có khoảng cách với nhau, như một hội bạn thân, nhưng vẫn giữ tôn ti trật tự, yêu thương và kính nhường. Có lẽ gia đình cụ Nguyễn Như Sương là một ví dụ thú vị về tính cách người miền Đông.
Dường như việc đoạt giải hay không cũng không mấy quan trọng. Các tác giả gặp gỡ, sẻ chia nhiều câu chuyện cuộc sống, và dĩ nhiên không ngoài câu chuyện miền Đông. Thật cảm động và khâm phục khi nghe tác giả Én Nhỏ (tác giả đoạt giải ba với tác phẩm Con kênh tự tình) kể về hành trình một đứa bé mắc bệnh xương thủy tinh, không được tới trường, tự học đọc học viết và luôn bày tỏ lòng biết ơn cuộc sống bằng cách hóa thân làm người kể chuyện. Én Nhỏ không lấy chuyện đời mình ra kể để mua nước mắt, mà kể chuyện làng xóm, chuyện những người xung quanh, điều đó thật đáng trân trọng.
Tác giả Trần Đại (đoạt giải nhất với tác phẩm Sóc Chơ Ro ở Lý Lịch ngày ấy và bây giờ) từ Bảo Lộc (Lâm Đồng) về Vũng Tàu dự lễ trao giải với nhiều cảm xúc khó tả. Ông tự nhận mình không phải nhà văn, nhà báo, chỉ là một hướng dẫn viên du lịch bình thường, nhưng chính câu chuyện của người đồng bào Chơ Ro khiến ông xúc động và cầm bút viết. Niềm xúc động ấy nằm ở chỗ sự cho đi tới tận cùng của người Chơ Ro. Cho mà không hề nghĩ tới sự nhận lại. Đó cũng là đặc tính hào sảng của người miền Đông.
Dường như mỗi tác giả khi kể câu chuyện của mình đều cố ý nâng niu tính cách sống đẹp của người miền Đông Nam bộ. Nhưng tựu trung vẫn là những câu chuyện đời thường, quá đỗi gần gũi, mộc mạc. Nhà giáo Nguyễn Hữu Nhân đến từ Đồng Tháp (giải khuyến khích với tác phẩm Chị Võ Thị Sáu trong lòng người miền Tây) chia sẻ câu chuyện từ chuyến đi về H.Đất Đỏ (thời điểm sau năm 1975) lấy tư liệu về anh hùng Võ Thị Sáu để rồi sau đó nảy sinh việc làm tượng đặt trong phòng truyền thống nhà trường. Cả trường mỗi người một tay, gom góp từ những đồng tiền "kế hoạch nhỏ" để thuê một nhà điêu khắc ở Vĩnh Long làm giùm. Khi làm xong, vì không có ô tô riêng, cũng không thể chở bằng xe gắn máy, thầy giáo phải ôm pho tượng đi xe đò, phập phồng "suýt rụng tim" mấy chục cây số đường gập ghềnh. Đó có lẽ là một kiểu chuyện cổ tích thời nay.
Tác giả đoạt giải Hào khí miền Đông: ‘Cảm ơn cuộc thi đã cho em cơ hội để viết’
"Miền Đông gian lao mà anh dũng", "miền Đông nghĩa tình", "tình đất đỏ miền Đông", "miền Đông - miền đất hứa"…, tên gọi hay nhận định nào cũng chạm vào sự thật và chạm vào trái tim chúng ta.
Cảm ơn Báo Thanh Niên đã tổ chức một cuộc thi viết mang tính khơi gợi nhiều ý nghĩa nhân văn. Những câu chuyện trong Hào khí miền Đông chắc chắn sẽ còn được kể lại tới những đời sau.
Bình luận (0)