'Kê Mao Công' trong kiếm hiệp Kim Dung được lũ con nít xưa 'luyện' khi ăn đòn

02/11/2018 21:09 GMT+7

Tiễn nhà văn kiếm hiệp Kim Dung qua bên kia thế giới, trong tôi chợt ùa về ký ức của những ngày xưa thân ái - thời có những bậc "anh hùng hào kiệt" sử dụng thiện nghệ ngón võ Kê Mao Công.

Thời những năm 60 - 70, ở miền Nam đọc báo là món ăn tinh thần không thể thiếu và ăn sâu vào sinh hoạt của mọi người, mọi giới. Đó cũng là thời thịnh hành nhất của truyện kiếm hiệp Kim Dung, thu hút người đọc thuộc mọi giới từ trí thức đến bình dân.
Nhà văn Kim Dung Reuters
Nghe nói, các nhật báo ở Sài Gòn hồi đó hàng ngày phải cử người ra phi trường Tân Sơn Nhứt túc trực chờ chuyến bay từ Hồng  Kông sang để nhận tờ nhật báo Minh Báo. Tờ báo này độc quyền đăng truyện kiếm hiệp dài kỳ của Kim Dung (giới làm báo gọi là feuilleton). Nhận được báo rồi là phải cấp tốc dịch từ tiếng Hoa sang tiếng Việt cho kịp in. Khoảng cuối năm 1963, Sài Gòn có đến 44 tờ nhật báo, và tất cả báo này đều đăng feuilleton tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, nếu không báo sẽ mất độc giả ngay lập tức.
Mỗi số báo đều chừa ra khoảng 1/4 trang để in truyện kiếm hiệp từng kỳ, người đọc mở tờ báo ra là tìm đọc trước tiên mục này.
Sau khi báo đăng xong một truyện kiếm hiệp dài kỳ thì các nhà xuất bản tranh nhau mua bản quyền in thành sách. Ở miền Nam thời đó rất thịnh hành chuyện cho thuê sách, có rất nhiều tiệm cho thuê sách mọc lên khắp nơi dành cho những người mê sách, đọc nhiều nhưng túi thì “hẻo xu”. Người thuê chỉ cần đóng tiền thế chân cuốn sách, tiền thuê tính theo ngày, ai đọc nhanh trả nhanh thì trả ít tiền. Và, đương nhiên truyện kiếm hiệp Kim Dung là không thể thiếu trong số các đầu sách cho thuê.
Ba tôi cũng rất thích truyện Kim Dung, tôi cũng tò mò đọc ké và rồi cũng mê luôn. Tôi thường lội bộ ra tiệm thuê sách cách nhà mấy cây số để thuê truyện về đọc. Đem truyện về nhà là tót ra cái góc vắng sau vườn đọc cho tới hết mới thôi.
Có lần, mê đọc tới nổi không bỏ không học bài, xao lãng nhiệm vụ của thằng anh Hai là canh giữ lũ em, để tụi nó lén ra tắm ở con sông nhỏ trước nhà. Ba đi làm về, má mét lại. Mặt ổng hầm hầm, biểu: "Đứa nào vô lấy cây chổi lông gà ra đây cho ba!". Nghe vậy, mặt mày đứa nào đứa nấy xanh lè như đít nhái. Đời tàn trong ngõ hẹp rồi, em ơi!
Thời đó, hầu như nhà nào cũng có ít nhất một cây chổi lông gà, nó có 2 công dụng chính: vừa để quét bụi bàn ghế tủ giường, vừa để trừng trị đám "tiểu yêu" trong nhà. Mấy ông mê truyện kiếm hiệp Kim Dung thì đặt cho cây chổi một cáí tên dí dỏm là "Kê Mao Côn" và ngón võ múa côn là "Kê Mao Công".
Một người gánh chổi lông gà đi bán trên đường phố Sài Gòn trước năm 1975 T.L
Nó là nỗi kinh hoàng của lũ trẻ con hay quậy phá ngày ấy (có tôi trong đó). Dĩ nhiên, những bậc "anh hùng hào kiệt" sử dụng thiện nghệ Kê Mao Công là các bậc phụ huynh nghiêm khắc chớ đâu ai xa lạ. Và chính bản thân các vị hồi nhỏ cũng đã từng được "khổ luyện" môn này do các bậc tiền bối tận tình chỉ giáo.
Ba biểu tôi và mấy đứa em cúi nằm sấp sát nhau như cá mòi Sumaco đóng hộp, ổng chưa "xuất chiêu" liền, mà cứ nhịp nhịp cây chổi lên mông từng đứa (chắc để canh mục tiêu "oanh kích" cho chính xác). Mỗi lần ổng nhịp một cái là mỗi lần tôi và tụi nó gồng cứng bắp thịt mông lên đỡ đòn. Chờ hoài không thấy sư phụ "hạ thủ", mới vừa thả lỏng bắp thịt ra thì bổng "chát" một phát đau quắn ruột. Kế đó, cứ mỗi lần xuống roi là ổng đếm: "Nè, 1 roi thằng lớn (là tôi) tội không giữ em! Nè, 2 roi tội lén tắm sông!",...
Hic hic! Vậy chớ kêu khóc là không được vì đã có quân lệnh "Cấm khóc, cấm kêu rên", thành ra, có đứa bị đòn xong, chun vô cái hóc kẹt nào đó ngồi khóc tấm tức, dù chẳng oan chút nào.
Tôi có thằng em rất lì đòn, ba đánh nó không khóc, nhưng cái miệng nó lầm bầm lép nhép cái gì đó nghe hổng rõ, ba ổng nạt: "Mầy nhai chí cái gì hả?". Nhớ lại vẫn tức cười cái từ "nhai chí" của ba, làm tôi hình tượng ra cái cảnh con khỉ ngồi bắt chí nhai nhóp nhép.
Tôi nhớ có lần bị đòn, thằng út sợ đau, lén lấy cuốn tập học lòn vô trong quần xà lỏn đỡ đạn cho cái mông, ba quất roi xuống nghe cái "bộp" vang dội. Ủa, tiếng lạ vậy? Ổng trật quần nó xuống, lòi ra cuốn tập. Tức cười quá nên ổng đổi giận làm vui, tha cho cả đám, nhưng hăm lần sau còn vậy là lãnh gấp đôi "chế độ".
Má giận thì méc ba vậy, nhưng thấy ba đánh quá là má xót ruột, nài ba giảm bớt "số lượng cấp phát". Xong xuôi, má lấy dầu Khuynh diệp bôi lên mấy con lươn đỏ hỏn bò ngang bò dọc trên cái bàn tọa trắng phếu của lũ nhỏ đang khóc sụt sịt, mũi dãi chảy tèm lèm, mặt mày méo xẹo như bánh tráng mắc mưa, nhìn thiệt khó vẽ hình.
Cái gì thì tôi hổng dám bảo đảm, chớ vụ chổi lông gà thì tôi chắc chắn là những ai lứa tuổi khoảng 60 niên đổ lên đều đã có dịp ít nhiều "thưởng thức" món đặc sản gia truyền này. Mà nhờ vậy đám con cái thời đó mới nên người.
Tới giờ tôi vẫn còn nhớ cái lần ăn đòn đó. Ôi, cũng bởi tại Kim Dung tiên sinh mà tại hạ lâm nạn Kê Mao Côn, mấy ngày sau cái mông vẫn còn ê ẩm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.