Kể về Tây Ninh bằng tiếng Nhật, chàng trai gây xúc động mạnh

19/06/2022 09:05 GMT+7

'Vùng đất tôi yêu là Tây Ninh, cất giấu cả tuổi thơ của tôi. Thật khó quên những ngày được ra ruộng bắt ốc hay những ngày mùa vụ. Mọi người cùng nhau gặt lúa, những đứa trẻ nô đùa', Chí Bảo nói bằng tiếng Nhật.

Ông Shiraishi Hideyuki (trái) và PGS-TS Nguyễn Minh Đức trao giải nhất hùng biện tiếng Nhật cho Chí Bảo

THÚY HẰNG

Trần Chí Bảo, sinh viên năm 2 ngành Nhật Bản học, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) vừa trở thành nhà vô địch cuộc thi hùng biện tiếng Nhật trường ĐH Văn Hiến mở rộng, chủ đề Thành phố tôi yêu.

Nguồn cội

Chí Bảo đã dành hơn 3 phút để nói về Tây Ninh trước những giám khảo là các thầy cô người Việt Nam và Nhật Bản. Phần video minh họa đi kèm xúc động với âm thanh, hình ảnh trong trẻo về làng quê.

Trong bài chia sẻ của Chí Bảo, Tây Ninh hiện lên là mảnh đất bình yên, tươi đẹp với những cánh đồng lúa chín vàng rực, bà con cười vui trong những ngày mùa bội thu, những đứa trẻ vô tư chạy nhảy bắt ốc ngoài đồng và chìm đắm trong những trò chơi của tuổi thơ.

Tây Ninh còn lưu luyến khách phương xa tới thăm với món bánh canh hay khiến nhiều người ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của Tòa thánh Tây Ninh… Một trong những kỷ niệm tuyệt đẹp mà chàng trai không thể nào quên đó là lần được đi leo núi Bà Đen.

Chàng sinh viên năm 2 được đánh giá phát âm tiếng Nhật rất tốt, phong thái tự tin, đĩnh đạc

THÚY HẰNG

“Thời gian cứ trôi, cuộc sống của chúng ta cứ tiến về phía trước, dẫu có đôi lúc khó khăn thì khi nhớ về quê hương, những ký ức tươi đẹp về vùng đất sẽ giúp chúng ta vượt qua những thử thách trong cuộc sống”, chàng trai đúc kết.

Chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên, Trần Chí Bảo cho hay mình sinh ra và lớn lên ở TP Biên Hòa, Đồng Nai, quê ngoại ở Tây Ninh. Cứ mỗi mùa hè, bạn được cha mẹ cho về quê ngoại chơi. Từ đó, những điều tuyệt vời nhất của tuổi thơ Chí Bảo được hình thành.

Năm lớp 11, Chí Bảo bắt đầu quan tâm tới tiếng Nhật. Bạn thi đậu vào Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn với tổ hợp D06, trong đó môn tiếng Nhật được 9 điểm. Tại đây, chàng trai còn tham gia câu lạc bộ tiếng Nhật Tonichi cùng các sinh viên khác để rèn luyện khả năng ngoại ngữ, thuyết trình, hùng biện trước đám đông.

Những điều tuyệt vời nhất của tuổi thơ Bảo được "vẽ" lên ở Tây Ninh

THÚY HẰNG

“Đây là lần đầu tiên tôi tham gia một cuộc thi hùng biện bằng tiếng Nhật. Tình cờ được thầy cô trong trường giới thiệu, tôi gửi video tham gia vòng loại và rất bất ngờ khi được vào tới vòng chung kết. Phần video, tôi đã tự làm nó trên điện thoại”, Chí Bảo nói.

“Vô địch trong cuộc thi hùng biện lần đầu tiên tham gia tiếp sức cho tôi rất nhiều. Tôi nuôi thêm ước mơ giành học bổng tại một trường Đại học tại Nhật Bản”, Chí Bảo chia sẻ thêm.

Bài phát biểu bằng tiếng Việt của người Nhật

Vòng chung kết cuộc thi Hùng biện tiếng Nhật ĐH Văn Hiến mở rộng vừa kết thúc hôm qua, 18.6. Tất cả 7 bạn trẻ từ các trường: ĐH Lạc Hồng, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, Văn Hiến đã kể về thành phố trong trái tim mình bằng tiếng Nhật và trả lời các câu hỏi của ban giám khảo.

GIám khảo đặt các câu hỏi cho các bạn trẻ

THÚY HẰNG

Với chủ đề Thành phố tôi yêu, các thí sinh dùng tiếng Nhật để nói về Kyoto, Osaka (Nhật Bản), TP.HCM sôi động, Phan Rang - Tháp Chàm, Biên Hòa hay Quảng Trị hào hùng trong chiến tranh và bình yên của hôm nay…

Sự kiện có sự tham gia của ông Shiraishi Hideyuki - Trưởng ban Văn hóa và Giáo dục, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM.

Đáng chú ý, tới lắng nghe, tặng hoa chúc mừng nhà vô địch cuộc thi, ông Shiraishi Hideyuki còn có bài phát biểu với đông đảo sinh viên hoàn toàn... bằng tiếng Việt, với giọng cực chuẩn. “Là một người nước ngoài đã học tiếng Việt từ rất lâu, tôi hiểu rằng học một ngoại ngữ là rất khó. Cảm ơn tất cả các bạn đã yêu tiếng Nhật”, ông Shiraishi Hideyuki nói.

Ban giám khảo cũng tìm ra chủ nhân 1 giải khuyến khích, 1 giải nhì, 1 giải ba của cuộc thi

THÚY HẰNG

Ông Shiraishi Hideyuki cho rằng cuộc thi hùng biện tiếng Nhật này là sân chơi rất ý nghĩa cho những người học tiếng Nhật. Đồng thời năm 2023 là kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Ông hy vọng sẽ còn nhiều chương trình ý nghĩa như thế này được tổ chức mừng sự kiện trọng đại này.

Tiến sĩ Từ Minh Thiện, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến, chia sẻ đây là lần thứ 2 cuộc thi hùng biện bằng tiếng Nhật mở rộng được tổ chức, thu hút đông đảo sinh viên các trường ĐH. Tiến sĩ Thiện hy vọng sân chơi bổ ích này sẽ là kỷ niệm đẹp đẽ cho tất cả các bạn trẻ, trở thành hành trang cho mỗi người trong hành trình xây dựng tương lai của mình và kiến thiết đất nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.