Kéo băng từ Nam cực về lấy nước

10/05/2017 16:51 GMT+7

Ý tưởng táo bạo này nhằm giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng do hạn hán kéo dài ở Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.

Là một trong những quốc gia khô hạn nhất trên thế giới với lượng mưa mỗi năm chưa đến 100 mm, nhưng UAE lại là nơi tiêu thụ nước gấp đôi mức trung bình toàn cầu. Theo ước tính của các chuyên gia, nước này sẽ phải đối mặt với tình trạng hạn hán và thiếu nước ngọt trong 25 năm tới. Hiện hàng chục nhà máy lọc nước đang cung cấp gần như toàn bộ nước uống cho UAE, nhưng chúng đắt đỏ và đòi hỏi sử dụng lượng điện lớn để tách muối ra khỏi nước biển.
Giữa lúc tình hình ngày càng nghiêm trọng như vậy, Công ty Cố vấn quốc gia có trụ sở tại thủ đô Abu Dhabi cùng kỹ sư người Pháp Georges Mougin đã mạnh dạn lên kế hoạch kéo băng từ Nam cực về nghiền thành nước và xử lý để cung cấp cho người dân UAE.
Hành trình 1 năm
Theo dự án đầy tham vọng, tảng băng khổng lồ sẽ được khai thác ở đảo Heard, cách lục địa Nam cực chừng 1.000 km, sau đó nó sẽ được các tàu kéo “hộ tống” vượt quãng đường 8.800 km xuyên qua Ấn Độ Dương để về tới Fujairah, một trong 7 tiểu vương quốc của UAE.
Kéo băng từ Nam cực về lấy nước1
Hành trình kéo băng về UAE Đồ họa: C.C
Ông Abdullah Mohammad Sulaiman Al Shehi, Giám đốc Công ty Cố vấn quốc gia, nhấn mạnh đã tính toán các đề án về kỹ thuật và tài chính để thực hiện kế hoạch, đồng thời đã đi qua tuyến đường vận chuyển cũng như sử dụng thiết bị mô phỏng để kiểm tra tính khả thi của dự án này. “Kéo băng về là biện pháp tốt nhất và chúng tôi sẽ bắt tay tiến hành vào đầu năm 2018”, tờ Daily Mail dẫn lời ông khẳng định. Ông Shehi cho hay các tảng băng ở Nam cực trung bình dài gần 3 km và dày 300 m. Theo ước tính, một tảng băng như vậy chứa đến 90 tỉ lít nước, đủ để cung cấp cho 1 triệu người trong vòng 5 năm. Chủ dự án táo bạo trên không cho biết chi tiết số lượng tàu tham gia kế hoạch này, nhưng giám đốc một công ty kỹ thuật Canada - ông Tony King cho rằng để kéo được một tảng băng khổng lồ trên biển cần vài tàu tham gia ròng rã nhiều tháng, mỗi tàu kéo tốn chi phí khoảng 75.000 USD/ngày.


Theo The Guardian, ý tưởng kéo băng từ Nam cực vượt đại dương không phải chuyện mới mẻ. Vào đầu thế kỷ 19, một số người đề xuất kéo băng tới Nam Đại Dương để cân bằng nhiệt độ trái đất, nhưng ý tưởng này nhanh chóng bị gạt đi và bị xem là ngớ ngẩn. Tới năm 1863, một nhà khởi nghiệp người Mỹ tiếp tục muốn kéo băng từ Nam cực lên Ấn Độ, kèm theo ý định bán băng với giá 6 cent một pound (0,45 kg). Những năm 1970, mong muốn “thu hoạch” băng từ cực trái đất về Ả Rập Xê Út bị ngăn cản vì những thách thức tài chính và kỹ thuật vào thời điểm đó. Đến nay, các dự án khai thác nước từ băng trôi thành công nhất thuộc về hai công ty ở Canada - một lấy nước từ băng để làm vodka và một để sản xuất bia, theo tờ The Times.

Nếu đúng như tính toán, hành trình đưa được tảng băng về UAE phải mất 1 năm. Kế hoạch ban đầu là kéo một tảng băng và nếu thành công họ sẽ quay trở lại khai thác thêm nhiều tảng nữa. Ông Shehi cho biết 80% thể tích của tảng băng chìm dưới nước, chỉ một phần băng trắng nổi bên trên bị ánh sáng mặt trời chiếu vào, nên việc băng tan chảy trên đường vận chuyển không phải là vấn đề đáng lo ngại. Ước tính lượng băng bị hao hụt 30% trên quãng đường di chuyển.
Mũi tên nhiều đích
Sau khi tảng băng khổng lồ được kéo về địa điểm định sẵn, các công nhân sẽ triển khai đập các khối đá trên tảng băng này rồi nghiền chúng thành nước ngọt, cho vào bể chứa khổng lồ, sau đó chuyển qua hệ thống nhà máy xử lý nước. Ông Shehi tự tin khi dự án thành công, đây sẽ là nguồn nước ngọt tinh khiết nhất thế giới, theo Gulf News.
Mặc dù thừa nhận còn nhiều trắc trở, nhưng công ty có ý tưởng táo bạo trên không chỉ kỳ vọng cung cấp nhiều nước cho người dân, mà còn mong muốn mở ra cơ hội thu hút khách du lịch khi dự án này được tiến hành. Bên cạnh đó, giám đốc công ty còn cho rằng đưa băng từ Nam cực về có khả năng kéo theo mưa tới cho UAE.
Tuy nhiên, Giáo sư Grant Bigg, chuyên gia về trái đất thuộc Đại học Sheffield (Anh), nhận định việc kéo băng từ Nam cực về UAE còn rất nhiều trở ngại, phải tính đến cả về kỹ thuật và yếu tố điều kiện tự nhiên. Ông cho rằng trên một hành trình dài như vậy, tảng băng có thể vỡ giữa đại dương, các tàu cũng phải đủ lớn và mạnh để kéo băng. Thêm vào đó, việc để một tảng băng khổng lồ như vậy trôi trên biển có thể dẫn đến những hậu quả đối với môi trường sinh thái bên dưới. Trung tâm dữ liệu băng tuyết quốc gia Mỹ thì khẳng định băng trong điều kiện thời tiết nóng dần lên sẽ bị tấn công từ tất cả các phía nên không dễ gì nguyên trạng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.