'Kéo' Hoàng Sa vào đất liền

19/01/2019 06:54 GMT+7

Ngày 21.4.2009, Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng) đầu tiên được bổ nhiệm.

10 năm qua, với việc xác lập chính quyền, công tác đấu tranh vì chủ quyền Hoàng Sa liên tục được triển khai.
“Kéo” Hoàng Sa vào đất liền
Ông Võ Ngọc Đồng Ảnh: Hoàng Sơn
Trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên, ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa, nói việc củng cố tổ chức chính quyền Hoàng Sa thể hiện trách nhiệm của UBND TP.Đà Nẵng được thay mặt cả nước liên tục xác lập quyền quản lý quần đảo Hoàng Sa, nhằm tạo đầu mối thực thi các hoạt động đấu tranh khẳng định chủ quyền biển đảo đối với Hoàng Sa. UBND huyện đã tổ chức hội thảo, phát động hiến tặng hiện vật, sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn để tuyên truyền... về Hoàng Sa.
“Chúng tôi cũng đã tìm kiếm, tập hợp và hằng năm gặp mặt các nhân chứng đã từng sinh sống, công tác, bảo vệ quần đảo Hoàng Sa trước khi bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép vào ngày 19.1.1974; xuất bản sách Kỷ yếu Hoàng Sa để điểm lại tổng quan các vấn đề lịch sử, pháp lý chủ quyền và ghi nhận hồi ức của những nhân chứng sống. UBND huyện tích cực tham mưu để xây dựng, khánh thành và đưa vào hoạt động Nhà trưng bày Hoàng Sa”, ông Đồng nói.
* Việc tác động vào ý thức của giới trẻ về vấn đề Hoàng Sa là rất quan trọng. Huyện đảo đã có những hoạt động gì để tuyên truyền chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa trong lớp trẻ và ra thế giới?
- Chúng tôi đã phối hợp với ngành giáo dục, đoàn thanh niên... để giới thiệu những hình ảnh, tư liệu về Hoàng Sa trong thanh niên, học sinh sinh viên và du khách. Sắp tới sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động để tuyên truyền giáo dục và tìm nhiều hình thức để thực hiện có hiệu quả hơn.
Nhà trưng bày Hoàng Sa trong 9 tháng hoạt động đã có gần 20.000 lượt khách đến tìm hiểu, đa số là học sinh, sinh viên và du khách từ mọi miền Tổ quốc, trong đó có cả khách quốc tế. Chúng tôi đã có kế hoạch và cử nhân viên học thêm một số ngoại ngữ thông dụng có lượng du khách đông để phục vụ du khách; ứng dụng công nghệ thuyết minh thông qua điện thoại thông minh để chủ quyền Hoàng Sa của VN được bạn bè quốc tế biết đến.
* Có ý kiến kiến nghị nên nghiên cứu đóng con dấu, hoặc có một loại giấy tờ ghi dấu ấn cho du khách khi đến tham quan huyện đảo?
- Thực tế, việc này chúng tôi đã làm từ lâu. Các đoàn công tác, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, sinh viên đến thăm, làm việc, nghiên cứu chúng tôi đều làm thủ tục, đóng dấu Hoàng Sa vào các văn bản, giấy tờ. Còn đóng dấu, ghi dấu cho du khách một cách phổ biến rộng rãi và nhiều góp ý khác, chúng tôi đang nghiên cứu để công tác tuyên truyền ngày càng có hiệu quả hơn, đáp ứng nguyện vọng, tạo điều kiện cho du khách trong nước thể hiện lòng yêu nước khi đến Nhà trưng bày Hoàng Sa.
* Được biết, UBND H.Hoàng Sa và UBND TP.Đà Nẵng từng có kiến nghị về việc đưa 2 phường Thọ Quang, Mân Thái thành một phần của H.Hoàng Sa nhằm góp phần tăng tính pháp lý cũng như sự quản lý của UBND huyện trong đấu tranh chủ quyền?
- Năm 2004, UBND H.Hoàng Sa đã xây dựng đề án trình UBND TP báo cáo với T.Ư. Phường Thọ Quang, Mân Thái nằm ven Biển Đông, có nhiều ngư dân hành nghề tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa và các lực lượng khác. Khi phương án kéo Hoàng Sa vào đất liền thành hiện thực, huyện đảo sẽ có dân, sẽ có bộ máy chính quyền hoàn chỉnh, có điều kiện tốt hơn để chăm lo cho nhân dân và ngư dân của huyện mình - nhất là ngư dân bám biển Hoàng Sa, thuận lợi hơn cho hoạt động đấu tranh khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa trong tương lai.

Hoàng Sa vĩnh viễn là của Việt Nam

       
Cha tôi, ông tôi, dân tộc tôi, Việt Nam tôi đã đấu tranh cho chủ quyền từ nghìn đời, và máu đã đổ xuống trong cuồn cuộn sóng biển, nhưng dù có đánh đổi bao nhiêu, tôi luôn tin thế hệ mình sẽ tiếp nối công cuộc to lớn ấy. Đó không phải là trách nhiệm của riêng một ai, mà là trách nhiệm của người Việt. Lửa sẽ vẫn cháy, Hoàng Sa vĩnh viễn là của Việt Nam. Đó là chân lý, và đó cũng là cuộc đấu tranh không hề ngừng nghỉ để bảo vệ chủ quyền đất nước.
 
Lê Hoàng Mộc Miên (Học sinh - Đà Nẵng)

Mỗi người dân là một người lính

       
Phải biến việc bảo vệ chủ quyền biển đảo là trách nhiệm tiên phong của mỗi người con Việt Nam. Để làm được điều đó, điều quan trọng là cần phải truyền tải kiến thức về biển đảo nhiều hơn nữa, sâu hơn nữa cho nhân dân, đặc biệt là giới trẻ. Tôi mong tất cả người con Việt Nam hãy là những người lính dũng cảm, không ngừng tìm hiểu, tiếp nhận kiến thức về biển đảo để cùng nhau đoàn kết một lòng bảo vệ biển đảo nước nhà. Bởi đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết sẽ luôn chiến thắng.
 
 
Phạm Thị Liên (Sinh viên - Hà Nội)

Động viên những người giữ đảo

       
Từng có thời gian khảo sát tại các vùng biển của Việt Nam như Trường Sa, tôi thấy điều kiện sinh hoạt của các chiến sĩ còn nhiều khó khăn, cả về vật chất và tinh thần dù so với trước đây điều kiện cũng đã khá hơn rất nhiều. Sóng gió, thiếu rau sạch, ít được gặp vợ con, là những khó khăn hiện hữu, đời thường. Nhưng những khó khăn sẽ giảm bớt nếu chúng ta quan tâm và đánh giá đúng những cống hiến của các anh cho Tổ quốc. Đó sẽ là nguồn động viên lớn nhất, thiết thực nhất với các anh.
Nguyễn Văn Vương (Kỹ sư định vị cho tàu khảo sát biển)
Hoàng Sơn - Tư An (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.