Sau lễ cưới hồi tháng 4 vừa qua tại quê nhà Nghệ An (của Phan Mạnh Quỳnh) và Nha Trang, Khánh Hòa (quê của vợ anh), vì dịch Covid-19 nên nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh và vợ - Khánh Vy chưa thể tổ chức tiệc cưới tại TP.HCM như kế hoạch. Tác giả của “chàng trai viết lên cây” chia sẻ “… cũng buồn vì không tổ chức được do dịch, tuy nhiên, trước khi tạm hoãn đám cưới tại Sài Gòn, chúng mình cũng đã kịp quay MV cho ca khúc mình viết tặng vợ nhân ngày trọng đại của 2 đứa”.
Sau này, sẽ có "nhạc Quỳnh"
Trong ngày ra mắt MV, Phan Mạnh Quỳnh viết giới thiệu thế này: “Hành trình từ khi gặp em, bắt đầu tìm hiểu đến khi chính thức yêu em là một hành trình vô cùng ý nghĩa với anh. Và sau bao năm hẹn ước cũng đã đến hôm nay…
"Anh không tự hào vì là Chồng Người Ta
Anh chỉ tự hào vì được là Chồng Của Em
“Gặp gỡ, Yêu đương
Và được bên em” (là tên ca khúc)
Cảm ơn em vì đã chọn bên anh".
Lời tựa cho ca khúc Gặp gỡ, yêu đương và được bên em vừa lãng mạn mà cũng thật hóm hỉnh của nhạc sĩ bản hit Vợ người ta trên trang Facebook chính chủ đã nhanh chóng thu hút sự yêu thích của cộng đồng mạng và người hâm mộ (27 ngàn lượt yêu thích).
Theo Phan Mạnh Quỳnh, khi viết ca khúc này, những hồi tưởng về lần đầu gặp nhau, về lời tỏ tình, về buổi cầu hôn đơn sơ, về những vất vả trong quá trình cưới lần lượt trở lại. Và sự đón nhận của người nghe khiến anh “rất hạnh phúc khi ít nhiều mang tới cho mọi người một chút khuây khỏa…”.
Hãy nghe cảm nhận mà khán giả, người nghe đã gửi lại dưới bài hát từ kênh YouTube của anh, sau những phút giây khuây khỏa ấy:
“Trong ngày cưới người ta hay nói "anh yêu em mãi mãi" chứ không nói "anh trao em tình nghĩa như biển ngàn"; người ta hay nói "may mắn vì gặp em" chứ không nói "vinh hạnh khi gặp em". Nguyên bài hát không có câu nào là anh yêu em, nhưng đây mới là bài hát lãng mạn nhất, nặng tình nặng nghĩa nhất mà mình từng nghe”.
“Cảm ơn em Phan Mạnh Quỳnh đã đưa ngôn ngữ tiếng Việt chạm đến được từng trái tim người Việt Nam. Không biết diễn tả như thế nào nhưng chỉ muốn nói rằng ca từ của em viết rất "chân - thiện - mỹ". May mắn mình là người Việt Nam để có thể hiểu hết được từng từ từng chữ. Hãy tiếp tục cố gắng và phát huy hơn nữa nhé”.
|
“Công nhận nghe càng lâu càng cảm giác bài hát ý nghĩa. Ca từ ấm áp và chân thật. Lần đầu nghe: nghe nhạc; lần 2: nghe lời; lần 3: hình dung ra được bối cảnh của bài hát; lần 4, 5, 6... và bây giờ là lần 14: chỉ biết nghe và gật gù thôi. Riêng nhạc Quỳnh thì nó như Truyện Kiều vậy, càng nghe, càng ngẫm, càng hay!”.
Thậm chí, có khán giả chia sẻ dưới bài hát rằng: “Đã có "nhạc Trịnh" thì sau này sẽ có "nhạc Quỳnh". Nhạc Quỳnh không phải nghe một lần duy nhất mà nó có thể thấm được, các bạn phải nghe đi nghe lại rất nhiều lần thì mới cảm được nó. Mà khi đã thấm thì khó mà dứt được. Ở thị trường nhạc Việt ít ai có được chất nhạc như Phan Mạnh Quỳnh và sẽ rất lâu nữa mới có thể tìm được một người "kế thừa" được những điều mà Phan Mạnh Quỳnh đã và đang gửi gắm trong âm nhạc”.
Được ban cho nhiều, sẽ phải cống hiến nhiều hơn
Nếu ai từng lắc đầu trước Vợ người ta - ca khúc được cho là rất thị trường, rất “chợ” hoặc từng đánh giá không cao gu âm nhạc của Quỳnh vì bài hát này (dù nó rất hit và đạt nhiều dấu mốc đáng gờm trong đời sống nhạc Việt năm 2015), thì không lâu sau đó hẳn đã phải thay đổi suy nghĩ. Có lẽ, người nghe và người yêu nhạc bắt đầu có cái nhìn khác về chàng nhạc sĩ sinh năm 1990 này khi anh tham gia sân chơi cho giới sáng tác trẻ Sing my song - Bài hát hay nhất 2016. Lần lượt những Hồi ức, Có chàng trai viết lên cây, Con tim tan vỡ, Nước ngoài… hay các ca khúc trong dự án Truyện ngắn của Hà Anh Tuấn, trong album Tâm 9 của Mỹ Tâm, và cả nhạc phim: Ngày chưa giông bão (phim Người bất tử), Từ đó, Hà Lan (Mắt biếc), Sao cha không (Bố già)… đã tạo nên một màu sắc riêng, cũng là vị trí riêng của âm nhạc Phan Mạnh Quỳnh với người hâm mộ cũng như giới chuyên môn.
|
Nếu Hà Anh Tuấn nhìn nhận âm nhạc của Phan Mạnh Quỳnh có tính bản sắc rất cao, và riêng tính ngôn ngữ thì có lẽ Phan Mạnh Quỳnh xuất sắc nhất trong thế hệ âm nhạc của cậu ấy thì nhạc sĩ Đức Trí cho rằng âm nhạc của Phan Mạnh Quỳnh vừa có dấu ấn (điều quan trọng đối với mỗi nhạc sĩ để khi nghe khán giả nhận ra ngay) và dấu ấn đó lại có chất liệu âm nhạc vùng miền nơi Quỳnh sinh ra, lớn lên, và cả chất liệu âm nhạc dân gian Việt Nam. Có lẽ vì thế mà càng ngày, những tác phẩm của Quỳnh, dù khi ra mắt không "ồn ào", càng được tìm nghe và nghe đi nghe lại nhiều hơn, đọng lại lâu hơn với thời gian.
Nghe, cảm nhạc Quỳnh, sẽ thấy sự phong phú ở các đề tài lẫn hình thức chuyển tải câu chuyện qua nhiều góc nhìn mà khó nghĩ rằng tất cả đều đến từ chàng trai ở độ tuổi 30. Nghẹ nhạc Quỳnh, dù về tình yêu, hôn nhân, về lũ lụt miền Trung hay chuyện những người đi xuất khẩu lao động..., dường như luôn phảng phất chút gì đó vừa hoài niệm và có cả khao khát chạm đến những điều đẹp đẽ trong cuộc sống. Không ít người nhìn nhận âm nhạc của Phan Mạnh Quỳnh “già” hơn so với tuổi anh. Còn với chàng trai quê Nghệ An này, như anh từng chia sẻ cùng Thanh Niên, tuy không ảnh hưởng cách viết của ai một cách trọn vẹn, nhưng trong quá trình nghe nhạc từ bé đến lớn, những giai điệu của Thánh ca (Quỳnh bắt đầu biết và học nhạc từ nhà thờ), âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy, Trịnh Công Sơn…, tất cả những gì Quỳnh được nghe hẳn đều có tác động, nên có thể len lỏi vào tâm hồn lúc nào không hay.
Tự mày mò sáng tác, chơi nhạc, biểu diễn, rồi tự giới thiệu bản thân trên web để tìm người sử dụng nhạc của mình, nhưng bài hát đầu tiên của Phan Mạnh Quỳnh được mua bản quyền là nhờ mối quan hệ thân quen trong nghề “mai mối”. Thế nên Quỳnh từng bảo, trên đời này mọi thứ đều rất cần một chút may mắn, và tâm niệm mình được ban cho nhiều thì sẽ phải trả lại nhiều, phải cống hiến nhiều hơn... Tác giả của Tri kỷ từng chia sẻ, mục tiêu đến năm 2025, nếu không có những biến cố quá lớn, anh mong muốn thực hiện 3 dự án âm nhạc có chủ đề rõ ràng (tất nhiên cùng với đó sẽ là nhiều những công việc khác): album về cộng đồng, về những thân phận trong cuộc sống, về những gì gợi lên được cho mọi người tình yêu thương nhiều hơn.
Bình luận (0)