Kết hợp chăn nuôi bò sữa và du lịch để đột phá kinh tế Mang Yang

16/04/2024 15:04 GMT+7

TS Nguyễn Kiên Cường, Phó trưởng khoa Chăn nuôi Thú y (Đại học Nông Lâm TP.HCM) đã chia sẻ ý tưởng tâm huyết của mình tại tọa đàm 'Xây dựng Mang Yang - Gia Lai thành thiên đường bò sữa' do Báo Thanh Niên tổ chức sáng nay (16.4).

TS Nguyễn Kiên Cường, Phó trưởng khoa Chăn nuôi Thú y

TS Nguyễn Kiên Cường, Phó trưởng khoa Chăn nuôi Thú y

ĐỘC LẬP

Gần 10 năm giảng dạy và gắn bó với mảnh đất Mang Yang, TS Nguyễn Kiên Cường nhận định, Mang Yang có rất nhiều thuận lợi: từ thiên nhiên khí hậu mát mẻ, vị trí địa lý tới sự quan tâm của các cấp lãnh đạo đầu tư phát triển kinh tế. Đặc biệt, thời gian qua, mảnh đất này đã thu hút được các tập đoàn lớn như NutiFood, Hoàng Anh Gia Lai tới đầu tư, phát triển nông nghiệp.

Nhìn lại hành trình trang trại sữa đầu tiên tại Mang Yang của Hoàng Anh Gia Lai cách đây 10 năm chỉ có năng suất khá (22 - 23 lít/ngày), đến nay, đã cải thiện lên 31 - 32 lít/ngày; tiếp đó là sự xuất hiện của trang trại bò sữa NutiMilk sau 4 năm đã đạt sản lượng sữa tới 40 lít/ngày, ông Cường khẳng định Mang Yang hội tụ đủ mọi điều kiện để phát triển ngành chăn nuôi bò sữa.

Để tận dụng lợi thế này, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao trình độ dân trí và thu hút đầu tư phát triển kinh tế địa phương, chuyên gia đến từ Đại học Nông Lâm TP.HCM đề xuất phát triển Mang Yang trở thành điểm du lịch sinh thái kết hợp với nông nghiệp tuần hoàn công nghệ cao.

Đơn cử, Tập đoàn NutiFood có thể xây dựng mô hình thu nhỏ của trang trại bò sữa NutiMilk, trong đó có đầy đủ mô hình xử lý chất thải đầu ra, làm phân hữu cơ, hệ thống xử lý nguồn nước, tưới ra vườn trồng những loại phụ phẩm như chuối, mít, đóng góp phần nguyên liệu giải quyết thức ăn cho bò... Sau đó kết hợp tổ chức các tour du lịch sinh thái tới như trang trại thu nhỏ này.

"Mô hình du lịch sinh thái lồng ghép nông nghiệp tuần hoàn không chỉ giúp địa phương phát triển kinh tế, thu hút du lịch mà còn góp phần lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường. Du khách, nhất là sinh viên từ các trường đại học tới đây sẽ không chỉ hiểu hơn về giá trị, tiềm năng của vùng đất Mang Yang mà còn có cơ hội thay đổi tư duy, hướng đến những thói quen xanh, hành vi xanh, chung tay bảo vệ môi trường" - TS Nguyễn Kiên Cường nhấn mạnh.

Để xây dựng được những mô hình như vậy, TS Cường nhận định cần sự tham gia của 4 nhà: nhà quản lý, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp. Trong đó, lãnh đạo tỉnh cần quan tâm phát triển các chính sách thúc đẩy, khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, du lịch sinh thái; xây dựng hạ tầng đường sá và các chuỗi giá trị như khâu chế biến sau thu hoạch... Những người nông dân, hộ chăn nuôi cũng sẽ tham gia chuyển đổi mô hình chăn nuôi, sản xuất sang xanh, tuần hoàn. Các nhà khoa học sẵn sàng tham vấn, đóng góp ý kiến dưới góc độ chuyên môn. Đồng thời, rất cần sự tham gia của các tập đoàn lớn như NutiFood, Hoàng Anh Gia Lai...



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.