Nhiều ngày qua, một số điểm bán hàng bình ổn giá khu vực Trường ĐH Cần Thơ, ĐH Y Dược Cần Thơ (Q.Ninh Kiều), Khu dân cư 586 (Q.Cái Răng)... trở thành điểm đến quen thuộc của sinh viên. Trong đó, nhiều sinh viên đến đây không phải tìm mua nhu yếu phẩm mà phụ việc kiếm thu nhập thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19.
Anh Lê Hùng Mạnh, cụm trưởng một điểm bán hàng, cho biết khi Sở Công thương TP.Cần Thơ phối hợp doanh nghiệp triển khai điểm bán hàng bình ổn giá, đơn vị đã chủ động liên hệ với đại diện một số trường ĐH nhằm kết nối việc làm thêm cho sinh viên đang gặp khó khăn. Riêng 3 điểm bán hàng ở 2 quận Ninh Kiều và Cái Răng do anh Mạnh quản lý thì có 65 sinh viên tham gia. Công việc chính của sinh viên là chuẩn bị các loại thực phẩm, cân theo khối lượng yêu cầu, thanh toán cho khách hàng.
Nguyễn Anh Nhựt (sinh viên Trường ĐH Cần Thơ) cho biết quê em ở An Giang. Khi các tỉnh thành ĐBSCL thực hiện Chỉ thị 16, Nhựt chưa thể về quê, tiền chi tiêu còn khá ít nên loay hoay chưa biết phải xoay xở thế nào. Nhựt nói: “Mùa dịch kẹt lại TP.Cần Thơ được hỗ trợ việc làm em mừng quá. Mấy ngày nay sinh viên ở trọ như chúng em ăn uống kham khổ quá trời, đa phần là món khô thôi. Có việc làm thêm thì yên tâm phần nào nếu phải cầm cự lâu hơn khi tình hình giãn cách còn kéo dài”.
Lê Thị Thu Trinh (ngụ Hậu Giang, sinh viên Trường ĐH Cần Thơ) cho biết đi làm trong mùa dịch thì cũng lo sợ. Đặc biệt, những ngày qua tình hình dịch diễn biến phức tạp, tính chất công là phải tiếp xúc với nhiều lượt khách hàng thì càng thêm thấp thỏm. “Dịch bệnh làm chúng em lo lắng lắm chứ nhưng một áp lực nặng nề khác không kém là tiền nhà trọ, học phí đang ngày một cận kề. Hơn nữa, tụi em cũng biết cách để tự bảo vệ lấy bản thân mình”, Trinh trải lòng.
Ngoài kiếm thu nhập cho bữa cơm hằng ngày, động lực đối với các sinh viên còn vì công việc này có ý nghĩa thiết thực trong lúc giãn cách xã hội. Phạm Tùng Long (ngụ Hậu Giang, sinh viên Trường ĐH Cần Thơ) bộc bạch: “Những ngày qua người dân thành phố rất quan tâm đến nguồn nhu yếu phẩm. Do đó, sinh viên cũng cảm thấy rất vui lòng khi được góp tay vào việc phân phối, cung ứng nông phẩm cho bà con”.
Bình luận (0)