Kết luận 3 vụ ngộ độc nghi do vi khuẩn Clostridium Botulinum ở TP.HCM

01/08/2023 19:03 GMT+7

Sau hơn 2 tháng rưỡi điều tra, cơ quan chức năng tại TP.HCM đã có báo cáo kết luận liên quan 3 vụ ngộ độc nghi do vi khuẩn Clostridium Botulinum.

Ngày 1.8, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết đã có báo cáo kết quả điều tra 3 vụ ngộ độc nghi do vi khuẩn Clostridium Botulinum trên địa bàn TP.Thủ Đức (TP.HCM) trong thời gian vừa qua, khiến 6/7 người nhập viện, 1 người tử vong

Kết luận 3 vụ ngộ độc nghi do vi khuẩn Clostridium Botulinum ở TP.HCM

Theo báo cáo, trong 3 vụ ngộ độc nghi do vi khuẩn Clostridium Botulinum, có 1 vụ được xác định là do Clostridium Botulinum gây ra tại P.Long Thạnh Mỹ khiến 3/4 người ăn nhập viện vào ngày 13.5. Người còn lại không nhập viện, mua thuốc tự điều trị tại nhà và bình phục hoàn toàn. Nhưng vụ việc này chưa đủ cơ sở kết luận nguyên nhân do ăn bánh mì, chả lụa từ người bán hàng rong. Hai vụ còn lại, theo báo cáo là chưa đủ cơ sở kết luận.

Kết luận 3 vụ nghi ngộ độc vi khẩn Clostridium botulinum tại TP.HCM  - Ảnh 1.

Một trong các bệnh nhi bị ngộ độc nghi do vi khuẩn Clostridium Botulinum

CBVCC

Cũng theo báo cáo, UBND TP.Thủ Đức đã chỉ đạo đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm thành phố này tham mưu xử lý vi phạm hành chính đối với 2 cơ sở sản xuất chả lụa ở P.Trường Thọ. Tăng cường tuyên truyền cho người dân về phòng chống ngộ độc thực phẩm nói chung và ngộ độc do Clostridium Botulinum nói riêng, cũng như các mối nguy hại khi sử dụng thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, trôi nổi trên thị trường. Cập nhật danh sách người kinh doanh không có địa điểm cố định, hàng rong, thức ăn đường phố, để từng bước có biện pháp chấn chỉnh, quản lý về an toàn thực phẩm đối với loại hình này.

Ban Quản lý an toàn thực phẩm đã hỗ trợ, hướng dẫn UBND TP.Thủ Đức trong quá trình điều tra và kết luận các vụ ngộ độc nghi do Clostridium Botulinum trên địa bàn.

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, khuyến cáo người dân, để phòng tránh ngộ độc nói chung và ngộ độc do vi khuẩn Clostridium Botulinum nói riêng, người dân cần ăn, uống đã qua nấu chín, sử dụng thực phẩm có nguồn gốc. Về phía nhà quản lý tăng cường kiểm tra, tuyên truyền mua bán thực phẩm sạch.

Mặt khác, ngành y tế cũng cần dự trữ các thuốc quý hiếm để điều trị khi cần thiết, tránh trường hợp như việc thiếu thuốc điều trị ngộ độc do vi khuẩn Clostridium Botulinum thời gian qua.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.