Hôm qua 15.7, đại diện Sabeco và nhiều chuyên gia kinh tế, đại diện cơ quan nhà nước đã lên tiếng phản đối kết luận cho rằng công ty này có biểu hiện “lách thuế”, thậm chí “trốn thuế”, “chuyển giá”...
Dây chuyền sản xuất bia tại Nhà máy bia Sài Gòn - Quảng Ngãi - Ảnh: TTXVN
|
Như Thanh Niên đã thông tin, trong kết luận về báo cáo tài chính của Tổng công ty CP rượu bia - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho rằng đơn vị này có biểu hiện lách thuế, thậm chí là trốn thuế, chuyển giá... và yêu cầu phải nộp lại 408 tỉ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) năm 2013.
Nhiều doanh nghiệp hoang mang
Tại hội thảo “Chính sách thuế TTĐB với ngành bia, rượu, nước giải khát” do Hiệp hội Bia rượu - nước giải khát tổ chức hôm qua, đại diện Sabeco nói thẳng những kết luận của KTNN áp đặt cho tổng công ty này là không đúng, do việc lập công ty thương mại là một thông lệ bình thường trong tổ chức sản xuất để phân phối, bán sản phẩm, được luật pháp cho phép. Hơn nữa, theo quy định của luật Thuế TTĐB hiện hành thì thuế này chỉ đánh vào khâu sản xuất chứ không phải khâu thương mại, lưu thông. “Nếu như kiến nghị trên của KTNN được Bộ Tài chính và Bộ Công thương chấp nhận thì Sabeco không chỉ phải nộp bổ sung trên 400 tỉ đồng thuế TTĐB năm 2013 mà còn bị hồi tố tiền thuế từ năm 2008 đến nay với tổng số tiền khoảng 3.500 tỉ đồng”, đại diện Sabeco nêu.
|
Nhận xét về kết luận của KTNN với Sabeco, ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương) cho rằng, kết luận như trên không chỉ gây bức xúc cho Sabeco mà làm cho hàng loạt doanh nghiệp (DN) trong ngành này hoang mang. Theo ông Dũng, kết luận của KTNN cho rằng việc Sabeco lập ra các công ty, DN thương mại để “lách thuế” là không hợp lý vì không chỉ VN mà ở nhiều nước, nhiều DN sản xuất đều thiết lập hệ thống phân phối để bán sản phẩm. Ở VN, rất nhiều DN lớn đều lập ra các công ty thương mại, hạch toán độc lập để phục vụ cho công ty mẹ và đó là yêu cầu khách quan.
“Sabeco cũng như vậy, và khi xây dựng hệ thống phân phối, họ cũng phải báo cáo Bộ Công thương, Bộ Tài chính và phải tuân thủ đầy đủ luật thuế. Nếu không, trong từng ấy năm, kiểm toán, thanh tra vào thường xuyên thì không tồn tại được”, ông Dũng nói.
Kết luận không chuẩn xác
Tham gia hội thảo, tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết, ông không đứng về Sabeco hay KTNN, nhưng căn cứ theo luật DN, ông cho rằng việc DN thành lập các công ty con, cháu, chắt là điều rất bình thường và luật pháp còn khuyến khích điều này. Nên việc KTNN cho rằng Sabeco lập công ty con để lách thuế, theo ông là không chuẩn xác. Về chính sách thuế mà KTNN cho rằng, “có kẽ hở” để Sabeco lợi dụng, lách thuế, ông Cung cho rằng “nếu chính sách có kẽ hở mà họ lách được thì cũng không đổ lỗi cho DN được. DN, bản chất tự nhiên là họ phải tận dụng cái gì có lợi cho họ. Vấn đề là họ lách nhưng có vi phạm quy định pháp luật nào không, nếu không thì người ta cũng không làm sai. Bịt kẽ hở là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, không phải vì kẽ hở mà buộc DN phải gánh chịu tổn thất của việc đó”.
Ở một góc độ khác, ông Phạm Công Tham, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kế toán - kiểm toán VN cho rằng, gốc của chính sách thuế TTĐB là đánh vào khâu sản xuất chứ không phải lưu thông. “Theo tôi, giá thu của nhà sản xuất bán ra là đúng, còn KTNN tính ở cả khâu thương mại là không đúng. KTNN nói DN tạo ra hệ thống thương mại để trốn thuế là không đúng vì Sabeco cổ phần hóa năm 2008, lập ra các công ty thương mại từ năm 2008, sau này Bộ Tài chính mới ban hành Thông tư 06 về thuế TTĐB thì rõ ràng, công ty của họ đã lập ra trước, không có lý gì bảo họ lập công ty con để trốn thuế”, ông Tham nói.
Đồng tình với ý kiến của ông Tham, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ Phan Chí Dũng phân tích: “Anh bán cho đối tượng thương mại đầu tiên là giá tính thuế. Nếu bán cấp 1 thì giá bán cho cấp 1 là giá tính thuế, chứ không phải tôi bán cho cấp 1, cấp 1 bán cho cấp 2 thì anh đánh thuế cấp 2, không đúng bản chất của thuế TTĐB”.
Bình luận (0)