Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên một kết luận thanh tra (KLTT) mà đối tượng được thanh tra "dính" nhiều nội dung sai phạm lại bị “lờ” đi. Đành rằng, chuyện đối tượng thanh tra “cự cãi” với cơ quan chuyên ngành là bình thường, bởi một cuộc thanh tra, dù là chuyên đề riêng hay trên diện rộng, với nhiều nội dung, có thể sẽ không tránh khỏi những ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, nên nhớ rằng, trước khi ban hành kết luận chính thức, cơ quan thanh tra bao giờ cũng làm việc với đối tượng thanh tra để thảo luận về những nội dung trong dự thảo kết luận. Trong không ít vụ việc, ví dụ như các cuộc thanh tra tại một số tập đoàn vốn nhà nước, khi chưa đồng quan điểm, thì việc lấy ý kiến mở rộng ra với các bộ chủ quản, hay có thêm đại diện các bộ ngành trong quản lý chuyên ngành như tài chính, KH-ĐT nếu là thanh tra về sử dụng vốn, TN-MT nếu là thanh tra về sử dụng đất đai... cũng là chuyện thường xuyên.
Đặc biệt, không ít kết luận, khi ban ra rồi, bị đối tượng thanh tra phản đối, chưa tâm phục khẩu phục, thì Thủ tướng phải đứng ra có ý kiến "phân xử" để các bên đi đến đồng thuận, để mọi kết luận được thấu tình đạt lý và có tính khả thi trong thực hiện kiến nghị về sau cũng không phải là hiếm. Ví dụ như KLTT về sử dụng đất đai ở Đà Nẵng, hay chính KLTT tại Hà Tĩnh như vừa kể ở trên.
Vậy nhưng, không ít lần lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đã phải kêu lên, việc chấp hành KLTT nhiều nơi chưa nghiêm túc. Theo số liệu của Thanh tra Chính phủ, nếu trước năm 2013, khi chưa có Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra thì tỷ lệ xử lý về kinh tế theo kiến nghị tại KLTT chỉ đạt chưa tới 40%. Song 3 năm trở lại đây, tỷ lệ này mỗi năm đã tăng ở mức hai con số và đến cuối năm ngoái, việc thu hồi đạt kết quả gần 70%. Cùng với đó, Nghị định 33 năm 2015 của Chính phủ quy định việc thực hiện KLTT đã nêu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của đối tượng được thanh tra cũng như trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra...
Tuy nhiên, như nói ở trên, điệp khúc đâu đó chưa thực hiện nghiêm các kiến nghị mà cơ quan thanh tra đã ban ra vẫn vang lên từ những người đứng đầu cơ quan cao nhất của ngành này. Mới đây thôi, chỉ đến khi có chỉ đạo của Tổng bí thư trong việc làm rõ những sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh hồi còn làm Chủ tịch Tổng công ty xây lắp dầu khí thuộc Tập đoàn dầu khí thì Bộ Công thương, với tư cách cơ quan quản lý, mới lại yêu cầu tập đoàn rà soát việc thực hiện các kiến nghị thanh tra từ ba năm trước.
Trên diễn đàn Quốc hội, hay trong những cuộc họp Chính phủ, đã không ít lần vấn đề "kỷ cương chưa nghiêm" hay tình trạng "trên bảo dưới không nghe" được đưa ra thảo luận. Có điều, cũng không ít lần, trong nhiều vụ việc, thảo luận xong rồi tất cả lại về, mọi thứ vẫn y nguyên chỗ cũ như khi chưa thảo luận, nhất là khi đụng đến vấn đề trách nhiệm.
Cũng liên quan đến vụ việc Formosa, khi sự thật "tráo" công nghệ luyện cốc từ dập khô thành dập ướt bị phanh phui thì một bộ trưởng mới cho biết đã từng có kiến nghị doanh nghiệp khắc phục sau khi đoàn thanh kiểm tra phát hiện từ hai năm trước. Nhưng kết quả là doanh nghiệp cũng không thực hiện mà không thấy ai nói gì.
Bình luận (0)