Kết nạp Đoàn 'tay chèo' dũng cảm

24/03/2015 05:26 GMT+7

Dạo đó, chàng trai trẻ Nguyễn Thế Công (nay đã 68 tuổi), trú xã Vĩnh Thái, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị, nằm trong đội “cảm tử quân” chèo thuyền từ đất liền ra tiếp tế đảo Cồn Cỏ. Lo mỗi lần đi đều có thể là... lần cuối, một chi đoàn đã kết nạp tay chèo này vào Đoàn ngay giữa hòn đảo hoang sơ.

Dạo đó, chàng trai trẻ Nguyễn Thế Công (nay đã 68 tuổi), trú xã Vĩnh Thái, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị, nằm trong đội “cảm tử quân” chèo thuyền từ đất liền ra tiếp tế đảo Cồn Cỏ. Lo mỗi lần đi đều có thể là... lần cuối, một chi đoàn đã kết nạp tay chèo này vào Đoàn ngay giữa hòn đảo hoang sơ. 

Ông Nguyễn Thế Công kể lại những ngày chèo thuyền ra tiếp tế đảo Cồn Cỏ cho các bạn trẻ nghe  - Ảnh: Nguyễn Phúc
Ông Nguyễn Thế Công kể lại những ngày chèo thuyền ra tiếp tế đảo Cồn Cỏ
cho các bạn trẻ nghe  - Ảnh: Nguyễn Phúc
Một ngày tháng 3, trong khi miền biển Vĩnh Thái bình yên với những dải cát trắng tinh và những hàng dương xào xạc, ở khuôn viên nghĩa trang liệt sĩ xã bỗng khói hương nghi ngút, tiếng nhạc trầm hùng vang lên thôi thúc.
Thì ra, đó là một buổi sinh hoạt truyền thống và lễ kết nạp đoàn viên mới của Xã đoàn Vĩnh Thái tổ chức. Nghiêm trang đứng cùng các bạn trẻ, có một ông lão khoác trên mình một tấm áo cũ sờn, trên ngực lấp lánh những huân, huy chương. Khi được đích thân đeo những chiếc huy hiệu Đoàn lên ngực những đoàn viên vừa được kết nạp, ông nói đầy xúc động: “Các cháu vào Đoàn mà có lễ thế này thì quá hoành tráng rồi. Thời ông, chẳng có gì hết ngoài... niềm tin”. Đó chính là ông Nguyễn Thế Công.
Lần tìm về quá khứ, ông Công kể lúc chỉ tầm 17 tuổi, ông đã được cử tham gia vào đội quân của xã có nhiệm vụ tiếp sức đảo Cồn Cỏ. “Thời đó chúng tôi đi bằng thuyền gỗ đánh cá, không có máy mà dùng buồm và mái chèo để lướt đi. Vì chở gạo, nước, vũ khí nặng nên có khi phải mất gần 8 tiếng mới ra tới đảo... Việc đi và về đều phải thực hiện lúc đêm khuya thanh vắng, kẻo sợ địch phát hiện”, ông Công kể.
Cũng theo lời ông Công, trên thuyền thường đi 8 người, nhưng chỉ được trang bị 4 quả lựu đạn với ý thức duy nhất rằng: “Nếu gặp địch thì phải sống chết với chừng ấy”.
Suốt cả cuộc đời, chắc ông Công không bao giờ quên thời khắc diễn ra trong ngày 22.8.1964, khi vừa vận chuyển xong chuyến hàng ra đảo, người thuyền trưởng cũng là bí thư chi đoàn tên Nguyễn Hữu Phiệt, gọi cả thảy 7 thuyền viên đứng dậy, hàng lối chỉnh tề và tuyên bố sẽ kết nạp “đồng chí” Công vào hàng ngũ của Đoàn. “Lúc ấy, không cờ hoa, không nhạc hiệu, không huy hiệu, không sổ Đoàn nhưng tim tôi vẫn đập thình thịch. Lễ kết nạp diễn ra chóng vánh, kết thúc bằng những cái ôm tình nghĩa đồng đội, nhưng tôi tự biết bản thân mình như đã trưởng thành hơn trước đó chỉ mấy phút...”, nở nụ cười, ông Công hồi tưởng.
Một thời khắc khác chỉ diễn ra sau đó 2 tuần cũng làm vị “cảm tử quân” một thời này nhớ mãi, bởi nếu không có tích tắc đó chắc ông đã nằm lại trên biển cùng đồng đội. Ông kể: “Đầu tháng 9.1964, khi thuyền tiếp tế của đơn vị xã Vĩnh Thái chúng tôi chuẩn bị xuất phát thì được lệnh của trên yêu cầu quay về thực hiện một nhiệm vụ mới. Có ai ngờ đâu, toàn bộ số thuyền tiếp tế của các đơn vị khác khi dong thuyền hướng ra đảo thì bị giặc tấn công từ trên không, chết không còn một ai”.
Nhắc về đồng đội, ông Công cho rằng mình may mắn hơn cả vì từ 1965 được cử đi học, khi quay về 6/8 thuyền viên đồng đội đã hy sinh trên những lần ra đảo tiếp tế sau đó. Ước mơ của ông là mong các cơ quan, đoàn thể lưu tâm và xây dựng một tấm bia tưởng niệm những “tay chèo” dũng cảm, tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ trong thời kỳ kháng chiến cứu nước. “Họ hy sinh trên biển, xác thân tan trong biển. Một tấm bia, là để tôi và những người thân của họ thắp nén tâm hương thôi mà...”, ông Công xúc động nói.
Đoàn viên tuổi 51
Cũng theo ông Công, vào khoảng năm 1968, sau khi phổ biến tấm gương của ông Công về việc được kết nạp Đoàn ngoài đảo, một không khí thanh niên tại Vĩnh Thái bỗng rầm rộ lên. Nhiều người mong muốn được đứng vào hàng ngũ của Đoàn, trong số đó có cụ Nguyễn Hữu Trí, lúc đó đã 51 tuổi. Đáp ứng nguyện vọng của cụ, một chi đoàn đã tổ chức buổi lễ kết nạp đoàn viên danh dự cho cụ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.