Hoàn thiện kỹ năng cá nhân để sẵn sàng làm việc
Một trong những hoạt động giúp bồi đắp kỹ năng thực tế cho các em là chương trình Hoàn thiện kỹ năng cá nhân, sáng kiến của trường nhằm giúp sinh viên RMIT Việt Nam phát triển những kỹ năng để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng tương lai.
Trong buổi ra mắt mô hình mới của chương trình vào cuối năm 2016, Giáo sư Gael McDonald - Hiệu trưởng trường - cho biết chương trình mới được thiết kế quanh sáu bộ kỹ năng mà nhà tuyển dụng tìm kiếm ở các ứng viên tiềm năng. Bà nói: “Nhà tuyển dụng không chỉ cần những tân khoa có kiến thức chuyên ngành, họ còn cần nhân viên có kỹ năng mềm để giao tiếp, hợp tác và thương thảo hiệu quả trong thế giới thay đổi nhanh chóng hiện nay”.
Qua chương trình, cùng các môn học chính khóa, các em sẽ được bồi đắp để trở thành những người có tư duy sáng tạo, giao tiếp tự tin, biết cách làm việc trong môi trường đa văn hóa, lãnh đạo có nhân cách, chuyên gia hoạch định sự nghiệp và công dân thời đại số. Các em có thể tích lũy sáu bộ kỹ năng này qua các lớp kỹ năng mềm hoặc các hoạt động ngoại khóa đa dạng diễn ra ở mỗi học kỳ. Sau khi hoàn thành chương trình, các em sẽ được ghi nhận vào bảng điểm chính thức, và khi tốt nghiệp, các em sẽ nhận được chứng chỉ hoàn tất chương trình cùng bộ hồ sơ số mà các em có thể dùng làm minh chứng trong hồ sơ xin việc sau này.
|
Lợi thế cạnh tranh nhờ kết nối với doanh nghiệp
Bên cạnh đó, nhờ mối quan hệ chặt chẽ và bền vững mà trường đã tạo dựng được với nhiều ngành nghề khác nhau, trong suốt hành trình học tại RMIT Việt Nam, sinh viên luôn có cơ hội tìm hiểu, làm việc và giao lưu kết nối với doanh nghiệp.
Bà Manuela Spiga, Trưởng phòng Tư vấn hướng nghiệp và Quan hệ doanh nghiệp, cho biết trường xây dựng được mối quan hệ bền chắc với các tập đoàn đa quốc gia lớn, cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài, “nhờ đó, các em có cơ hội tìm việc làm cũng như vị trí thực tập nhờ chương trình thực tập sinh và các buổi giao lưu với đại diện trong ngành”.
“Một cách hay để có được câu trả lời đáng tin và chuẩn xác liên quan đến nghề cũng như công việc tương lai là nói chuyện với những người thực sự đang làm việc trong ngành”, bà Spiga giải thích về lợi thế khác biệt mà chương trình Cố vấn nghề nghiệp độc đáo và đặc trưng của trường đem đến. “Chỉ từ đầu năm đến nay, chương trình đã kết nối 62 sinh viên RMIT với chuyên gia các ngành khác nhau để khám phá cơ hội nghề nghiệp cả ở Việt Nam và nước ngoài. Đôi bên phải gặp gỡ ít nhất một tiếng mỗi bốn tuần trong suốt kỳ cố vấn nghề nghiệp kéo dài 12 tuần”.
|
Sinh viên còn có cơ hội bước khỏi vùng an toàn của bản thân và thể hiện trước các chuyên gia ở những Đêm giao lưu với doanh nghiệp mà trường thường xuyên tổ chức.
Trong hai đêm giao lưu vừa được tổ chức tại Hà Nội và TP.HCM, đại diện của hơn 100 doanh nghiệp có tiếng đã đến tham dự sự kiện và tạo điều kiện cho hơn 200 sinh viên “vượt qua những e dè ban đầu, trình bày ý tưởng cũng như dự án của mình một cách rõ ràng với nhà tuyển dụng tiềm năng, và chủ động nói chuyện với khách mời để tìm kiếm cơ hội phỏng vấn xin việc”.
Ngoài ra, chương trình Thực tập sinh của trường cũng nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của doanh nghiệp với gần 600 vị trí thực tập hằng năm cho sinh viên.
|
“Những gì chúng tôi đang nỗ lực thực hiện tại RMIT Việt Nam là tìm nhiều cách khác nhau giúp sinh viên phát triển kỹ năng có thể chuyển đổi - những thứ giúp các em sẵn sàng cho cuộc sống và công việc tương lai”, bà Spiga kết lời.
Bình luận (0)