Kết quả khảo sát do Phòng Thương mại - Công nghiệp VN và Ngân hàng Thế giới tại VN công bố cho thấy trong khi công chức hài lòng thì nhiều người dân và doanh nghiệp vẫn đang bức xúc về một loạt vấn đề của đời sống.
Nhiều ý kiến cho rằng nhà nước nên can thiệp bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu - Ảnh: D.Đ.M
|
Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN hôm qua (23.7) đã chính thức công bố kết quả khảo sát người dân, doanh nghiệp (DN), cán bộ, công chức… về “Cảm nhận về nhà nước và thị trường năm 2014 (CAMS 2014)”. Cuộc khảo sát được thực hiện trong năm 2014, trên 4.000 đối tượng được khảo sát, lấy ý kiến. Trong nhóm đối tượng được khảo sát có các nhóm: người dân, doanh nghiệp dân doanh; nhóm các sứ quán, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp FDI; nhóm các bộ, công chức các cơ quan Chính phủ, chính quyền địa phương, các cơ quan Quốc hội...
|
Chưa tin vào vận hành kinh tế thị trường
Theo chuyên gia kinh tế cao cấp WB Đoàn Hồng Quang, những kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu về cảm nhận của người dân đối với thị trường có nhiều điểm đáng ngạc nhiên. Trên 80% ý kiến được hỏi ủng hộ xây dựng nền kinh tế thị trường, nhưng cũng có tới 75% ý kiến vẫn muốn có sự can thiệp của nhà nước để bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu (tăng 7% so với kết quả khảo sát CAMS 2011). Kể cả một số mặt hàng như gạo và thực phẩm cũng có tới gần 70% số ý kiến ủng hộ quan điểm nhà nước phải có biện pháp bình ổn giá các mặt hàng này.
“Điều này có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau. Có những thiết chế nhà nước để bảo hộ, can thiệp giá cả… mà người dân chưa muốn bỏ. Có những lĩnh vực, người dân vẫn được hưởng lợi khi nhà nước can thiệp như thuốc chữa bệnh, xăng dầu, điện…”, ông Quang nói và nhận xét: “Kết quả này phần nào cho thấy việc vận hành nền kinh tế thị trường ở VN chưa thực sự tạo niềm tin và đem lại hiệu quả tích cực cho xã hội như tạo cạnh tranh, thúc đẩy giảm giá, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và càng khiến cho người dân có tâm lý mong chờ sự can thiệp của nhà nước”.
Mong muốn là vậy nhưng kết quả khảo sát cũng chỉ ra người dân đánh giá thấp vai trò can thiệp của nhà nước qua các công cụ như bình ổn giá, bình ổn thị trường. Bình luận về điều này, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, nhận xét đa số người dân tuy thích “thị trường hóa” nhưng vẫn muốn nhà nước bao cấp, can thiệp thì VN vẫn đang là nền kinh tế chuyển đổi chứ chưa phải nền kinh tế thị trường. “Thị trường còn nhiều rủi ro, bất ổn thì người dân cảm thấy không an toàn, vẫn muốn dựa vào nhà nước là dễ hiểu”, ông nói.
Công chức hài lòng, người dân bức xúc
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI - thành viên nhóm nghiên cứu CAMS 2014, cho biết: “Tỷ lệ hài lòng với tình hình kinh tế hiện nay của đất nước đã giảm xuống mức rất thấp, chỉ 19%. Nhóm đối tượng là cán bộ, công chức làm việc cho chính quyền địa phương, Quốc hội... thì cơ bản là hài lòng. Nhóm tổ chức quốc tế, báo chí, FDI bi quan hơn. Có 47% ý kiến người dân bày tỏ bức xúc trước khoảng cách giàu - nghèo tăng lên ở VN”.
Đánh giá về hiện trạng thi hành chính sách và mức độ minh bạch của chính sách, chỉ có 14% người được hỏi cho là có sự minh bạch. Trong đó, nhóm đối tượng DN FDI, tổ chức quốc tế, chỉ có 3 - 4% người được hỏi cho là có sự minh bạch.
Một thông tin đáng lưu ý khác là năm nay, đa số người tham gia cuộc khảo sát bày tỏ quan điểm ủng hộ xu hướng nhà nước chuyển một số dịch vụ công sang khu vực tư nhân thực hiện với quan điểm cho rằng tư nhân cung cấp dịch vụ tốt hơn nhà nước. Về sở hữu và cải cách DN nhà nước, thì trên 70% ý kiến được hỏi cho là sở hữu tư nhân ưu việt hơn, chỉ có nhóm rất nhỏ khoảng 4% cho là sở hữu nhà nước ưu việt hơn.
Bình luận về các kết quả khảo sát về cải cách kinh tế theo CAMS 2014, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, cho rằng cải cách hiện nay đang diễn ra nhưng khó khăn hơn nhiều so với công cuộc đổi mới từ năm 1986. “Việc cải cách lần này để thị trường vận hành tốt hơn và chuyển lên mức cao hơn thì nó đòi hỏi những thay đổi mạnh mẽ của bộ máy nhà nước về chức năng, cách thức quản lý, năng lực bộ máy từ trên xuống”, ông Cung nói. Theo ông, mặc dù hiện nay việc đảm bảo gia nhập thị trường của DN đã tương đối tốt, nhưng nhà nước thất bại trong thực hiện vai trò thúc đẩy, hỗ trợ, tạo môi trường cạnh tranh công bằng do thiếu cơ chế đảm bảo vận hành.
Về phần mình, ông Đinh Tuấn Minh, chuyên gia Viện Chiến lược và chính sách khoa học - công nghệ, cho rằng với những kết quả khảo sát CAMS 2014 cho thấy cần có cải cách quyết liệt hơn nữa ở trong nước để kinh tế VN tương thích và hòa nhập toàn cầu. “Động lực của khối DN nhà nước để cải cách còn rất yếu, vẫn có thói quen trông chờ ỷ lại vào nhà nước hỗ trợ mà chưa tự vươn ra khai thác lợi thế thị trường, cơ hội do hội nhập mang lại. Đây là thời điểm mà nhà nước không thể duy trì bảo hộ được nữa, phải để DN tự vươn ra nắm bắt cơ hội rộng mở từ các hiệp định thương mại tự do (FTA)”, ông Minh nhận xét.
Khó cải cách nếu chỉ cổ phần hóa ‘một phần’
Tại hội nghị đối thoại cấp cao giữa Bộ Tài chính và Nhóm đối tác tài chính công sáng qua 23.7, Cục phó Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến cho biết hiện có 61/289 DN nhà nước đã thực hiện cổ phần hóa (CPH), nhưng cũng còn tới 57 DN chưa triển khai quá trình này. Thủ tướng đã yêu cầu các bộ ngành kiểm điểm và đưa ra giải pháp chấn chỉnh với các DN trên.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Aaron Batten, cải cách DN nhà nước đang khó khăn hơn khi còn 228 DN chưa CPH. Chuyên gia này cũng chỉ ra những thách thức hiện nay như tái cơ cấu mới chỉ diễn ra ở các DN nhỏ, những DN lớn, phức tạp thì tài sản, nợ không rõ ràng, quản trị yếu, thiếu minh bạch, làm nản lòng các nhà đầu tư mới. Ông Batten cho rằng việc CPH mới thực hiện “một phần” nên khu vực tư nhân hiện vẫn kiểm soát ít cổ phiếu tại các DN, dẫn tới ít quyền trong việc tái cấu trúc DN.
Đáng nói, chuyên gia ADB cũng cho biết hiện chỉ có 8% DN nhà nước cung cấp báo cáo tài chính trên trang web công ty sau CPH. Đây là sự thiếu rõ ràng, thiếu minh bạch và khó đo lường tình hình hoạt động của DN sau CPH. Trước những nghi ngại này, ông Đặng Quyết Tiến cho hay Chính phủ đã có giải pháp bán vốn theo lô. Theo đó, các nhà đầu tư đủ năng lực vốn, trình độ quản trị và cam kết ở lại lâu dài với DN hoàn toàn có thể mua theo lô. Nhà nước cũng có thể bán hết phần vốn ở lĩnh vực không cần nắm giữ cho các nhà đầu tư. Ông Tiến cũng khẳng định, đã có quy định công khai thông tin, và chế tài với việc không công bố công khai thông tin tài chính của các DN sau CPH.
Mai Hà
|
Bình luận (0)