Kết quả thi THPT quốc gia ở Hà Giang cực kỳ phi lý

14/07/2018 07:48 GMT+7

Những chuyên gia lâu năm trong ngành GD-ĐT và thanh tra thi cử đều thấy điểm thi của Hà Giang là bất thường nhưng họ cũng thừa nhận việc lật lại bài thi trắc nghiệm để phát hiện tiêu cực khó hơn nhiều so với bài thi tự luận.

[VIDEO] Điểm thi THPT Quốc gia “khủng” của con gái bác bảo vệ trường làng
Nghi vấn thành viên hội đồng chấm thông đồng nhau?
Ông Lê Đức Vĩnh, nguyên Trưởng bộ môn toán, Học viện Nông nghiệp Hà Nội, khẳng định, là người mấy chục năm dạy về thống kê và phân tích số liệu, tôi cho rằng kết quả thi của Hà Giang là cực kỳ phi lý. Theo ước đoán của ông Vĩnh, xếp hạng chất lượng giáo dục của Hà Giang vào khoảng từ 55 tới 63. Vậy mà tỷ lệ thí sinh (TS) khối A1 đạt 27 điểm trở lên của Hà Giang so với số TS cùng loại trong cả nước là 46,27%; trong 14 TS có điểm thi môn toán cao nhất nước thì Hà Giang có 3 em, trong khi đó Hà Nội chỉ có 1, mà số TS ở Hà Giang chưa bằng 1/10 so với Hà Nội. “Chỉ những con số này cộng với kết quả điểm thi khối A1 cũng đủ cho ta thấy việc chấm thi tại Hà Giang là có đáng tin hay không?”, ông Vĩnh đặt vấn đề.
Ông Vĩnh cũng cảnh báo, Bộ GD-ĐT và các quan chức giáo dục ở địa phương luôn khẳng định độ tin cậy của việc chấm thi trắc nghiệm vì bài thi do máy chấm. Tuy nhiên, theo ông Vĩnh, trước khi đưa vào máy chấm thì toàn bộ các khâu bảo quản bài thi đều là do con người. Số lượng người giám sát khâu chấm thi trắc nghiệm cũng không nhỏ, khu vực chấm thi cách ly với bên ngoài, không có ai giám sát. Hoàn toàn có thể đặt ra nghi ngờ nếu tất cả các thành viên trong hội đồng chấm trắc nghiệm thông đồng với nhau cùng sửa bài rồi mới đưa vào máy quét.
Phải dụng công và mất nhiều thời gian để tìm sự thật
Mặc dù khẳng định “xác suất hiện tượng sửa bài của Hà Giang xấp xỉ 100%” nhưng ông Vĩnh cho rằng việc tìm ra sự gian trá trong chấm thi trắc nghiệm là cực kỳ khó. Trong thi tự luận, việc chỉnh sửa vào bài thi hoặc những dấu hiệu bất thường có thể phát hiện ra ngay; bài thi còn lưu lại trong suốt thời gian 4, 5 năm sinh viên đó học ĐH. Tuy nhiên, việc lật lại bài thi trắc nghiệm với việc khoanh vào đáp án đúng (bằng bút chì) thì rất khó phát hiện “bút tích” đó là của ai. Bộ GD-ĐT khi vào cuộc có thể mời Viện Khoa học hình sự của Bộ Công an lấy mẫu than bút chì của tất cả các câu của 36 TS thi khối A1 (toán, lý, tiếng Anh) đạt trên 27 điểm xem có phải cùng một loại hay không, có phải là do một người tô hay không… Nhưng điều này cũng khó kết luận vì người ta sẽ nói TS dùng hai loại bút chì và do tâm lý thi cử nên TS có thể lúc tô nhạt, lúc tô đậm.
Ông Trần Bá Giao, nguyên Phó chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, cũng cho rằng nhìn vào điểm thi của Hà Giang thì đúng là thấy có bất thường nhưng khi đặt ra vấn đề không trung thực thì cũng có nhiều con đường để tìm hiểu chứ không nên chỉ nghĩ theo một chiều hướng. Khi có hiện tượng bất thường, cần thanh tra hết tất cả các khâu của kỳ thi, khai thác nhiều khía cạnh. Ví dụ trong cả một ê kíp có những người không đồng ý nhưng họ bị bắt buộc phải làm và nếu biết khai thác họ sẽ lên tiếng; hỏi TS trong cùng phòng thi; có thể đối chiếu điểm thi của những TS có kết quả bất thường với hồ sơ thực học…

Khi kỳ thi kết thúc, ông Giao cho rằng, việc tìm ra sự thực sẽ phải dụng công và mất thời gian hơn. Ông Giao còn cho rằng nếu quyết tâm điều tra để có thêm thông tin thì nên tìm hiểu những TS trên có thân thế như thế nào, có thuộc vào những đối tượng dễ được "nâng đỡ" hay không…
Cho thí sinh có điểm thi bất thường thi lại?
Ông Lê Đức Vĩnh cho rằng nếu Bộ GD-ĐT có ý định làm thì cũng có thể làm được bằng cách cho 36 TS ở Hà Giang làm lại một mã đề tương tự, Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm giám sát từ khâu coi thi đến chấm thi sẽ phát hiện ra có sự gian dối hay không.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Thanh Niên, một cán bộ công tác lâu năm trong ngành GD-ĐT cho rằng việc cho một số TS thi lại để phát hiện tiêu cực trong khâu coi thi hoặc chấm thi là điều chưa từng xảy ra với kỳ thi quốc gia.
Từ trước tới nay, những vụ việc tiêu cực có tổ chức trong kỳ thi này ở một số địa phương đã từng diễn ra nhưng chưa bao giờ, Bộ GD-ĐT xử lý đến TS hoặc bài làm của TS. Vụ tiêu cực ở hội đồng thi Đồi Ngô năm 2012 là ví dụ khá điển hình, có tới 42 cán bộ, nhân viên trong hội đồng thi bị xử lý kỷ luật nhưng kết quả bài làm của TS vẫn được bảo toàn, dù kết quả đó hoàn toàn là do tiêu cực mà có. Vụ bắt tay “chấm lỏng” của 11 sở GD-ĐT các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 cũng gây bức xúc lớn trong xã hội nhưng Bộ GD-ĐT vẫn kết luận không chấm lại bài thi của TS.
[VIDEO] Bên trong khu chấm thi THPT quốc gia: Miệt mài dưới nắng nóng 40 độ - Video tư liệu
Bộ chưa cử thanh tra xác minh vụ việc mà giao cho tỉnh
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, cho biết lãnh đạo Bộ đã ký văn bản yêu cầu Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 tỉnh Hà Giang kiểm tra, rà soát, xác minh toàn bộ các khâu của kỳ thi và báo cáo bằng văn bản về Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia qua Cục Quản lý chất lượng trước ngày 17.7.2018. Do vậy, Bộ sẽ vẫn cập nhật tình hình nhưng tin tưởng và giao trách nhiệm toàn bộ quá trình xác minh, rà soát của Ban Chỉ đạo thi tỉnh Hà Giang mà không cử cán bộ thanh tra giám sát quá trình này. “Sau khi nhận được báo cáo chính thức của Ban Chỉ đạo thi tỉnh Hà Giang, nếu thấy cần thiết, Bộ GD-ĐT mới có các động thái tiếp theo”, ông Bằng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.