Sau 5 năm “vật vã” đàm phán, đại diện 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngày 5.10 đã đạt được thỏa thuận lịch sử về hiệp định thương mại tự do quy mô bậc nhất thế giới này.
Kinh tế VN, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức - Ảnh: Quang Thuần |
Mục tiêu tối hậu của TPP là mở cửa thị trường với hàng hóa và dịch vụ, xóa bỏ thuế quan và dỡ bỏ mọi rào cản thương mại, tạo cú hích phát triển mới ở từng nền kinh tế tham gia lẫn toàn bộ các mối quan hệ hợp tác giữa họ với nhau. Hiệp định này sẽ giúp tái định hình các ngành công nghiệp và tác động đến mọi thứ từ giá phô mai đến chi phí chữa ung thư. Nó sẽ tác động tới 40% nền kinh tế toàn cầu, xác lập luật lệ cho thương mại và đầu tư trong thế kỷ 21 cũng như tạo ra những biến chuyển lớn về kinh tế, thương mại và cả pháp lý tại 12 quốc gia VN, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, Mỹ, New Zealand, Nhật Bản, Peru, Singapore và Úc.
Theo giới quan sát, TPP còn có ý nghĩa chính trị với vai trò là một đối trọng về ảnh hưởng với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trong các điều khoản của TPP có quy định yêu cầu các nước đứng ngoài hiệp định, bao gồm cả Trung Quốc, phải có hành vi thương mại phù hợp với các chuẩn mực của khối khi làm ăn với từng thành viên.
12 quốc gia tham gia TPP
|
|
Ngoài ra, để TPP được ra đời, một loạt vấn đề khác cũng được giải quyết trong những thời khắc cuối cùng trước khi kết thúc đàm phán ngày 5.10 như bảo vệ người nông dân chăn nuôi bò sữa, miễn giảm thuế xe hơi… Bên cạnh đó là những quy định về quyền của công nhân, vai trò của công đoàn, bảo vệ môi trường và xác lập những nguyên tắc chỉ đạo nhằm giải quyết tranh chấp giữa chính phủ và nhà đầu tư nước ngoài mà không cần đến tòa án quốc gia.
Hiện TPP còn phải chờ quốc hội của 12 nước tham gia đàm phán phê chuẩn để chính thức được áp dụng. Mỹ chính là nước khởi xướng TPP và nếu được quốc hội thông qua, đây sẽ là một trong những thành tựu mang tính kiến tạo di sản cho Tổng thống Obama sau 2 nhiệm kỳ cầm quyền.
Ý kiến
Cơ hội cho phát triển kinh tế VN
“Sau khi giải quyết những khúc mắc cuối cùng về các vấn đề sinh dược, sữa; giải quyết một số vấn đề khúc mắc trong đàm phán song phương liên quan đến các mặt hàng giày dép, dệt may... các bộ trưởng đã đạt được sự nhất trí cơ bản trên tất cả các vấn đề vào khoảng 4 giờ 20 sáng 5.10 (tại Atlanta, Mỹ), tức là khoảng 3 giờ chiều cùng ngày ở Hà Nội và các bộ trưởng đã chính thức tuyên bố kết thúc đàm phán.
Kết thúc đàm phán TPP có ý nghĩa rất lớn với các nước thành viên tham gia vì các nền kinh tế của các nước tham gia TPP chiếm 40% GDP toàn cầu và 30% thương mại toàn cầu. Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới này sẽ tạo ra chuỗi cung ứng mới, tạo thuận lợi cho dòng chảy đầu tư và thương mại. Đem lại lợi ích cho tất cả các nước tham gia.
Trước mắt, sau sự kiện trên, các nước thành viên tham gia TPP sẽ phải tập trung rà soát pháp lý, các nội dung hiệp định để sớm công bố nội dung hiệp định cho người dân, doanh nghiệp biết; chúng tôi biết người dân, doanh nghiệp rất quan tâm đến sự kiện này.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh,Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định TPP
M.Q (ghi)
|
Bình luận (0)