Kết thúc phiên tòa xét xử đường dây đưa Dương Chí Dũng chạy trốn: Khởi tố vụ án làm lộ thông tin tuyệt mật

09/01/2014 07:35 GMT+7

Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Dương Tự Trọng 18 năm tù; Vũ Tiến Sơn 13 năm tù; Hoàng Văn Thắng 5 năm tù; Đồng Xuân Phong 7 năm tù; Trần Văn Dũng (tức Dũng “Bắc Kạn”) 8 năm tù; Nguyễn Trọng Ánh 6 năm tù và Phạm Minh Tuấn 5 năm tù.

>> Kiến nghị điều tra các thông tin liên quan đến cán bộ cấp cao của Bộ Công an nhận 510.000 USD và 20 tỉ đồng
>> Dương Tự Trọng bị tuyên phạt 18 năm tù

Chiều qua 8.1, phiên tòa sơ thẩm của TAND TP.Hà Nội xét xử bị cáo Dương Tự Trọng cùng đồng phạm tổ chức cho nguyên Cục trưởng Hàng hải Dương Chí Dũng chạy trốn ra nước ngoài đã kết thúc. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Dương Tự Trọng 18 năm tù; Vũ Tiến Sơn 13 năm tù; Hoàng Văn Thắng 5 năm tù; Đồng Xuân Phong 7 năm tù; Trần Văn Dũng (tức Dũng “Bắc Kạn”) 8 năm tù; Nguyễn Trọng Ánh 6 năm tù và Phạm Minh Tuấn 5 năm tù.

Kết thúc phiên tòa xét xử đường dây đưa Dương Chí Dũng chạy trốn: Khởi tố vụ án cố ý làm lộ thông tin tuyệt mật

Hội đồng xét xử tuyên án vào chiều qua và công bố quyết định khởi tố vụ án về tội làm lộ bí mật nhà nước - Ảnh: TTXVN

Kết thúc phiên tòa xét xử đường dây đưa Dương Chí Dũng chạy trốn: Khởi tố vụ án cố ý làm lộ thông tin tuyệt mật

Bị cáo Dương Tự Trọng và các bị cáo nghe tòa tuyên án - Ảnh: TTXVN

Hội đồng xét xử phân tích, bị cáo Dương Tự Trọng (nguyên Phó giám đốc Công an TP.Hải Phòng) là cán bộ cấp cao, trong quá trình công tác có nhiều thành tích, gia đình có truyền thống cách mạng nhưng vẫn phải áp dụng hình thức phạt tù nghiêm khắc nhất mới phản ánh đúng tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo. Các bị cáo khác khai báo thành khẩn, không có động cơ vụ lợi, có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên được giảm nhẹ một phần hình phạt.

Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng

 

Đây là chuyên án được Cơ quan Cảnh sát
điều tra Bộ Công an đang xem xét, điều tra
khởi tố, thuộc loại thông tin tuyệt mật của nhà nước nhưng đã có sự thông tin để Dương Chí Dũng trốn khỏi Việt Nam. Thực tế Dương Chí Dũng đã bỏ trốn trước khi có quyết định khởi tố gây khó khăn cho Cơ quan Cảnh sát điều tra nên Hội đồng xét xử thấy có dấu hiệu phạm tội và cần thiết khởi tố vụ án

Chủ tọa phiên tòa

Hội đồng xét xử xác định việc tiết lộ thông tin để Dũng bỏ trốn và việc tổ chức cho người khác trốn ra nước ngoài của Dương Tự Trọng là hai hành vi có mối quan hệ hoàn toàn khác nhau nên không chấp nhận trả hồ sơ điều tra bổ sung như đề nghị của luật sư.

“Việc Dương Chí Dũng trốn trót lọt sang Campuchia, không những gây khó khăn cho cơ quan điều tra mà còn gây khó khăn cho công tác phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước; gây ra sự hoài nghi trong nhân dân đối với cơ quan bảo vệ pháp luật. Nếu như không bắt được Dương Chí Dũng, thì các khoản tiền tham ô và gây thất thoát của Dũng không bao giờ thu hồi cho nhà nước, đồng thời gây tốn kém về tiền của cho cơ quan điều tra trong việc tổ chức truy bắt, cho nên hậu quả của vụ án là đặc biệt nghiêm trọng”, bản án sơ thẩm nêu rõ.

Khởi tố vụ án tại tòa

Ngay sau khi công bố bản án, thay mặt Hội đồng xét xử, chủ tọa phiên tòa Trương Việt Toàn đã công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội làm lộ bí mật nhà nước theo quy định tại điều 263 bộ luật Hình sự. Quyết định khởi tố này được căn cứ vào lời khai của bị cáo Vũ Tiến Sơn, của nhân chứng Dương Chí Dũng, tài liệu có trong hồ sơ vụ án Dương Tự Trọng và đồng phạm bị Viện KSND tối cao truy tố về tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài. Đồng thời, căn cứ vào kết quả xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa ngày 7 và 8.1 cũng như đề nghị của đại diện Viện KSND TP.Hà Nội tại phiên tòa.

Hội đồng xét xử ghi nhận, tại phiên tòa nhân chứng Dương Chí Dũng đã thêm một lần khai nhận được thông tin sẽ bị khởi tố, sẽ bị bắt tạm giam, đồng thời nghe lời khuyên “tạm lánh đi một thời gian” nên Dũng bỏ trốn. Lời khai này phù hợp với quyển nhật ký theo dõi hành trình bỏ trốn của Dũng, phù hợp với lời khai của Vũ Tiến Sơn về việc Dương Tự Trọng nói “có sếp to trên Bộ Công an bảo lánh đi”.

“Xét lời khai và diễn biến tại phiên tòa, Hội đồng xét xử cho rằng đây là chuyên án được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang xem xét, điều tra khởi tố, thuộc loại thông tin tuyệt mật của nhà nước nhưng đã có sự thông tin để Dương Chí Dũng trốn khỏi Việt Nam. Thực tế Dương Chí Dũng đã bỏ trốn trước khi có quyết định khởi tố gây khó khăn cho Cơ quan Cảnh sát điều tra nên Hội đồng xét xử thấy có dấu hiệu phạm tội và cần thiết khởi tố vụ án”, chủ tọa phiên tòa nêu rõ.

Hội đồng xét xử giao cho Viện KSND TP.Hà Nội tổ chức báo cáo với Viện KSND tối cao vụ án được khởi tố tại phiên tòa để xử lý làm rõ theo quy định pháp luật.

Điều tra hành vi nhận 510.000 USD và 20 tỉ đồng

Ngoài ra, Hội đồng xét xử cũng yêu cầu Viện KSND điều tra làm rõ hành vi nhận 510.000 USD để chạy tội cho Dương Chí Dũng trong vụ án Vinalines và nhận 20 tỉ đồng để được làm dự án chuyển đổi công năng cảng Sài Gòn của Công ty Vạn Thịnh Phát (TP.HCM) và dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án, nếu có căn cứ vi phạm thì xử lý theo quy định pháp luật.

Kiến nghị của Hội đồng xét xử đã nêu rõ: “Tại phiên tòa anh Dũng khẳng định một lần nữa số tiền đã đưa cho đồng chí Phạm Quý Ngọ là 510.000 USD; đồng chí Thanh, Cục trưởng Cục C48 20.000 USD; đồng chí Sơn, Phó phòng C48 10.000 USD (không phải trung tá Nguyễn Đại Sơn, Phó phòng 8, C48 ở TP.HCM - PV). Đồng thời khai thêm trước đó đã đưa cho đồng chí Phạm Quý Ngọ 20 tỉ đồng để Tập đoàn Vạn Thịnh Phát do bà Lan làm chủ được thực hiện dự án chuyển đổi công năng cảng Sài Gòn thay thế Công ty Lâm Đức Hải”.

Trao đổi với PV chiều qua, TS Dương Thanh Biểu, nguyên Phó viện trưởng Viện KSND tối cao, cho biết theo quy trình thì sau khi có quyết định khởi tố của Hội đồng xét xử, TAND TP.Hà Nội và Viện KSND TP.Hà Nội sẽ có ý kiến, báo cáo với Viện KSND tối cao về cả hai vụ việc liên quan đến việc khởi tố vụ án “làm lộ bí mật nhà nước” và nghi vấn nhận hối lộ của cán bộ cấp cao Bộ Công an. Theo thẩm quyền thì Viện KSND tối cao chỉ tiến hành điều tra trực tiếp các vụ án liên quan đến sai phạm trong hoạt động tư pháp, chính vì thế có thể Viện sẽ chuyển hồ sơ sang Bộ Công an đề nghị thực hiện. Trong quá trình đó, Cục Điều tra hình sự của Viện KSND tối cao sẽ có trách nhiệm giám sát và cùng với Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an (cơ quan thực hiện điều tra vụ án tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép) điều tra vụ việc.

“Mong anh tôi được hưởng khoan hồng”

Nói lời cuối cùng trước khi Hội đồng xét xử nghị án, bị cáo Dương Tự Trọng xin tòa dành 1 phút để phát biểu và xin thứ lỗi vì lâu không được nói nên có thể lạc hậu. “Tôi luôn cầu mong cho anh tôi, mong anh tôi được hưởng khoan hồng của pháp luật, luôn mong sự khoan dung, vị tha của người đời. Với các bị cáo khác, tôi kính mong Hội đồng xét xử khách quan, khoan hồng để họ có thể sớm trở lại cuộc đời. Còn về phần tôi, tòa kết tội như thế nào, tôi xin chấp hành nghiêm túc”.

Các bị cáo khác từng công tác trong ngành công an cũng bày tỏ sự tiếc nuối cho sự nghiệp, gia đình.

Thái Sơn - Minh Sang

>> Xét xử vụ Dương Tự Trọng: Các bị cáo khai chi tiết về việc đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn
>> Dương Chí Dũng khai đem 500.000 USD tới nhà Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ
>> Dương Chí Dũng khai Thứ trưởng Công an Phạm Quý Ngọ khuyên bỏ trốn
>> Nguyên Cục trưởng Cục cảnh sát chống tham nhũng nói ‘không liên quan’ đến Dương Chí Dũng
>> Từ lời khai của Dương Chí Dũng về Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ: Luật sư kiến nghị dừng vụ án để điều tra lại
>> Sau lời khai của Dương Chí Dũng về Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ: Khởi tố vụ án làm lộ thông tin tuyệt mật của Nhà nước

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.