Kẹt tiền đi vay đụng ngay... lừa đảo khoắng sạch tài khoản

13/06/2023 13:01 GMT+7

Đánh vào tâm lý nhiều người cần tiền để trang trải cho cuộc sống, kẻ xấu đã thực hiện các thủ đoạn lừa đảo trên trang mạng xã hội để lừa tiền.

Chưa vay được tiền đã bị mất tiền

Sáng 12.6, chị Y.P (TP.Đà Lạt) hốt hoảng khi bị lừa mất 5 triệu đồng nhưng lại càng lo hơn khi không biết có bị đòi nợ nữa hay không. 

Chuyện là, chị Y.P đang cần tiền, thấy trên trang mạng xã hội Facebook có ảnh của ngân hàng MB nên vào xem thông tin. Thấy đường link https://taichinhivn.com nên chị nhấp vào đăng ký làm hợp đồng 20 triệu đồng.

Khi được duyệt khoản vay, nhân viên tư vấn chị vào ví điện tử của công ty rút tiền về. Làm theo chị nhận được thông tin báo sai số tài khoản. Để có thể chỉnh sửa dữ liệu, nhân viên này yêu cầu chị Y.P đến công ty có trụ sở tại TP.HCM hoặc chuyển khoản cho họ 5 triệu đồng để họ sửa thông tin vay. Do ở khác tỉnh nên chị Y.P chọn chuyển vào ví 5 triệu đồng. 

Kẹt tiền, đi vay vốn đụng ngay kẻ lừa đảo - Ảnh 1.

Kẻ lừa đảo giả mạo nhân viên ngân hàng chiếm đoạt tiền

NGỌC THẠCH

Đến khi sửa thông tin xong, số tiền trong ví lên 25 triệu đồng. Chị Y.P vào rút 25 triệu đồng thì hệ thống báo số tiền rút vượt hạn mức trong hợp đồng vay, tài khoản bị đóng băng. Lúc này, nhân viên tư vấn hướng dẫn chị Y.P chuyển khoản 50% số tiền trong ví điện tử, tức 12,5 triệu đồng. Lúc này, chị Y.P mới nghĩ ra mình bị lừa.

"Em đã làm thủ tục hợp đồng vay mà chưa nhận được đồng nào, ngược lại em còn chuyển khoản cho họ 5 triệu đồng. Chiều nay, họ nhắn hỏi em đã nhận được tiền chưa. Em sợ họ dựa vào đây để đòi và siết nợ quá. Em đã chụp toàn bộ thông tin trao đổi để có gì trình báo công an", chị Y.P cho hay.

Một trường hợp khác bị lừa số tiền lớn khi đăng ký vay trên mạng xã hội. Chị T.N (giám đốc công ty tư nhân có trụ sở tại TP.HCM) cũng vừa bị mất khoảng 35 triệu đồng vì kiểu lừa đảo này.

Theo chị T.N, thông qua trang mạng xã hội Facebook, chị T.N nhấp vào một trang có logo của Vietcombank (sau này mới biết trang giả mạo ngân hàng) để nhắn tin: "Công ty tôi cần vay vốn tín chấp. Bên bạn có hỗ trợ được không? Mình muốn vay 200 triệu đồng". Phía bên kia nhắn lại: "Anh/chị vui lòng liên hệ và kết bạn Zalo anh Phạm Thanh Phong. Sau khi tìm hiểu người tên Phạm Thanh Phong trên Zalo có số thẻ nhân viên, hình ảnh chụp cùng các lãnh đạo tại hội nghị của Vietcombank nên chị T.N đã tin tưởng tiến hành các thủ tục vay. 

Kẹt tiền, đi vay vốn đụng ngay kẻ lừa đảo - Ảnh 2.

Kẻ lừa đảo chặn các cuộc gọi, tin nhắn trên điện thoại sau khi đã lừa tiền người dân

CMH

Khi làm hợp đồng, Phong yêu cầu chị T.N cung cấp số tài khoản, mã thẻ để tiện việc chuyển tiền vào tài khoản. Sau đó, Phong báo có mã hợp đồng nhắn về số điện thoại và yêu cầu chị nhắn lại, lúc này chị T.N không biết đó là mã OTP nên đã làm theo hướng dẫn. Ngay tức thì, tài khoản của chị T.N bị trừ số tiền gần 35 triệu đồng, chỉ còn dư lại hơn 100.000 đồng. Sau khi chất vấn Phong tại sao trừ tiền trong tài khoản, Phong giải thích vay tín chấp nên phải như vậy. Sau đó, Phong gởi hợp đồng và đòi T.N chuyển thêm 16 triệu tiền phí bảo hiểm, lúc này T.N không đồng ý vay và yêu cầu Phong chuyển trả toàn bộ tiền đã chuyển trước đó. Ngay tức thì Phong "biến", chặn Zalo, điện thoại và xóa hết các thông tin đã trao đổi. Chị T.N lúc này gọi cho tổng đài Vietcombank khóa tài khoản và chặn các giao dịch.

Cẩn trọng bảo vệ những thông tin cá nhân

Trước những thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dân, hàng loạt ngân hàng liên tục cảnh báo khách hàng trong thời gian gần đây. Công ty Tài chính Mirae Asset (MAFC) vừa đưa ra cảnh báo về hiện tượng lợi dụng nhu cầu vay vốn tăng cao của nhiều cá nhân, hộ kinh doanh nhỏ, các đối tượng phạm tội đã mạo danh các ngân hàng, công ty tài chính cho vay tiền trực tuyến, với lãi suất rất thấp nhằm thực hiện hành vi lừa đảo. Các đối tượng lừa đảo tạo lập hàng ngàn tài khoản Facebook với các nguồn thông tin giả, tham gia vào các hội nhóm, diễn đàn, đăng bài quảng cáo cho vay tín chấp với lãi suất thấp (chỉ 1%/tháng), thủ tục vay đơn giản, không cần gặp trực tiếp; nợ xấu vẫn vay được; không thế chấp, không thẩm định, chỉ cần Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân và có tài khoản ngân hàng/thẻ ATM là có thể vay được tiền…

Khi có người vay tiếp cận, các đối tượng sẽ dẫn dụ, yêu cầu người vay cung cấp thông tin cá nhân phục vụ làm hồ sơ vay. Trong quá trình làm hồ sơ sẽ có lỗi xảy ra nên không giải ngân được. Từ đó, chúng yêu cầu người vay phải nộp thêm các khoản tiền để bảo đảm khoản vay hoặc khắc phục lỗi hệ thống; hứa hẹn sẽ hoàn trả lại số tiền đã gửi cho khách hàng sau khi khoản vay được giải ngân. Tuy nhiên, khi người vay chuyển tiền vào số tài khoản của các đối tượng cung cấp, các đối tượng sẽ lập tức chiếm đoạt và ngắt liên lạc.

Với thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên, bị hại không những bị mất tiền mà còn bị mất toàn bộ thông tin danh tính cá nhân, tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục bị lợi dụng để phục vụ cho các hoạt động vi phạm pháp luật khác, như đăng ký SIM không chính chủ, đăng ký mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử phục vụ các hoạt động lừa đảo, rửa tiền, cá độ trực tuyến…

Trước thủ đoạn lừa đảo tinh vi, MAFC cho biết có nhiều diễn biến phức tạp trên không gian mạng, người dân cần chủ động nâng cao ý thức cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi có nhu cầu vay tiền, cần liên hệ trực tiếp với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn làm thủ tục vay vốn. Khi khách hàng phát hiện thủ đoạn mạo danh, lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc bị mạo danh, lừa đảo chiếm đoạt tài sản hãy nhanh chóng trình báo cơ quan công an nơi gần nhất.

Theo Agribank, khách hàng cần nâng cao cảnh giác trước những lời mời chào vay vốn từ các cá nhân, yêu cầu kết bạn Facebook, Zalo, yêu cầu chuyển tiền trước các khoản tiền phí, đặt cọc… Khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản, thông tin bảo mật thẻ, thông tin dịch vụ ngân hàng điện tử cho bất kể ai, cả nhân viên ngân hàng cũng không được cung cấp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.