Tình trạng kẹt xe, ùn ứ giao thông nghiêm trọng đang xảy ra tại các cửa ngõ trọng điểm ở TP.HCM, khiến việc đi lại của người dân và vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp hết sức khó khăn.
Xa lộ Hà Nội cũng đang rơi vào tình trạng quá tải nghiêm trọng dù đang được mở rộng - Ảnh: Đình Mười
|
“Nhiều hôm xe đứng bánh hàng giờ”
Quốc lộ (QL) 22, cửa ngõ giao thông trọng điểm khu vực tây bắc TP.HCM, nối liền TP.HCM - Tây Ninh, đang rơi vào tình trạng ùn tắc, kẹt xe thường xuyên, nhất là đoạn từ ngã tư cầu vượt An Sương đến ngã tư Trung Chánh (Q.12).
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, mật độ xe cộ di chuyển qua khu vực khá lớn, chủ yếu các loại xe tải, container chở hàng từ các khu công nghiệp (KCN) phía tây bắc TP.HCM như Tân Phú Trung (H.Củ Chi); Trảng Bàng, Phước Đông, Chà Là và hướng đi cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh); các KCN thuộc tỉnh Long An... Trong khi đó, lòng đường hẹp với chỉ 2 làn ô tô nên thường xuyên xảy ra ùn tắc, đặc biệt vào các giờ cao điểm tại cổng Bến xe An Sương, nút giao thông vòng xoay cầu vượt An Sương (Q.12).
Ông Đặng Phú (ngụ ấp Đông Lân, xã Bà Điểm, H.Hóc Môn) cho biết: “Kẹt xe tại đây hầu như ngày nào cũng có, nhiều hôm xe đứng bánh hàng giờ trên đường. Nếu cơ quan chức năng không có biện pháp mở rộng QL22 thì tình trạng kẹt xe sẽ nghiêm trọng hơn, bởi các khu kinh tế phía bắc TP đang ngày càng phát triển, xe cộ đi lại sẽ rất đông. Đường hẹp, dễ xảy ra tai nạn giao thông và thực tế đã có những vụ tai nạn chết người xảy ra”.
Tuyến giao thông cửa ngõ phía tây TP.HCM hướng về các tỉnh ĐBSCL cũng trong tình trạng tương tự. Trên QL1A, đoạn từ ngã tư Bình Điền (xã An Phú Tây, H.Bình Chánh) đến ngã ba Tân Kiên (ấp 3, xã Tân Kiên, H.Bình Chánh) thường xuyên xảy ra kẹt xe, bởi diện tích lòng đường hẹp, trong khi xe cộ từ nhiều tỉnh thành phía tây Nam bộ đổ về quá lớn. Anh Nguyễn Ngọc Khương (ngụ ấp 3, xã Tân Kiên) phản ánh: “Vào giờ cao điểm, công nhân đi làm hoặc tan ca ra về quá đông, giao thông qua đoạn này kẹt cứng, tai nạn chết người xảy ra thường xuyên. Gặp hôm triều cường từ sông Chợ Đệm lên cao gây ngập đường thì giao thông còn khốn khổ hơn”.
Không chỉ các cửa ngõ nêu trên, phía đông với xa lộ Hà Nội đang được mở rộng cũng kẹt xe thường xuyên. Nhiều tuyến đường kết nối trung tâm với khu nam TP như Nguyễn Hữu Thọ (Q.7), Dương Bá Trạc (Q.8)... vào các giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều cũng ùn tắc. Do mặt đường chật hẹp, mỗi chiều chỉ cho một làn ô tô lưu thông nhưng lượng xe di chuyển quá đông, chỉ cần một xe ô tô chết máy, lấn tuyến, qua đường, hoặc có va quệt là lập tức ùn tắc kéo dài 2 - 3 km.
Kẹt xe trên QL22, đoạn qua cầu vượt An Sương, Q.12, TP.HCM
|
Bỏ quên các trục hướng tâm
Theo TS Hồ Long Phi (Đại học Quốc gia TP.HCM), hạ tầng giao thông TP.HCM hiện vẫn còn nhiều điểm vướng mắc, chưa thông suốt. Cả 3 cửa ngõ quan trọng nhất ở phía tây, đông, tây bắc đang cần đầu tư mở rộng. Việc giải quyết các nút thắt trên có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là chủ trương TP muốn giảm tải cho khu vực trung tâm và phát triển các khu dân cư mới ở ngoại thành.
Theo TS Phạm Sanh - chuyên gia giao thông, để giải quyết tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tại các cửa ngõ, không còn cách nào khác là khẩn trương đầu tư mở rộng các trục đường xuyên tâm như QL1A hướng về miền Tây, QL22, xa lộ Hà Nội... Nếu TP thiếu vốn thì phải kêu gọi xã hội hóa, đầu tư BOT.
Về vấn đề quy hoạch, TS Phạm Sanh cho biết tại các đô thị lớn thì những trục đường cửa ngõ phải được xây dựng ít nhất 8 làn xe mới hạn chế được tình trạng ùn tắc. “Sai lầm của TP là thời gian qua cứ tập trung làm đường vành đai mà quên đi các tuyến đường hướng tâm. TP cần sớm xem xét điều chỉnh trong thực hiện quy hoạch giao thông, trong đó tập trung vốn đầu tư mở rộng các tuyến đường cửa ngõ. Nếu không, nạn kẹt xe sẽ dữ dội hơn”, ông Phạm Sanh nói.
Kẹt xe kéo dài trên QL1A, đoạn qua xã Tân Kiên, H.Bình Chánh, TP.HCM
|
Ưu tiên các nút giao
Trước tình trạng kẹt xe ở các cửa ngõ, ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết ngành giao thông dự tính thực hiện dự án cải tạo khu vực ngã tư An Sương (Q.12); tuyến QL22 từ An Sương đi H.Củ Chi và tỉnh Tây Ninh hiện đang quá tải do lưu lượng xe tăng quá cao cũng sẽ được mở rộng. Tuy nhiên, do kinh phí thực hiện quá lớn nên trước mắt TP sẽ tính toán mở rộng các nút giao dọc tuyến.
Để giải quyết quá tải trên tuyến QL1A đoạn từ An Lạc (Q.Bình Tân) đi ĐBSCL, TP đã lập 2 dự án dự kiến sẽ thực hiện cùng lúc. Dự án thứ nhất là dự án BOT xây dựng đoạn đường nối từ đại lộ Võ Văn Kiệt đến đường nối cao tốc TP.HCM - Trung Lương, do Công ty Yên Khánh đầu tư, nhằm thu hút ô tô đi vào cao tốc để đến miền Tây. Dự án thứ hai là cải tạo mở rộng QL1A đoạn từ đại lộ Võ Văn Kiệt đến Bình Điền, do Công ty IDICO đề xuất đầu tư BOT có thu phí. Cả hai dự án đang được xúc tiến và nghiên cứu đầu tư.
Theo ông Nguyễn Hồng Ninh - Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư phát triển hạ tầng IDICO, ngày 19.5 vừa qua công ty đề xuất UBND TP.HCM xin đầu tư mở rộng, cải tạo khoảng 8,2 km của QL1A, đoạn từ nút giao Tân Kiên (H.Bình Chánh) đến ranh tỉnh Long An. IDICO dự kiến cần trên 750 tỉ đồng để cải tạo, mở rộng đoạn QL này rộng thành 36 m, có 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp cùng dải phân cách chia xe cơ giới - thô sơ, vỉa hè và cây xanh; sau đó sử dụng Trạm thu phí An Sương - An Lạc và xây thêm một số điểm thu phí phụ để thu hoàn vốn đầu tư.
Nhiều dự án cầu đường cấp bách
Theo ông Trần Quang Lâm, tại các tuyến đường cửa ngõ hướng ra phía nam TP.HCM như Nguyễn Hữu Thọ (Q.7), Dương Bá Trạc (Q.8), Nguyễn Tri Phương - Chánh Hưng - Phạm Hùng (Q.5, Q.8, H.Bình Chánh), TP đưa các dự án cải tạo, xây dựng hạ tầng khu vực này vào dạng cấp bách và ưu tiên đầu tư. Đó là dự án xây dựng cầu, đường Bình Tiên nhằm kết nối các trục giao thông quan trọng từ Q.5, Q.6, Q.8 sang H.Bình Chánh; chia sẻ phương tiện với các đường Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Tri Phương. Ngoài ra, để kết nối tốt giao thông từ Q.4 sang Q.8 và Q.1, TP sẽ xây dựng thêm một số nhánh cầu từ cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu Nguyễn Tri Phương xuống đại lộ Võ Văn Kiệt. Tại đường Nguyễn Hữu Thọ (Q.7), TP cũng đang nghiên cứu mở rộng đoạn từ cầu Kênh Tẻ đến Nguyễn Văn Linh; đồng thời đang đàm phán với Công ty Phú Mỹ Hưng để mở rộng nút giao Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh theo hình thức BOT.
|
Bình luận (0)