Rắn trưởng thành có giá từ 700.000 - 1 triệu đồng/kg |
Anh Tuẩn nhớ lại: “Năm 2006, tôi lên Tây Ninh, thấy người ta nuôi rắn lời quá liền vét túi mua mấy chục con rắn giống (giá 40.000 đồng/con) về nuôi. Bà con hàng xóm thấy vậy ai cũng cười, nói tôi nghèo mà bày đặt nuôi rắn… làm kiểng”. Mấy năm đầu, anh để rắn phối giống tự nhiên, nên tỷ lệ rắn con sinh ra rất ít, phần, thị trường còn chưa chuộng rắn nên không có lãi cao. Anh Tuẩn cho biết: “Nghề nuôi rắn không khó nhưng cũng không hề dễ. Con rắn Long Thừa là loại giống mới nuôi nên chưa có nhiều thuốc trị bệnh. Do mình chưa có kinh nghiệm nên rắn dễ bị đẹn, phổi, sên hay sình bụng. Mỗi lần thấy rắn bệnh chết tiếc đứt ruột nhưng cũng đành bó tay. Tức mình, tui lại sang mấy ông bạn nuôi rắn để học nghề thêm. Nhờ vậy mà từ từ mới biết được nhiều kỹ thuật, chẳng hạn như rắn con bị sên thì hạn chế cho uống thuốc, đợi rắn lớn thêm chút nữa rồi dùng kim lễ sên”.
Qua quá trình mày mò nghiên cứu, anh đã biết cách để phối giống cho rắn hiệu quả và học hỏi được cách phòng tránh bệnh thường gặp của rắn. Thường thì mỗi năm, anh chỉ để rắn đẻ 2 lứa cho rắn mẹ không mất sức. Mỗi ngày đều dọn dẹp chuồng, quan sát con nào bệnh cách ly để chữa ngay. Rắn sau khi phối giống khoảng 2 tháng bắt đầu đẻ trứng. Trứng rắn được ủ trong thùng xốp, được phủ một lớp cát mỏng để nơi thoáng mát. Sau 2 tháng khui ra để trứng tự nở. “Lúc trước cứ đem đi ấp, nở được trứng nào hay trứng ấy. Bây giờ nhờ kỹ thuật dùng đèn “siêu âm” nên hầu như ấp bao nhiêu là nở đủ bấy nhiêu”, anh Tuẩn nói.
Hơn 3 năm gắn bó với con rắn Long Thừa, khi đàn rắn tại nhà đã hơn 200 con, anh Tuẩn đến kiểm lâm để đăng ký giấy phép. Giá rắn lúc này cũng đang cao, anh Tuẩn bắt đầu thu lợi nhuận nhờ bán rắn giống lẫn rắn thịt. Giá bán rắn con làm giống tùy theo thời điểm từ 150.000 - 300.000 đồng/con, rắn thịt từ 700.000 - 1 triệu đồng/kg.
Trong năm 2012, anh bán được khoảng 2.000 con rắn, thu lợi nhuận trên 300 triệu đồng. Hiện nay, ngoài việc chủ động được con giống, anh Tuẩn đang nghiên cứu học hỏi mô hình nuôi ếch tại nhà để giảm bớt chi phí thức ăn. Theo anh Tuẩn, mỗi rắn con sau 1 năm nuôi có trọng lượng hơn 1 kg, có thể đẻ và bán thịt, thu lợi nhuận gấp 2, 3 lần nuôi bò. Cũng nhờ anh cung cấp con giống, tận tình hướng dẫn kỹ thuật mà nhiều nông dân địa phương cũng bắt đầu thành công với nghề nuôi rắn. Tính riêng tại H.Đức Huệ cũng đã có vài chục hộ nuôi rắn Long Thừa với quy mô từ vài chục đến hàng trăm con.
Tố Như
Bình luận (0)